Bên cạnh những ưu điểm và thành tích đạt được, theo ông Võ Văn Thưởng, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần sớm khắc phục trong thời gian tới - Ảnh: DOÃN HÒA
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban tuyên giáo trung ương - đánh giá cao sự đóng góp hiệu quả của giới báo chí và tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong việc thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới.
Hội đã thành lập 247 hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp từ trung ương xuống các địa phương, phối hợp các cơ quan chức năng kịp thời xử lý vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp; có nhiều biện pháp bảo vệ mạnh mẽ quyền hành nghề đúng pháp luật, quyền lợi chính đáng của hội viên, nhà báo.
Đặc biệt, Hội Nhà báo Việt Nam đã đưa vào sử dụng ứng dụng theo dõi việc gỡ, sửa bài trên báo điện tử, góp phần quản lý báo chí hiệu quả, ngăn chặn dần tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" trong thời gian qua.
"Tại hội nghị giao ban báo chí vào dịp 21-6 năm 2017 ở Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi đã phê bình gay gắt chuyện báo chí sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ... Sau đó, Hội Nhà báo Việt Nam đã có sáng kiến giới thiệu về phần mềm theo dõi về việc gỡ bài. Phần mềm này đã kiểm soát được việc đăng, gỡ tin bài dễ dãi", ông Thưởng nói.
Các nhà báo, phóng viên tác nghiệp tại hội nghị - Ảnh: DOÃN HÒA
Ông Thưởng cho biết đến quý 1-2018, tỉ lệ "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ bài" đã giảm được khoảng 80%.
"Tất cả những biện pháp đó đã góp phần tích cực chấn chỉnh kỷ cương trong hoạt động báo chí, củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh, khích lệ tinh thần cống hiến của các nhà báo vì lợi ích tối cao của đất nước và nhân dân", ông Thưởng nhấn mạnh.
Ông Thưởng nêu rõ bên cạnh những ưu điểm và thành tích đạt được, hoạt động báo chí và Hội Nhà báo vẫn còn những thiếu sót, khuyết điểm cần sớm khắc phục trong thời gian tới.
Đó là một số cơ quan báo chí thông tin không đúng với tôn chỉ, mục đích, không đúng đối tượng phục vụ, thông tin thiếu nhạy cảm về chính trị, không phù hợp với lợi ích của đất nước, của nhân dân, thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân.
"Có những cây bút không bắt nguồn từ sứ mệnh của những người làm báo mà vì tiền, vì lợi, vì danh, vì sự tác động của lợi ích nhóm dẫn đến tha hóa. Đây là vấn đề chúng ta cần khắc phục đẩy lùi trong thời gian tới", ông Thưởng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận