29/12/2017 09:26 GMT+7

Giám sát để xóa 'trên nóng dưới lạnh'

L.THANH - N.BÌNH - T.LONG ghi
L.THANH - N.BÌNH - T.LONG ghi

TTO - Ủng hộ phương châm hành động mà Thủ tướng đưa ra trong năm 2018, theo ông Lê Đăng Doanh, vấn đề là triển khai tuyên ngôn thế nào để không xảy ra tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc

Phải nỗ lực phấn đấu hơn nữa để vượt trên các thành tích mà 2017 đã đạt được, tiếp tục giải quyết những vấn đề của cải cách và đổi mới, bởi vẫn còn nhiều tồn tại và hạn chế cần khắc phục.

Thủ tướng NGUYỄN XUÂN PHÚC đã nhấn mạnh như vậy tại phiên khai mạc hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 của Chính phủ vào ngày 28-12. 

Hội nghị có quy mô lớn nhất từ trước đến nay và chưa có tiền lệ trong sinh hoạt Chính phủ với sự tham dự của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, lãnh đạo nhiều ban Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội...

Tuổi Trẻ ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia và doanh nghiệp:

Ông LÊ ĐĂNG DOANH (nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Giám sát để xóa "trên nóng dưới lạnh"

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 2.

Ông Lê Đăng Doanh

Tôi ủng hộ phương châm hành động mà Thủ tướng đưa ra trong năm 2018 là "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả". Vấn đề là triển khai tuyên ngôn này như thế nào để không xảy ra tình trạng "trên nóng dưới lạnh".

Trong năm 2018, VN đứng trước rất nhiều thách thức và cơ hội mới. Muốn đất nước phát triển, điều quan trọng là chúng ta phải cải cách thể chế, công khai minh bạch để người dân, báo chí và các tổ chức xã hội có thể giám sát bộ máy hành chính nhà nước. 

Nếu không có giám sát, tình trạng "trên nóng dưới lạnh" vẫn còn diễn ra. Sẽ có nhiều nơi không thực thi đúng theo quy định và các chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. 

Muốn công khai minh bạch phải vận dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, như thực hiện các thủ tục hành chính điện tử để giảm tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công chức với người dân. 

Ngoài ra, Nhà nước cũng phải giao một số chức năng, quyền cho người dân, tổ chức xã hội làm. Nhà nước chỉ ban hành các cơ chế chính sách thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp hoạt động. Những gì tư nhân làm tốt rồi, Nhà nước không làm nữa.

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 3.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Ông NGUYỄN QUANG HUY (phó tổng giám đốc Công ty PMC, Hà Nội):

Tạo niềm tin nơi nhà đầu tư

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 4.

Công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Chính phủ thời gian qua đã tạo niềm tin, nhận thức trong dân chúng cũng như các nhà đầu tư về sự minh bạch của nền kinh tế. 

Đặc biệt, hệ thống ngân hàng - nơi kiểm soát vốn của nền kinh tế - đã được cải tổ mạnh mẽ, giúp nguồn vốn ngân hàng bắt đầu chảy vào đúng chỗ, tập trung vào sản xuất thay vì chảy vào bất động sản hay một số lĩnh vực đầu cơ khác.

Trong năm 2018, theo tôi, cần tiếp tục duy trì, tăng niềm tin của cộng đồng nhà đầu tư và người dân bằng công cuộc chống tham nhũng và cải tổ thể chế nhằm thay đổi nhận thức lãnh đạo của các bộ ngành, tạo sự an tâm cho doanh nghiệp và người dân bỏ vốn làm ăn. 

Phải cải cách mạnh mẽ hệ thống luật pháp, bộ máy hành chính, giảm thủ tục hành chính cản trở sự phát triển.

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 5.

Đồ họa: V.CƯỜNG

Ông ĐỖ THIÊN ANH TUẤN (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright):

Thông điệp tấn công vào sự trì trệ

Giám sát để xóa trên nóng dưới lạnh - Ảnh 6.

Trong mỗi cơ quan, đơn vị hiện nay đều xác định được trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng quy trách nhiệm cho họ lại chưa rõ ràng, nên vẫn có nhiều quyết định tùy tiện, sai lầm. Người lãnh đạo có thể sai, nhưng trách nhiệm lại thuộc về tập thể. 

Quy trách nhiệm cho người lãnh đạo hay cá nhân có chức năng, nhiệm vụ là hoàn toàn đúng đắn. 

Trong hội nghị có đầy đủ cán bộ các cấp của 63 địa phương, Thủ tướng đã phát ra thông điệp nhắc nhở cán bộ dù ở cấp nào cũng phải luôn hành xử đúng, dựa trên lợi ích chung của người dân, quốc gia, thực thi đúng quyền hạn, chức năng nhiệm vụ. 

Đây là sự cảnh tỉnh cho các cá nhân, cán bộ đang có tư duy trì trệ, không muốn thay đổi. "Cán bộ nào lơ là trách nhiệm, thiếu nhiệt huyết cần được thay thế ngay", tôi cảm nhận được tinh thần quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ. Sẽ có người cảm thấy bị nhột, hơi nóng phà vào gáy họ nhưng đó là cần thiết. 

Gắn trách nhiệm với người đứng đầu còn khơi gợi cho họ tinh thần dám nghĩ, dám làm, quyết liệt vì lợi ích chung. Ngược lại, phải bị thay thế, nhường cho những người có năng lực. 

Thông điệp này không chỉ cảnh báo những cán bộ, công chức không dám thay đổi và chịu trách nhiệm, mà còn khuyến khích những con người có tâm huyết phấn đấu, nỗ lực, nâng chất đội ngũ cán bộ nhà nước.

L.THANH - N.BÌNH - T.LONG ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên