29/09/2022 17:27 GMT+7

Giám đốc NCHMF nêu lý do Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn quốc tế

CHÍ TUỆ
CHÍ TUỆ

TTO - "Các phiên dự báo của hệ thống tổ hợp 32 mô hình dự báo khu vực lần này đã giúp trung tâm dự báo của Việt Nam đánh giá sát hơn so với các nước khác trong dự báo cường độ và diễn biến của bão số 4".

Giám đốc NCHMF nêu lý do Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn quốc tế - Ảnh 1.

Các chuyên gia đầu ngành khí tượng thủy văn thảo luận trước giờ bão số 4 đổ bộ để phát bản tin - Ảnh: C. TUỆ

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia (NCHMF), cho biết như vậy khi chia sẻ với báo chí về công tác dự báo bão Noru (bão số 4), ngày 29-9.

* Công tác dự báo bão Noru có thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Ông Mai Văn Khiêm: Bão số 4 có đường đi không quá phức tạp, chủ yếu di chuyển theo hướng tây, tốc độ di chuyển nhanh và cơ bản là ổn định.

Khó khăn chung hiện nay trên thế giới trong dự báo bão là dự báo cường độ, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Các dự báo của thế giới có sự đồng thuận về hướng di chuyển, cũng như tốc độ di chuyển, tuy nhiên cường độ bão thì có sự chênh lệch rất lớn.

Việt Nam là nước đưa ra dự báo quá trình bão mạnh lên trên Biển Đông và suy yếu trước khi vào bờ sát với thực tế nhất. Mặc dù các cơ quan dự báo quốc tế đưa ra nhận định bão rất mạnh khi vào bờ, có nước dự báo lên siêu bão. Nhưng với hệ thống quan trắc radar dọc ven biển, cơ quan dự báo Việt Nam đã đưa ra các phân tích và dự báo cường độ khi tiếp cận bờ sát thực tế hơn.

* Vì sao Việt Nam luôn đưa ra dự báo cường độ thấp hơn 1-2 cấp so với các đài quốc tế như Mỹ, Trung Quốc?

- Thống kê trong đợt dự báo bão số 4, các trung tâm dự báo bão quốc tế gồm Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong dự báo trên biển cường độ bão mạnh cấp 17, giật trên cấp 17; khi đổ bộ bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17. Nhật Bản dự báo khi đổ bộ bão mạnh cấp 15. Có thể thấy, các dự báo của Mỹ, Bắc Kinh, Hong Kong luôn đưa ra cảnh báo bão số 4 mạnh hơn Việt Nam từ 2-3 cấp.

Sự khác biệt về cường độ bão số 4 nói trên giữa các đài dự báo xuất phát từ cách tính toán và thời gian tính gió mạnh của các nước là khác nhau.

Cụ thể, với Mỹ họ tính cường độ gió mạnh trong vòng 1 phút, còn Việt Nam tính gió mạnh trong 2 phút, nên cũng có sự chênh lệch. Ngoài ra các mô hình của các trung tâm dự báo trên thế giới cũng khác nhau, thường mô hình dự báo cho khu vực Biển Đông của các nước khác là mô hình toàn cầu, độ phân giải thấp. 

Còn Việt Nam hiện vận hành hệ thống mô hình khu vực độ phân giải cao, có đồng hóa số liệu của Việt Nam và hệ thống tổ hợp 32 mô hình khu vực cho vùng Biển Đông và đất liền Việt Nam.

Các phiên dự báo của hệ thống tổ hợp 32 mô hình dự báo khu vực lần này đã giúp trung tâm dự báo của Việt Nam đánh giá sát hơn so với các nước khác trong dự báo cường độ và diễn biến của bão số 4.

Giám đốc NCHMF nêu lý do Việt Nam dự báo cường độ bão Noru sát thực tế hơn quốc tế - Ảnh 2.

Ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia - Ảnh: C.TUỆ

* Hệ thống cơ sở vật chất như radar, các đài khí tượng thủy văn... như hiện nay đã đáp ứng đủ cho công tác dự báo chưa hay cần bổ sung, thưa ông?

- Hiện tại có thể thấy hệ thống quan trắc mưa, radar giám sát bão vùng ven biển của Việt Nam cơ bản đã hoàn thiện, điều này cũng được thể hiện khá rõ trong việc giám sát trong cơn bão số 4 vừa qua. 

Tuy nhiên khi bão hoạt động trên khu vực biển ngoài khơi, nhất là vùng Biển Đông thì số liệu quan trắc vẫn khá là hạn chế, vì thế việc trang bị thêm những radar trên Biển Đông là cần thiết.

Những bài học sau bão Noru Những bài học sau bão Noru

TTO - Cơn bão Noru (bão số 4) có cường độ mạnh, di chuyển nhanh đã tràn qua một số tỉnh miền Trung vào rạng sáng 28-9 đúng như dự báo. Điều đáng kể nhất là đến nay chưa có thiệt hại về nhân mạng, tài sản cũng chỉ chịu mức thiệt hại ở mức tối thiểu.

CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên