07/12/2017 09:38 GMT+7

Giảm 50% giá để khuyến khích dân xài nước máy

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
QUANG KHẢI - LÊ PHAN

TTO - Để khuyến khích người dân xài nước máy, bớt sử dụng nước giếng, Sawaco đã thí điểm giảm giá nước đối với các hộ dân chưa sử dụng nước máy với mức giảm 50%.

Giảm 50% giá để khuyến khích dân xài nước máy - Ảnh 1.

Người dân khoan giếng để lấy nước sử dụng trên đường Trường Chinh, Q.Tân Bình, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

Cùng bàn câu chuyện "TP.HCM báo động tình trạng dân có nước máy, vẫn xài nước giếng!" các chuyên gia cho rằng cần có giải pháp quyết liệt hơn để hạn chế khai thác nước ngầm, tránh các ảnh hưởng xấu như tình trạng lún đô thị, ngập nước, ô nhiễm...

Ông Hồ Văn Lâm (tổng giám đốc Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH một thành viên - Sawaco): Giảm giá nước để khuyến khích sử dụng

Giảm 50% giá để khuyến khích dân xài nước máy - Ảnh 2.

Để khuyến khích người dân đã được gắn đồng hồ nước sử dụng nước máy, bớt sử dụng nước giếng, Sawaco đã thí điểm giảm giá nước đối với các hộ dân chưa sử dụng nước máy với mức giảm 50% giá trong định mức (giá 5.300 đồng/m3), áp dụng trong thời gian ba tháng liên tục ở khu vực Q.12 và huyện Hóc Môn (TP.HCM).

Theo thông tin từ Công ty cổ phần cấp nước Trung An, sau ba tháng cũng chỉ có khoảng 40% người dân ở hai địa phương này sử dụng nước máy, 60% còn lại vẫn sử dụng nước giếng.

Sawaco sẽ tổng kết việc thí điểm giảm giá nước này để xem xét có thể tiếp tục áp dụng chính sách này không. Ngoài ra, Sawaco cũng đã tạo điều kiện tối đa cho những người ở trọ được đăng ký và hưởng định mức theo quy định để giá nước như những hộ dân bình thường.

Bà Nguyễn Thị V. (Q.12, TP.HCM): Sẽ dùng nước máy nếu chi phí thấp

Gia đình tôi ở nhà thuê. Do chủ nhà không đăng ký định mức nước nên khi dùng nước máy, chúng tôi phải trả ở mức giá cao, tính ra phải tốn khoảng 300.000-400.000 đồng/tháng. 

Tôi kiếm sống bằng buôn bán nhỏ nên tiết kiệm được đồng nào hay đồng đó, vì vậy hằng ngày vẫn phải dùng thêm nước giếng khoan cho tắm giặt, nấu đồ ăn bán...

Gia đình tôi sẽ chuyển sang sử dụng nước máy, không dùng nước giếng khoan, nếu được hướng dẫn đăng ký định mức nước hoặc ngành cấp nước giảm giá nước so với hiện nay.

Tiến sĩ - bác sĩ Lê Văn Nhân: Có thể ngưng cấp phép khai thác

Giảm 50% giá để khuyến khích dân xài nước máy - Ảnh 3.

Tình trạng khai thác nước ngầm tại TP.HCM có lý do là người dân vùng ven sử dụng nước giếng miễn phí đã quen nên khi mỗi tháng phải đóng tiền nước họ sẽ thấy tiếc tiền. 

Còn về phía doanh nghiệp, thường sử dụng từ vài chục mét khối đến vài chục ngàn mét khối mỗi ngày, bị áp giá nước cao theo hình thức lũy tiến nên họ dùng nước giếng khoan để giảm chi phí trong sản xuất.

Thêm một lý do nữa là có những sản phẩm nếu dùng nước máy để sản xuất sẽ làm hư tính chất của sản phẩm do trong nước máy có chất clo. Nếu muốn sử dụng nước máy, doanh nghiệp phải có thêm một công đoạn khử clo, gây tốn kém.

Để giải quyết vấn đề sử dụng nước ngầm hiện nay, đơn vị cấp nước phải đảm bảo các điều kiện cung cấp nước đạt chất lượng và lượng nước ổn định. Giá nước cũng phải nằm trong mức chịu đựng được của người dân và doanh nghiệp.

Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu - Đại học Quốc gia TP.HCM):

Kiểm soát khai thác nước ngầm chưa đủ quyết liệt

1

Ảnh: Q.K.

Tình trạng lún ở các đô thị xảy ra nhiều nơi trên thế giới như Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải (Trung Quốc)... Không riêng gì ở TP.HCM, ngay cả ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng đang đối mặt với thực trạng này khi khai thác nước ngầm quá mức để nuôi tôm.

Tình trạng lún do khai thác nước ngầm làm cho các dự án chống ngập, xây dựng trở nên lạc hậu. Ví dụ, khi lún đường cống thoát nước bị hạ cao độ, ảnh hưởng đến dòng chảy và khả năng thoát nước do miệng xả thấp hơn mực nước ngoài sông, rạch.

Đó là chưa kể tình trạng lún không đều dẫn đến cống bị gãy khúc có thể làm tắc cống, nước không thoát được. Thêm vào đó, các mốc cao độ quốc gia là căn cứ để xây dựng rất nhiều công trình, trong đó có công trình đê bao chống ngập, khi mốc cao độ này bị lún thì căn cứ trên không còn đúng với thực tế nữa.

Thực tế cho thấy một số TP trên thế giới kiểm soát được tình trạng khai thác nước ngầm thì tình trạng lún đã ổn định. Còn ở Việt Nam hay cụ thể ở TP.HCM, các giải pháp cấm khai thác nước ngầm vẫn chưa đủ quyết liệt dù nguồn nước mặt hiện nay dư cung cấp cho người dân.

Trong tương lai nguồn nước ngầm là nguồn tài nguyên quốc gia, nếu không biết gìn giữ, khai thác quá mức dẫn đến hiện tượng ô nhiễm, xâm nhập mặn làm phá hủy nguồn nước ngầm này - chính là hành động phá hủy nguồn tài nguyên quốc gia.

Tìm giải pháp bảo vệ nước ngầm

9h sáng nay (7-12), buổi tọa đàm về "Giải pháp khai thác và bảo vệ nguồn nước ngầm tại TP.HCM" sẽ diễn ra tại trụ sở báo Tuổi Trẻ, 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Đây là tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự tham dự của các khách mời:

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ - phó giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP.HCM.

Bác sĩ Ngô Cao Lẫm - trưởng khoa sức khỏe môi trường Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM.

Thạc sĩ Nguyễn Phát Minh - nguyên trưởng bộ môn địa chất công trình - địa chất thủy văn và địa chất môi trường, giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên - ĐHQG TP.HCM.

Ông Huỳnh Văn Quốc - chuyên viên Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM và đại diện các ban, ngành liên quan.

Ông Nguyễn Thanh Sử - phó tổng giám đốc phụ trách kinh doanh Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Ông Bùi Thanh Giang - phó tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

QUANG KHẢI - LÊ PHAN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên