28/01/2015 15:13 GMT+7

Giang mai ở thai phụ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

LÊ THANH HÀ
LÊ THANH HÀ

TTO - Những năm gần đây số thai phụ bị bệnh giang mai ở TP.HCM ngày càng nhiều. Giang mai ở thai phụ rất nguy hiểm nhưng nhiều người không đi khám thai để được phát hiện, điều trị sớm.

Người dân ngồi chờ khám thai tại bệnh viện Phụ Sản Mêkông, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa
Người dân ngồi chờ khám thai tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông, TP.HCM - Ảnh: Hữu Khoa

Một nghiên cứu của Bệnh viện Da liễu TP.HCM được báo cáo hồi tháng 12-2014 cho thấy cả hai năm 2009 và 2010 tại TP chỉ có 800 thai phụ bị giang mai (mỗi năm 400 ca).

Qua năm 2011, số thai phụ bị giang mai vọt lên 750 ca. Sang năm 2012 và 2013, mỗi năm phát hiện 800 thai phụ bị bệnh này.

Lây từ mẹ sang con

Bệnh viện Da liễu TP còn ghi nhận một bé gái bị giang mai bẩm sinh khi mới chào đời (bé sinh tháng 8-2014, quê Đồng Tháp). Mẹ bé bị giang mai nhưng chưa được điều trị trong lúc mang thai nên đã lây bệnh này cho con.

Bé này sinh non tháng, được chẩn đoán bị giang mai bẩm sinh sớm, đã được điều trị tại Bệnh viện Đồng Tháp nhưng sau đó phải chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM điều trị tiếp. Khi vừa chào đời bé đã bị viêm phổi sơ sinh, nhiễm trùng huyết, vàng da, vàng mắt, lách to, tăng men gan.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Văn Hiền - phó giám đốc chuyên môn Bệnh viện Phụ sản Mêkông, TP.HCM,  giang mai là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn giang mai Treponema pallidum gây nên.

Theo y văn, tỉ lệ bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai chiếm khoảng 1%. Tại Bệnh viện Phụ sản Mêkông, tỉ lệ này 0,3-0,5%.

Các thai phụ này đều không đi khám thai hoặc chỉ khám thai tại các phòng mạch nhưng không thường xuyên nên không phát hiện bệnh trong lúc mang thai.

Theo bác sĩ Hiền, sau khi tiếp xúc với nguồn lây, người bệnh sẽ trải qua giai đoạn ủ bệnh kéo dài khoảng ba tuần, thường không có triệu chứng gì đặc biệt.

Sau giai đoạn ủ bệnh này, những nơi tiếp xúc với xoắn khuẩn giang mai sẽ xuất hiện những vết loét (môi lớn, môi bé, âm hộ, âm đạo, cổ tử cung, dương vật…) và được gọi là giang mai kỳ 1.

Những vết loét này có đặc điểm là đáy rất sạch và không đau, không ngứa, không có mủ nên người bệnh bỏ qua, không đi khám.

Đặc biệt xoắn khuẩn giang mai rất nhạy với các chất sát khuẩn, xà phòng… do đó nếu người bệnh vệ sinh sạch vùng tổn thương trước khi đi khám, bác sĩ cũng không tìm thấy xoắn khuẩn giang mai ở vết loét.

Nếu không được điều trị, xoắn khuẩn này sẽ vào máu và trở thành giang mai kỳ 2 (sau giang mai kỳ 1 khoảng 6-10 tuần).

Khi đó bệnh nhân có thể xuất hiện những hồng ban toàn thân hoặc những vết sẩn. Giai đoạn này thường kéo dài 3-6 tuần. Nếu không được điều trị, những triệu chứng này cũng tự hết nhưng sẽ chuyển sang giang mai kỳ 3.

Tuy nhiên giang mai kỳ 3 có thể xuất hiện muộn sau vài năm, thậm chí sau hàng chục năm kể từ khi bị giang mai kỳ 1. Lúc này xoắn khuẩn có thể gây cho người bệnh những tổn thương giang mai thần kinh, tim mạch, gan…

Còn một dạng khác là giang mai tiềm ẩn, tức người bệnh đã mắc bệnh giang mai nhưng không để ý thấy triệu chứng gì đặc biệt và cũng không biết bị nhiễm bệnh khi nào, chỉ phát hiện bệnh tình cờ qua xét nghiệm máu.

Giang mai tiềm ẩn không có biểu hiện, triệu chứng nhưng vẫn lây truyền cho bạn tình và lây cho thai nhi.

Nhiều biến chứng nguy hiểm

“Sự lây truyền bệnh giang mai từ mẹ sang thai nhi không xảy ra trong ba tháng đầu mang thai mà chỉ xảy ra từ tháng thứ 4, thứ 5 trở đi của thai kỳ, do lúc đó bánh nhau mới cho phép những vật thể có kích thước lớn như xoắn khuẩn giang mai đi qua” - bác sĩ Hiền cho biết.

Nếu trẻ bị lây bệnh giang mai từ người mẹ có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng là thai chết lưu, phù nhau thai; nhiễm trùng bào thai; giang mai bẩm sinh: trẻ suy dinh dưỡng nặng, da nhăn nheo như ông già, tim bẩm sinh (thường gặp hội chứng Marfan), nổi ban khắp người…

Nếu trẻ bị giang mai bẩm sinh muộn sẽ có những biểu hiện bệnh giống giang mai kỳ 3 như nói trên.

Giang mai bẩm sinh muộn thường xuất hiện lúc trẻ 3-5 tuổi, với biểu hiện viêm mống mắt kẽ hoặc xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên mắt, về sau là cả hai bên và có thể dẫn đến mù lòa.

Trẻ còn bị điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thư­ờng kèm theo viêm mống mắt kẽ. Sau đó bệnh diễn tiến đến to hai đầu gối và đầu gối có n­ước, xuất hiện lúc 16-20 tuổi. Bệnh còn gây thư­ơng tổn xư­ơng khiến trẻ bị thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, x­ương chày lưỡi kiếm.

Theo bác sĩ Hiền, bệnh giang mai khá phổ biến ở phụ nữ và gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho thai nhi. Do đó người mẹ cần phòng ngừa lây truyền cho thai nhi bằng việc đi khám tiền hôn nhân, tiền thai (trước khi mang thai) và làm xét nghiệm huyết thanh học để tầm soát bệnh giang mai.

Xét nghiệm tầm soát bệnh giang mai rẻ tiền, dễ làm và thông dụng nên mọi phụ nữ mang thai trong ba tháng đầu của thai kỳ nên đi khám thai và làm xét nghiệm này để phát hiện và điều trị giang mai trước khi có khả năng lây nhiễm cho thai nhi.

Phòng ngừa và điều trị giang mai sớm

Điều trị giang mai ở phụ nữ mang thai khá đơn giản bằng kháng sinh Penicilline, Cetriaxone. Những kháng sinh này không chống chỉ định ở phụ nữ mang thai nên có thể yên tâm sử dụng. Tuy nhiên, cần chú ý một số thuốc chống chỉ định ở phụ nữ mang thai như Doxycycline và Tetracycline.

LÊ THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên