20/05/2019 08:23 GMT+7

Giải uẩn khúc giá điện

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TTO - Nhiều người không ủng hộ giá điện bậc thang, thậm chí một số cử tri ở TP.HCM đề nghị xóa bỏ bậc thang trong giá điện.

Nhưng trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều chuyên gia khẳng định chưa thể áp dụng điện một giá. 

Mới nhất, Bộ Công thương báo cáo Thủ tướng về giá điện cũng không thấy phương án "điện một giá" mà lại đề xuất giảm bù chéo giữa các khách hàng dùng điện. 

Tại sao cứ né điện một giá và có gì uẩn khúc trong giá điện?

Lâu nay, khi nói về bất hợp lý giá điện, xu hướng chung là nhắm vào sự minh bạch trong quản lý của ngành điện. 

Nhưng có "uẩn khúc" ít được bàn đến, cần mổ xẻ, đó là cơ chế bù chéo. Xuất phát từ Luật điện lực là Nhà nước "khuyến khích tiết kiệm điện" và "cho phép bù giá hợp lý giữa các khách hàng", từ đó có giá điện bậc thang để thực hiện bù chéo.

Bù chéo là người dùng nhiều điện (chủ yếu ở đô thị) phải mua điện giá cao, dùng càng nhiều giá càng cao, để bù cho người dùng ít (chủ yếu ở nông thôn, vùng sâu) đang được mua điện dưới giá bán bình quân. 

Giá điện bán lẻ bình quân là 1.864 đồng nhưng nhiều người đang mua với giá 1.678 đồng/kW. Ngược lại người dùng nhiều phải mua lên đến 2.927 đồng/kW.

Như vậy Nhà nước, thông qua giá điện bậc thang, đã điều tiết của người dùng nhiều điện bù cho người dùng ít, nhằm thực hiện an sinh xã hội. 

Sự lồng ghép phúc lợi khiến cho biểu giá điện chưa theo thị trường, càng không thể có điện một giá, không thể "dùng nhiều sao không giảm giá"! Hệ lụy là người xài ít điện hài lòng với biểu giá điện bậc thang, ngược lại người dùng nhiều điện không vui.

Nhưng nếu biểu giá điện được xây dựng theo thị trường lại đi ngược chủ trương khuyến khích tiết kiệm điện, gây bất lợi cho người nghèo. 

Khi đó, người dùng nhiều không phải bù cho người dùng ít trong khi ngân sách nhà nước không thể hỗ trợ cho các hộ nghèo.

Thật ra điện một giá hay giảm bù chéo đã được bàn đến, lần gần nhất là năm 2015. Khi đó các phân tích cho thấy đều không có lợi cho hàng triệu hộ dùng ít điện, được lợi là người dùng nhiều điện.

Nay vấn đề này lại được nêu ra theo hướng cần điều chỉnh biểu giá điện cho phù hợp với nhu cầu dùng điện tăng lên của người dân đô thị, chủ yếu là hộ dùng từ 300 đến dưới 400 kW/tháng. 

Giả sử biểu giá điện giảm số bậc thang cho hợp với đa số dân ở đô thị, khi đó, thay vì phải mua giá cao sẽ được mua điện gần với giá bán lẻ bình quân. Nhưng như vậy có đủ tiền để bù cho người dùng ít điện đang mua điện với giá thấp? 

Chắc chắn ngành điện phải nâng giá bán thật cao với hộ dùng nhiều điện. Khi đó, người dùng nhiều điện sẽ kêu, sao mua nhiều lại không được giảm giá, lại tăng giá...!? 

Nhà nước không bù lỗ giá điện. Tiền điện phải trả đủ. Người dùng điện phải bù cho nhau. Người này trả ít người kia phải trả nhiều và ngược lại.

Do vậy, còn duy trì cơ chế bù chéo, còn lồng ghép an sinh xã hội trong giá điện, "muôn đời" không có hợp lý cho mọi khách hàng sử dụng điện. 

Hóa giải uẩn khúc giá điện thật khó. Thực chất giảm bậc thang của giá điện chính là điều chỉnh mức bù chéo. 

Nhưng giảm bù chéo thế nào là hợp lý, hài hòa phải cân nhắc. Không khéo hàng triệu hộ nghèo phải trả thêm tiền hoặc người dùng nhiều điện kêu "điều tiết" quá mức, phi thị trường.

Điều chỉnh giá điện theo hướng giảm chênh lệch giữa các bậc Điều chỉnh giá điện theo hướng giảm chênh lệch giữa các bậc

TTO - Đó là một nội dung vừa được Bộ Công thương đề xuất với Thủ tướng liên quan đến phương án tăng giá điện thời gian vừa qua.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên