9 tháng năm nay: 157 sản phụ tử vong khi sinh
Tầm soát thai kỳ kỹ lưỡng để hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro khi sinh - Ảnh: T.T.D. |
Nhưng giảm tai biến bằng cách nào thì còn khó trả lời vì thiếu tiền, vì quá tải bệnh viện...
Đủ thứ nguy cơ
Nói chung về tai biến y khoa, giám đốc Bệnh viện T.Ư Huế Bùi Đức Phú đánh giá nhiễm khuẩn bệnh viện cũng được xem như một loại tai biến. Khảo sát sơ bộ gần đây, tỉ lệ nhiễm khuẩn bệnh viện ở các địa điểm được thống kê là 3-7%. “Nhưng đó chưa phải con số chính xác vì chưa phải khảo sát toàn quốc. Nhiễm khuẩn bệnh viện làm tăng tỉ lệ bệnh nhân bị biến chứng và tử vong, kéo dài thời gian và tăng chi phí điều trị, càng ngày càng dẫn tới những bệnh khó điều trị do xuất hiện nhiều vi khuẩn đa kháng kháng sinh” - ông Phú chia sẻ. Riêng về tai biến sản khoa, chỉ trong chín tháng năm 2013, Bộ Y tế thống kê có 157 sản phụ tử vong, năm 2012 có trên 250 sản phụ tử vong vì lý do này. Ngay tại bệnh viện hạng đặc biệt Bạch Mai, tháng 4 vừa qua có bệnh nhân bị tai biến sản khoa phải cắt tử cung, còn bé sơ sinh bị ngạt nặng, các thầy thuốc phải góp 500 triệu đồng đền cho gia đình sản phụ!
Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng 25-30% trường hợp nhập viện nếu không can thiệp sẽ dẫn đến biến chứng nặng hoặc tử vong, nên rất cần tập trung vào nhóm bệnh nhân này để tránh biến chứng. Tuy nhiên, nhiều ý kiến từ cuộc tọa đàm cho thấy những người có trách nhiệm chưa đánh giá đúng căn nguyên dẫn đến tai biến y khoa, chưa nhận thức được thầy thuốc của chúng ta đang rất thiếu sự tận tụy với bệnh nhân, mà vẫn cho rằng do bệnh viện còn quá tải như hiện nay, viện phí thì mới thu 3/7 cấu phần tạo nên dịch vụ...
Nếu không “mạnh tay”...
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, mỗi khi có tai biến y khoa sẽ lập các hội đồng chuyên môn đứng ra phân định đúng - sai. Nhưng hình như ở VN vẫn còn tình trạng cơ quan quản lý “ôm” hết mọi việc, ôm luôn quyền thành lập hội đồng chuyên môn, mà hội đồng chuyên môn và cơ quan liên quan đến tai biến đều là con một nhà - Bộ Y tế, sở y tế - thì nghi vấn phân xử thiếu công tâm cũng là điều dễ hiểu. “Lẽ ra phải có những hội nghề nghiệp, hội có quyền cấp phép hành nghề cho hội viên và rút phép hành nghề nếu thầy thuốc làm không tốt, khi có tai biến hội là trọng tài phân xử thì mới minh bạch được” - một ý kiến tham gia tọa đàm đề xuất.
Một câu hỏi khó được đặt ra tại tọa đàm: Khi có tai biến thì lấy tài chính đâu để đền bù? Thứ trưởng Tiến cho biết mỗi bệnh viện đều có cách riêng của mình, như trích quỹ bồi dưỡng phẫu thuật, thủ thuật để lập một quỹ dự phòng rủi ro, và khi có rủi ro thì lấy nguồn tài chính từ quỹ ra. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ do quỹ từ bệnh viện và tai biến cũng tại bệnh viện, nên việc đền bù cho bệnh nhân thường theo hướng “ai mạnh miệng thì được đền nhiều”, hầu như chưa có sự can thiệp của luật pháp.
Dù Bộ Y tế có ý thức muốn giảm tai biến y khoa, nhưng nếu không mạnh tay thì giảm tai biến còn chặng đường rất dài.
TP.HCM: năm 2012 hơn 2.000 ca tai biến sản khoa PGS.TS.BS Vũ Thị Nhung - chủ tịch Hội Phụ sản TP.HCM - cho biết có năm loại tai biến sản khoa được thống kê, ghi nhận là băng huyết sau sinh (chiếm nhiều nhất), sản giật, nhiễm trùng hậu sản, vỡ tử cung và uốn ván rốn sơ sinh. Trong đó có loại tai biến sản khoa yêu cầu không được xảy ra là vỡ tử cung và uốn ván rốn (vì có thể tiên liệu và phòng ngừa được). Sau này tử vong do phá thai cũng được xếp vào tai biến sản khoa. Theo PGS Vũ Thị Nhung, một số vụ tử vong mẹ và con vừa qua được phản ánh nhiều trên các phương tiện truyền thông không nằm trong nhóm tai biến sản khoa. Tử vong mẹ và con có rất nhiều nguyên nhân và có liên quan đến bệnh lý. Cụ thể như mẹ tử vong do bị bệnh tim, thuyên tắc ối, thuyên tắc phổi do huyết khối... Tử vong con cũng có nhiều nguyên nhân, thai nhi có thể chết trước khi ra đời (chết trong tử cung), trong lúc chuyển dạ, sau sinh vài tiếng hoặc sau sinh một tháng. Tất cả các tử vong này gọi là tử vong chu sinh. Để phòng ngừa tai biến sản khoa, bà mẹ nên đi khám và theo dõi định kỳ tại bệnh viện. Nếu thai phụ có nguy cơ cao tai biến sản khoa, bệnh viện tuyến dưới sẽ chuyển lên tuyến bệnh viện cao hơn, có nhiều phương tiện kỹ thuật và kinh nghiệm xử trí, phòng ngừa và hạn chế thấp nhất chuyện đáng tiếc xảy ra. Trong khi đó bác sĩ Nguyễn Ngọc Thông - giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP.HCM - cho biết năm 2012 các bệnh viện của TP tiếp nhận 192.931 ca sinh, có khoảng 70% sản phụ là người TP.HCM. Thống kê năm 2012 của trung tâm cho thấy có 2.014 trường hợp tai biến sản khoa là người TP.HCM. Cụ thể băng huyết sau sinh có 1.875 ca, sản giật 96 ca, nhiễm trùng hậu sản 17 ca, vỡ tử cung 25 ca và uốn ván rốn sơ sinh 1 ca. Thống kê năm 2012 của ban thẩm định tử vong mẹ của TP ghi nhận có 11 bà mẹ ở TP.HCM tử vong liên quan đến sinh đẻ, trong đó chỉ có một ca liên quan đến tai biến sản khoa là băng huyết, 10 ca tử vong mẹ còn lại đều do bệnh lý sau sinh. L.TH.H. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận