27/10/2021 16:58 GMT+7

Giao các sân bay nhỏ cho địa phương sẽ khó đảm bảo kinh phí hoạt động'

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, phân cấp các sân bay nhỏ cho các địa phương quản lý sẽ khó có khả năng đảm bảo kinh phí hoạt động và đầu tư phát triển của các sân bay này.

Giao các sân bay nhỏ cho địa phương sẽ khó đảm bảo kinh phí hoạt động - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cho rằng không nên chuyển các sân bay nhỏ, chưa có lãi như Cát Bi, Côn Đảo, Đồng Hới... cho địa phương quản lý - Ảnh: TUẤN PHÙNG

Bộ này cho biết như vậy khi góp ý đề án "Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không" của Bộ Giao thông vận tải.

Đề án nêu, trong 21 sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - ACV quản lý, khai thác, hiện chỉ có 7 sân bay hoạt động có lãi. ACV cân đối lợi nhuận từ các sân bay có lãi, bù đắp cho các sân bay chưa có lãi và vẫn phải đảm bảo hoạt động cả hệ thống 21 sân bay có hiệu quả.

Theo phân nhóm các sân bay nêu trong đề án, các sân bay nhóm 3 như Điện Biên, Nà Sản, Đồng Hới, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo... chủ yếu là các sân bay nhỏ, doanh thu thấp, thu không đủ bù chi.

Do vậy, Bộ Kế hoạch và đầu tư nhận định: nếu phân cấp hoàn toàn cho các địa phương quản lý sẽ khó có khả năng đảm bảo kinh phí hoạt động và đầu tư phát triển, cũng như không đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng. Bộ này đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét cân nhắc phương án phân cấp quản lý cho phù hợp.

Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng cho rằng việc huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư theo hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác các sân bay nhóm 3 khó khả thi, vì hiện thu không đủ bù chi.

Bộ Kế hoạch và đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, cân nhắc phương án huy động nguồn lực theo hướng chuyển giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng không thuộc sở hữu nhà nước tại 21 sân bay do ACV đang quản lý hiện nay về ACV, thông qua hình thức ghi tăng vốn nhà nước tại ACV. Đồng thời, nghiên cứu nhân rộng mô hình các địa phương tham gia góp vốn đầu tư sân bay như các sân bay Cát Bi, Cam Ranh, Điện Biên. Qua đó giảm nhẹ gánh nặng đầu tư của ngân sách trung ương và vốn đầu tư phát triển của ACV.

Về đề xuất Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và ACV chuyển đại diện chủ sở hữu Công ty quản lý Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (công ty con của ACV) cho Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho là không phù hợp.

Lý do là hiện nay ACV là công ty cổ phần do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu. Các quy định hiện hành về quản lý vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp không quy định việc chuyển quyền đại diện chủ sở hữu của công ty con thuộc sở hữu của doanh nghiệp có phần vốn góp chi phối của Nhà nước về một cơ quan đại diện chủ sở hữu. Do vậy, không có cơ sở thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu tại công ty con của ACV về Bộ Giao thông vận tải.

Việc thực hiện chuyển quyền đại diện chủ sở hữu tại công ty con của ACV về Bộ Giao thông vận tải (trong trường hợp cần thiết) phải thực hiện theo phương thức chuyển nhượng có thanh toán theo quy định pháp luật về doanh nghiệp.

Thí điểm Hải Phòng quản lý sân bay Cát Bi, nhượng quyền khai thác sân bay Cần Thơ Thí điểm Hải Phòng quản lý sân bay Cát Bi, nhượng quyền khai thác sân bay Cần Thơ

TTO - Hai đề xuất thí điểm được Bộ Giao thông vận tải đưa ra trong đề án 'Định hướng huy động nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng cảng hàng không' đang lấy ý kiến UBND 28 tỉnh, thành.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên