23/05/2017 11:19 GMT+7

Giám sát để tài sản nhà nước không rơi vào túi cá nhân

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - Các ĐBQH đồng tình giám sát việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp "'để tài sản nhà nước không rơi vào túi cá nhân'.

Bùi Hiền Mai
Đại biểu Quốc hội Bùi Hiền Mai (Hà Nội) - Ảnh: N.T.P

Sáng nay 23-5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2018.

Theo tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội, có 4 chương trình giám sát được đưa ra để lựa chọn lấy 2.

Đó là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, vốn vay nước ngoài để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội; việc thi hành pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Đại biểu Bùi Hiền Mai (Hà Nội) đồng tình với chương trình giám sát việc sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, nhằm “không để tài sản nhà nước rơi vào túi cá nhân”.

Nhưng đại biểu Nguyễn Quốc Bình cùng đoàn phản biện: “Chính phủ đang có rất nhiều thanh tra kiểm tra về cổ phần hóa. Vì thế QH chưa nên giám sát vội”.

Đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) thì ủng hộ giám sát việc quản lý, sử dụng trái phiếu chính phủ, bởi: "Ta vay để tạo nguồn, động lức phát triển, nhưng gần đây đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả. Vậy đầu tư như vậy có lợi hay chưa có lợi, cần tìm giải pháp giải quyết. Ta càng vay thì nợ công, nợ xấu càng tăng”.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) thấy chưa cần thiết giám sát vấn đề này ngay trong năm 2018, vì khó xác định là giám sát giai đoạn 2016-2020 hay giai đoạn trước 2011-2015.

"Nếu giám sát giai đoạn hiện nay thì kế hoạch đầu tư công trung hạn có một phần vốn trái phiếu chính phủ, một phần vốn vay và ta vẫn chưa phân bổ hết vốn. Chưa thực hiện xong phân bổ mà thực hiện giám sát có hợp lý không, giám sát cái gì?” - bà Mai đặt vấn đề.

Nguyễn Quốc Bình
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội) - Ảnh: N.T.P

Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý các nội dung giám sát cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và trái phiếu Chính phủ, vốn vay nước ngoài, đã từng thực hiện. Do đó, ông đề nghị lần này tập trung giám sát việc sử dụng vốn ODA do vấn đề này gần đây bộc lộ nhiều tồn tại, yếu kém trong quản lý.

Với doanh nghiệp, ông Hiển lại cho rằng nên giám sát việc thực hiện các chính sách tạo điều kiện cho khối tư nhân phát triển.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc lại lưu ý 12 dự án đã được công bố là thua lỗ lớn, cho rằng nên giám sát cả các dự án BOT, các dự án sử dụng vốn ODA... Các ngân hàng thương mại, trong đó đáng chú ý là vấn đề sở hữu chéo, cũng là lĩnh vực nên được giám sát, theo ông Phớc.

Đại biểu, luật sư Nguyễn Chiến (Hà Nội) kiến nghị bổ sung vào chương trình giám sát năm 2018 việc thực thi Luật đất đai: "Vừa qua rất nóng, hàng loạt điểm nóng về đất đai. Báo cáo Chính phủ cũng đề cập chuyện này mà QH lại không đưa vào”.

Ông Chiến, Phó Chủ tịch liên đoàn luật sư Việt Nam, cũng đề nghị giám sát việc những người đã cống hiến xương máu, thân nhân trong chiến tranh, đến nay đã hơn 60 năm chưa nhận được chính sách, đơn thư bị đùn đẩy..., đặc biệt trong dịp kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên