27/04/2017 12:11 GMT+7

Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chưa chuẩn bị tốt, nên dời lại

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TTO - Hàng loạt băn khoăn được nêu ra bởi các hiệu trưởng trường THPT, giám đốc trung tâm GDTX, trưởng phó phòng GD-ĐT các quận, huyện tại hội nghị góp ý về chương trình giáo dục phổ thông mới, do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức chiều 26-4.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Ảnh: NHƯ HÙNG
Ông Nguyễn Văn Hiếu, phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, phát biểu góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đó là các thắc mắc: có quá nhiều môn học mới, lấy giáo viên đâu ra để dạy? Năm học 2018-2019 đã triển khai đại trà mà không trải qua giai đoạn thí điểm để rút kinh nghiệm là không ổn, chẳng lẽ lại tiếp tục lấy học sinh ra để “thí nghiệm”? Ai dám đảm bảo chương trình - sách giáo khoa mới không có khuyết điểm?...

Tên môn học: vừa mơ hồ vừa chồng chéo

“Chương trình tiểu học biên soạn dành cho những trường học 2 buổi/ngày. Trong khi đó, ở quận tôi năm nay mới chỉ có 60% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Vậy chúng tôi phải thực hiện chương trình này như thế nào?

Trong dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới có nêu: đối với những trường dạy 1 buổi/ngày thì cắt phần hướng dẫn tự học và giáo dục địa phương. Nhưng tôi tính toán rồi, có cắt phần nội dung trên, đồng thời cho học sinh học suốt từ thứ hai đến thứ bảy thì vẫn còn dư 5-6 tiết/tuần (theo quy định của chương trình)” - ông Trịnh Vĩnh Thanh, phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp, nêu ý kiến.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Thu Cúc - hiệu trưởng Trường THPT Gia Định - phân tích: “Chương trình mới có nhiều ưu điểm như quan tâm hơn đến việc phát triển kỹ năng cho học sinh, có một số môn học phù hợp với nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, tôi thấy các môn học ở các cấp vẫn còn quá nhiều, chưa kể một số môn có vẻ mơ hồ và chồng chéo nhau. Như ở bậc tiểu học: môn cuộc sống quanh ta không khác gì mấy với môn tìm hiểu tự nhiên, môn tìm hiểu xã hội; môn tìm hiểu tin học có vẻ gần giống với môn tìm hiểu công nghệ.

Thêm nữa, lâu nay các trường đều lồng hoạt động trải nghiệm sáng tạo vào các bộ môn. Nay tách hoạt động trải nghiệm sáng tạo ra thành một môn riêng biệt thì sẽ thực hiện ra sao?”.

Tương tự, ông Ngô Xuân Đông, trưởng Phòng GD-ĐT quận 7, nhận xét: “Đã gọi là môn học tự chọn thì phải có nhiều môn. Ở bậc tiểu học, môn học tự chọn chỉ có duy nhất môn tiếng dân tộc thiểu số, bậc THCS thì môn tự chọn có tiếng dân tộc thiểu số và môn ngoại ngữ 2. Ngay cả môn ngoại ngữ 1 mà nhiều trường còn khó khăn, nói gì đến ngoại ngữ 2”.

Ông Trần Văn Toản, quyền trưởng Phòng GD-ĐT huyện Củ Chi, bổ sung: “Ở Củ Chi hiện nay vẫn còn một số trường chưa thực hiện dạy ngoại ngữ cho học sinh, vì không tuyển được giáo viên. Một số trường khác có thực hiện nhưng chỉ ở vài khối lớp, chứ không phải 100% học sinh được học. Chúng tôi không dám nghĩ đến ngoại ngữ 2”.

Còn nhiều việc phải làm

Tại hội nghị, đa số đại biểu đều tỏ ra băn khoăn về lực lượng giáo viên. “Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của chương trình chính là nhân lực. Nhân lực bao gồm giáo viên và học sinh. Đội ngũ giáo viên thì bao gồm những giáo viên đang giảng dạy và sinh viên sư phạm.

Tuy nhiên, tôi cảm thấy lo lắng vì đến thời điểm này đội ngũ giáo viên vẫn chưa được bồi dưỡng gì, trong khi chương trình có hàng loạt môn học mới. Tôi cho rằng đối với những môn học mới phải có cơ sở để tạo sự đam mê, yêu thích cho học sinh, chứ không phải giáo viên cứ đọc sách rồi dạy cho xong” - cô Thu Cúc phát biểu.

Cùng mối quan tâm, ông Trịnh Vĩnh Thanh cho biết: “Bậc THCS có môn khoa học tự nhiên (chương trình hiện hành là lý, hóa, sinh) thì nội dung tích hợp như thế nào? Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đội ngũ giáo viên để dạy môn này hay chưa?”.

Còn ông Nguyễn Văn Hòa, hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Thái Bình, đặt nghi vấn: “Không thể điều đội ngũ giáo viên hiện có sang dạy những môn học mới, vì chắc chắn không mang lại hiệu quả như ý muốn. Trường tôi có thời điểm thiếu giáo viên môn công nghệ nên phải điều giáo viên môn vật lý qua giảng dạy. Thực tế là họ dạy cho xong chứ không vui vẻ gì”.

Riêng ông Lưu Hồng Uyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, đề nghị: “Các trường sư phạm nên đón đầu bằng cách cập nhật những nội dung của chương trình giáo dục phổ thông mới vào chương trình đào tạo giáo viên của mình. Để đến năm 2018 khi giáo viên tốt nghiệp ra giảng dạy, không phải đi học tập huấn nữa, vừa tốn thời gian, công sức và lãng phí tiền bạc”.

Cũng tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đề xuất nên dời thời gian thực hiện đại trà chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi nói như ông Trịnh Vĩnh Thanh: “Đến thời điểm này mà sách giáo khoa chưa có, giáo viên cũng chưa được học tập, bồi dưỡng gì. Chẳng lẽ chương trình giáo dục phổ thông mới bỏ qua giai đoạn thí điểm?

Tôi đề nghị nếu chưa chuẩn bị cẩn thận và bài bản thì không nên thực hiện đại trà chương trình mới từ năm 2018. Bởi nhiều giáo viên đã bày tỏ sự nghi ngại với chúng tôi: nếu hấp tấp thực hiện, rất có thể chương trình sẽ lặp lại “vết xe đổ” của những lần cải cách trước, và người tội nghiệp nhất vẫn là học sinh”.

TP.HCM vẫn biên soạn sách giáo khoa

Trả lời ý kiến thắc mắc của một đại biểu về bộ sách giáo khoa của TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết: “Bộ GD-ĐT đã có văn bản cho phép TP.HCM phối hợp với NXB Giáo Dục biên soạn bộ sách giáo khoa theo chương trình mới.

Với những lợi thế của một TP năng động, nơi quy tụ nhiều chuyên gia đầu ngành, nhiều nhà giáo giỏi, xin khẳng định là Sở GD-ĐT TP.HCM phối hợp với NXB Giáo Dục để thực hiện bộ sách giáo khoa, chứ sở không đứng ra làm sách giáo khoa.

Sở chỉ góp ý về chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và giới thiệu những nhà giáo giỏi để viết sách giáo khoa mà thôi”.

Ông Hiếu cũng cho biết thêm hiện Sở GD-ĐT và NXB Giáo Dục vẫn đang xúc tiến những việc làm cần thiết để thực hiện bộ sách giáo khoa theo chương trình mới.

Chương trình chưa chú trọng yếu tố hội nhập

“Chương trình giáo dục phổ thông mới có chú trọng yếu tố tiên tiến, hiện đại nhưng chưa chú trọng yếu tố hội nhập. Trong khi đó, một số đợt khảo sát đã chỉ ra rằng lao động Việt Nam thua lao động nước ngoài về ngoại ngữ, chứ không thua về kỹ năng lao động.

Việc phân bổ số tiết ngoại ngữ bậc trung học chỉ có 3 tiết/tuần thì khó có thể thực hiện mong muốn biến ngoại ngữ thành thế mạnh của người dân Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Hiếu (phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM)

Không thể dạy tùy hứng!

“Chương trình mới ghi rằng: môn ngoại ngữ 2 bắt đầu từ lớp 6 và kết thúc vào bất kỳ lớp nào, tùy theo khả năng đáp ứng của cơ sở. Điều này chưa ổn lắm.

Khi thực hiện giảng dạy một môn học nào đó, chúng ta phải có trách nhiệm với học sinh và phụ huynh, ít ra cũng phải có mục tiêu: học sinh học môn ấy sẽ đạt được trình độ nào trong thời gian bao lâu, chứ không thể tùy hứng”.

Ông TRỊNH VĨNH THANH (phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp)

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên