15/11/2020 07:02 GMT+7

Giao con cho chồng, rồi kiện đòi lại

LAN NGỌC
LAN NGỌC

TTO - Có lẽ trong hôn nhân, ly hôn là chuyện không cặp vợ chồng nào muốn xảy ra, nhất là khi đã có con chung. Cha mẹ nào cũng muốn làm điều tốt nhất cho con mình. Nhưng khi sự rạn nứt giữa họ vỡ ra thì câu hỏi đặt ra là: Ai nuôi con sẽ tốt hơn?

Giao con cho chồng, rồi kiện đòi lại - Ảnh 1.

Khi thỏa thuận giữa hai vợ chồng không thành, họ lại kéo nhau ra tòa để tìm câu trả lời cho câu hỏi trên. Ai nuôi con tốt hơn? Thật khó có câu trả lời chuẩn xác.

Ở tòa tự nguyện giao con cho chồng

TAND TP Cần Thơ vừa xét xử phúc thẩm vụ "tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn" giữa bị đơn là anh N.N.L. (33 tuổi, ngụ quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) và nguyên đơn là chị L.N.H. (35 tuổi, ngụ TP.HCM). Sau phiên xử sơ thẩm, Viện KSND quận Ninh Kiều cũng có kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng để anh L. tiếp tục nuôi con.

Theo hồ sơ, năm 2018 anh L. và chị H. đã có quyết định ly hôn của TAND quận Ninh Kiều. Tòa ghi nhận sự tự nguyện của chị H. giao con chung là cháu N.B.L. (sinh năm 2015) cho anh L. nuôi dưỡng. Chị H. không cần cấp dưỡng nuôi con. Phía anh L. và gia đình phải tạo điều kiện và không được cản trở việc thăm nom, gần gũi con của chị H..

Tuy nhiên, một thời gian sau ly hôn, chị H. cho rằng chồng cản trở không cho chị thăm con, sợ tình mẫu tử bị chia cắt... nên tháng 7-2019 chị quyết định khởi kiện giành lại quyền nuôi con. Chị cho rằng hiện tại có đủ điều kiện, nhất là về tài chính, để nuôi dạy con tốt hơn chồng cũ.

Xử sơ thẩm hồi tháng 4-2020, TAND quận Ninh Kiều tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H., anh L. có trách nhiệm giao con chung cho chị nuôi dưỡng.

Nuôi con, không chỉ có nhiều tiền là được

Vụ kiện kéo dài gần một năm qua. Trình bày trước hội đồng xét xử cấp phúc thẩm, chị H. cho rằng anh L. nhiều lần cản trở chị thăm con và đưa ra các vi bằng chứng minh. Đồng thời, chị còn chứng minh mình có điều kiện tài chính tốt hơn chồng cũ như có chỗ ở ổn định, thu nhập cao và cả tình máu mủ ruột rà.

Phía anh L. khẳng định việc cản trở là hoàn toàn không có, anh và gia đình luôn tạo điều kiện để hai mẹ con gặp nhau, thậm chí chị H. còn lợi dụng quyền thăm nom để gây rối, cản trở đến đời sống sinh hoạt của con và gia đình anh. Vì vậy, anh vẫn giữ nguyên yêu cầu để bé N.B.L. cho anh nuôi dưỡng.

Sau khi bản án sơ thẩm được tuyên, Viện KSND quận Ninh Kiều có quyết định kháng nghị, cho rằng việc bản án sơ thẩm tuyên cho chị H. được nuôi con là chưa xem xét toàn diện quyền và lợi ích của trẻ.

Hội đồng xét xử thấy rằng các đương sự không thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Chị H. không chứng minh được anh L. không còn đủ điều kiện nuôi con, không chứng minh được nếu thay đổi cho chị nuôi con thì sẽ tốt hơn.

Trong khi từ lúc mới lọt lòng cháu N.B.L. đã sống với cha và được cha nuôi dưỡng, cháu phát triển bình thường về thể chất lẫn tinh thần, cuộc sống ổn định. Bên cạnh đó, cấp sơ thẩm xét xử vắng mặt bị đơn và luật sư bảo vệ của bị đơn trong khi có lý do vắng mặt chính đáng là vi phạm Bộ luật tố tụng dân sự.

Do đó, viện kiểm sát kháng nghị theo hướng để anh L. tiếp tục nuôi con, đề nghị hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị đơn và kháng nghị của viện kiểm sát, bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Sau gần một ngày xét xử, tòa phúc thẩm nhận định về tố tụng, cấp sơ thẩm không chấp nhận đơn đề nghị hoãn phiên tòa của anh L. mà vẫn xét xử vắng mặt là vi phạm pháp luật, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Về nội dung, theo thừa nhận của các đương sự thì từ khi ly hôn đến nay anh L. là người trực tiếp nuôi con chung. Hồ sơ vụ án thể hiện cả hai anh chị không có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Xét về điều kiện chăm nom, cấp sơ thẩm cho rằng chị H. chứng minh được có điều kiện kinh tế và tinh thần tốt hơn. Tuy nhiên, anh L. cũng có đầy đủ điều kiện nuôi con, cháu L. phát triển bình thường, khỏe mạnh, được đi học, không bị bỏ đói, không bị đánh đập hay ngược đãi gì... 

Nhưng cấp sơ thẩm không làm rõ, cũng không yêu cầu chị H. chứng minh anh L. không còn đủ điều kiện nuôi con tại địa phương là thu thập chứng cứ chưa đầy đủ.

Ngoài ra, các vi bằng là chứng cứ của chị H. cung cấp cho tòa thể hiện việc bị ngăn trở thăm con từ phía bị đơn. Nhưng vi bằng chỉ thông qua lời của chị H. để thừa phát lại ghi nhận, chứ không phải trực tiếp chứng kiến...

Vì các lẽ trên, tòa quyết định chấp nhận một phần kháng cáo của anh L. và chấp nhận một phần kháng nghị của viện kiểm sát, tuyên hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho TAND quận Ninh Kiều giải quyết lại vụ án.

Trong thời gian chờ xét xử lại, anh L. vẫn được nuôi con, còn chị H. thỉnh thoảng có về thăm con. 

Cha mẹ nào cũng muốn làm điều tốt nhất cho con cái mình. Nhưng câu chuyện này làm nhiều người tham dự phiên tòa không khỏi băn khoăn về việc nuôi dạy một đứa trẻ thành người, bởi nó cần rất nhiều yếu tố chứ không chỉ là vấn đề tài chính.

Cha mẹ ly hôn khi mới lên 3 tuổi, suốt từ đó đến nay cháu N.B.L. được cha và gia đình bên nội nuôi dưỡng. Hiện cháu N.B.L. đã được 5 tuổi, là một cậu bé rất kháu khỉnh, hiếu động và lễ phép. Nhìn thấy cháu N.B.L. và theo dõi vụ kiện, tôi tự hỏi: Cha và mẹ cháu, ai sẽ là người nuôi dạy cháu tốt hơn? Một câu hỏi rất khó có lời đáp...

Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án

TTO - Người này phân bua "Tui lấy đâu ra tiền để trợ cấp nuôi con 5 triệu đồng một tháng theo yêu cầu của bả"; người kia lại tìm đủ cách đòi nhận nuôi 2 con tự kỷ ở bên Mỹ: "Từ khi tôi về VN, vợ cũ ở Mỹ không chăm sóc các con được chu đáo...".

LAN NGỌC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên