Dự án quản lý chất thải bền vững trong môi trường đô thị TP.HCM do Trung tâm Nghiên cứu - tư vấn công tác xã hội và phát triển cộng đồng (SDRC) thực hiện. Dự án hoạt động từ tháng 1-2021 đến tháng 1-2023, với mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm rác thải nhựa đô thị tại phường 15, quận Gò Vấp.
Đến nay tuy dự án đã kết thúc, những câu chuyện thành công trong công tác tuyên truyền vẫn được duy trì đến hiện tại.
Giảm rác thải nhựa từ 500 phần cơm từ thiện
Vào mỗi thứ tư hằng tuần, tại bếp ăn của giáo xứ Chỉnh Trang luôn diễn ra hoạt động trao tặng 500 phần cơm từ thiện cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Điều đặc biệt, tất cả phần ăn luôn được để trong cà mên thay vì hộp xốp thông thường.
Ý tưởng trên nhờ sự nỗ lực của các thành viên của dự án trong công tác tuyên truyền đã khuyến khích bếp ăn và người nhận đồng ý sử dụng cà mên thay cho hộp xốp và túi đựng canh, nước mắm.
Chị Trần Thị Thanh Thúy - người hỗ trợ bếp ăn - chia sẻ: "Mới đầu người nhận cũng chưa quen với việc sử dụng cà mên, nhưng dần dần người ta cũng cảm thấy việc đó tiện lợi, sạch sẽ, đựng được thức ăn nóng tốt hơn so với hộp xốp và vừa góp phần giảm chi phí cho bếp ăn".
Tuyến hẻm xanh và mô hình ủ phân hữu cơ
Dọc theo tuyến hẻm 730 Lê Đức Thọ, phường 15, quận Gò Vấp đều có những thùng rác phân loại đủ màu xanh, cam, xám được đặt ngay ngắn trước nhà người dân.
Các thùng đựng rác đôi bao gồm rác hữu cơ và rác còn lại được bố trí chung 2-3 nhà gần nhau. Người dân trong hẻm còn đồng thuận tặng thùng rác phân loại cho một hộ khó khăn nhất.
Sáng kiến này đã góp phần làm nên con hẻm sạch sẽ, khang trang và thay thế hoàn toàn thùng xốp đựng rác chưa phân loại, không còn cảnh chuột đào bới làm rác tung tóe hay trôi rác khi mưa lớn.
Không chỉ thuyết phục người dân phân loại rác thải, các thành viên đã vận động người dân áp dụng mô hình ủ phân tại nhà.
Mô hình này giúp việc giải quyết rác thải hữu cơ trở nên dễ dàng hơn ở các hộ gia đình, vừa có ích cho cây trồng vừa tiết kiệm và dễ thực hiện trong hộ gia đình.
Cô Vũ Thị Miện - quận Gò Vấp - chia sẻ: "Tôi ủ rác thải hữu cơ tại nhà làm phân bón cho cây, giống như một vòng tròn khép kín. Ví dụ khi tôi mua rau về, lá hư, thay vì bỏ, tôi đem ủ phân và tưới cây. Cây lớn thì tôi dùng rau đó làm thực phẩm cho bản thân và gia đình".
Quán nước mía và tiệm giặt "lạ"
Quán nước mía và tiệm giặt tại địa chỉ 87/3 đường số 6, khu phố 12, phường 15, quận Gò Vấp trở nên đặc biệt bởi lối sống xanh, thân thiện với môi trường. Ngay từ cái nhìn đầu tiên khi đến quán, bất cứ ai cũng sẽ ấn tượng bức tranh mang thông điệp ý nghĩa giảm rác thải nhựa được tô vẽ màu sắc bắt mắt làm cho góc quán nhỏ trở nên nổi bật hơn.
Tại quán, các ly nước mía đều được thay thế bằng ly thủy tinh, ống hút nhựa đều được thay thế bằng ống hút giấy thân thiện với môi trường.
Chú Nguyễn Văn Sơn - chủ quán nước mía và tiệm giặt ủi - chia sẻ: "Mới đầu, khi bàn bạc vợ tôi cũng rất đắn đo trong việc thay đổi sang ly thủy tinh. Ly nhựa tiện lợi hơn, còn việc vệ sinh ly thủy tinh sẽ tốn nhiều thời gian, tăng chi phí. Nhưng với mong muốn giảm rác thải nhựa ra môi trường, tôi đã thay đổi ly nhựa sang ly thủy tinh và tại tiệm giặt ủi sẽ có những túi vải đựng quần áo cho khách khi giặt thay thế việc sử dụng bao ni lông thông thường".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận