11/12/2020 11:13 GMT+7

Giảm thời hạn tối đa giải quyết đăng ký thường trú từ 15 xuống 7 ngày

LÊ KIÊN
LÊ KIÊN

TTO - Thứ trưởng Bộ Công an, thiếu tướng Lê Quốc Hùng khẳng định việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ “về đích” đúng hẹn.

Giảm thời hạn tối đa giải quyết đăng ký thường trú từ 15 xuống 7 ngày - Ảnh 1.

Thiếu tướng Lê Quốc Hùng - Ảnh: L.K

Sáng nay 11-12, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã chủ trì họp báo công bố các lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10.

Giảm thời gian, giảm phiền hà

Giới thiệu Luật cư trú 2020, thiếu tướng Lê Quốc Hùng khẳng định việc sửa đổi, bổ sung quy định của Luật cư trú hiện hành là nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo quyền con người, quyền công dân liên quan đến quản lý cư trú theo hướng quy định công khai, minh bạch, đơn giản hóa giấy tờ, giảm thời gian, chi phí.

"Đồng thời cũng giúp xóa bỏ các thủ tục hành chính còn rườm rà, dễ bị lợi dụng để gây phiền hà cho người dân; qua đó, bảo đảm tốt hơn nữa việc thực hiện quyền cư trú của công dân" - ông Hùng nói.

Đặc biệt, theo quy định của luật, tới đây bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật thông tin trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Việc áp dụng phương thức quản lý hiện đại này sẽ rút ngắn cả về thủ tục và thời gian, nếu như hiện nay thời gian giải quyết đăng ký thường trú là 15 ngày thì theo luật mới tối đa là 7 ngày.

Theo ông Lê Quốc Hùng, từ nay đến 1-7-2020, Chính phủ cần ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật. Bộ Công an cần tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng trực tiếp làm công tác đăng ký, quản lý cư trú cũng như tuyên truyền, phổ biến rộng rãi cho nhân dân hiểu và thực hiện các quy định của luật.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về tiến độ hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân mới, ông Hùng khẳng định trong quá trình xây dựng luật, Bộ Công an đã có kế hoạch chủ động để đảm bảo lộ trình.

Theo đó, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đưa vào vận hành trước thời điểm luật có hiệu lực (1-7-2021).

Khi Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã hoàn thành, thì thông tin đó có thể thay thế tất cả các giấy tờ có liên quan, các cơ quan có trách nhiệm sẽ được cung cấp các thiết bị đầu - cuối để truy cập vào cơ sở dữ liệu này.

Thu phí rác thải sinh hoạt theo khối lượng

Giới thiệu Luật bảo vệ môi trường, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn, phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời đảm bảo quyền và lợi ích cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường.

"Luật quy định nguyên tắc hoạt động bảo vệ môi trường phải công khai, minh bạch; quy định rõ trách nhiệm công khai thông tin liên quan đến chất lượng môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường" - ông Nhân nói.

Đáng chú ý, so với quy định hiện hành, quy định của luật mới đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Ông Nhân khẳng định: "Luật đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa được chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế".

Đặc biệt, luật mới thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn; định hướng cách thức quản lý, ứng xử với chất thải, góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Lần đầu tiên luật đã quy định việc thực hiện thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc luật không buộc các doanh nghiệp phải công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), điều này có thể "giúp" một số doanh nghiệp lợi dụng rằng do báo cáo chứa bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ để né công khai ĐTM?

Ông Nhân cho biết luật buộc các cơ quan nhà nước thẩm định ĐTM có trách nhiệm công khai báo cáo thẩm định ĐTM. Còn ĐTM của doanh nghiệp thì họ có quyền công khai hoặc không công khai, đặc biệt là doanh nghiệp có quyền không công khai bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh.

"Công khai các đánh giá, thẩm định ĐTM là trách nhiệm của cơ quan nhà nước. Tới đây sẽ có cơ sở dữ liệu quốc gia về lĩnh vực này và các cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai" - ông Nhân nói.

Sáng cùng ngày, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Phạm Thanh Hà đã công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; Luật thỏa thuận quốc tế; Luật biên phòng Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội: Mỗi người hãy thi đua với chính mình Chủ tịch Quốc hội: Mỗi người hãy thi đua với chính mình

TTO - Phát biểu tại buổi gặp mặt với 210 đại diện tiêu biểu trước thềm Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X chiều 9-12, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Mỗi chúng ta hãy thi đua với chính mình để dựng xây đất nước.

LÊ KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên