Giống như hầu hết các nước tiên tiến, các giải thưởng nghệ thuật ở Pháp đều do tư nhân tổ chức thông qua các festival cùng với những ban giám khảo có uy tín. Chính phủ Pháp chỉ chủ trì trao tặng một ít danh hiệu và không nhất định phải thường niên, đó là Huân chương Bắc đẩu bội tinh (BĐBT) và huân chương do các bộ trao, như Huân chương Nghệ thuật và văn học (Ordre des Arts et Lettres) chẳng hạn.
Phóng to |
BĐBT (Légion d’honneur) là huân chương cao nhất mà nhà nước Pháp trao tặng những cá nhân hay tổ chức “có những đóng góp đặc biệt cho nước Pháp”. Danh hiệu này gồm năm cấp: Chevalier (hiệp sĩ), Officier (sĩ quan), Commandeur (chỉ huy), Grand officier (đại sĩ quan), Grande-croix (đại huân chương). Với tiêu chí đó, nhiều người Việt hay gốc Việt đã nhận BĐBT: Chủ tịch nước Trần Đức Lương, các kỹ sư cầu đường Nguyễn Thành Long và Phan Văn Trường, nhà âm nhạc học Trần Quang Hải, học giả Nguyễn Phú Thứ, các nhà hoạt động xã hội Trần Tố Nga, Hà Ngọc Hạnh, Anh Đào Traxel...
Đứng đầu tổ chức BĐBT là tổng thống Pháp. Chính ông ký tên các quyết định trao tặng huân chương theo đề nghị của các bộ trưởng. Hình thức của nó là một mảnh vải màu đỏ để cài vào áo. Hiện có khoảng 100.000 người (chỉ tính trên số còn sống) được trao BĐBT, trong đó 3/4 là ở cấp hiệp sĩ. Có lúc sự lạm phát huân chương đã đưa con số BĐBT lên đến 300.000 (năm 1962), buộc Tổng thống De Gaulle phải cải tổ định chế BĐBT và đặt ra những định mức, theo đó mức trần hiện tại của hiệp sĩ được ấn định là 110.000 người.
Phân nửa số người nhận được BĐBT là quân nhân. Các ngành nghề được lãnh huân chương nhiều nhất là cảnh sát, nhân viên cứu hỏa, công chức cao cấp. Chẳng hạn các tỉnh trưởng, thẩm phán, nhân viên ngoại giao cũng như các cựu bộ trưởng, cựu nghị sĩ và đại diện tôn giáo hầu như đương nhiên được trao BĐBT.
Song không ít người đã từ chối BĐBT mặc dù được trao tặng, đặc biệt trong giới văn nghệ sĩ và trí thức như:
- Nhà văn George Sand, Aragon, Jacques Prévert...
- Nhà triết học Simone de Beauvoir, Jean-Paul Sartre, Albert Camus...
- Nhà khoa học Marie và Pierre Curie, với phát biểu của Pierre Curie: “Tôi không thấy sự cần thiết của nó”.
- Họa sĩ Claude Monet, Gustave Courbet, Honoré Daumier với phát biểu: “Tôi xin chính phủ để tôi yên”.
- Nhạc sĩ Maurice Ravel, Georges Brassens, Léo Ferré với phát biểu: “Miếng vải đỏ hổ thẹn” (*).
- Diễn viên Brigitte Bardot, Catherine Deneuve, Claudia Cardinale...
- Các nhà báo thuộc tuần báo châm biếm Canard Enchainé giữ nguyên tắc không nhận bất cứ huân chương nào. Hai nữ nhà báo Françoise Fressoz thuộc báo Le Monde và Marie-Eve Malouine thuộc Radio France với phát biểu: “Để có thể hành nghề tự do, chúng tôi cho rằng các nhà báo chính trị cần tránh xa việc ban phát danh dự”.
- Nhà hoạt động xã hội, chủ tịch công đoàn Edmond Maire với phát biểu: “Chuyện của nhà nước không phải là quyết định ai nên hoặc không được vinh danh”. Chủ tịch tổ chức Miss France Geneviève de Fontenay thì nói: “Phân phát mảnh vải này cho bất cứ ai là đánh mất tính thiêng liêng của nó”.
Dưới BĐBT còn có huân chương của các bộ như Ordre des Arts et Lettres (Huân chương Nghệ thuật và văn học) do Bộ Văn hóa Pháp trao tặng các “cá nhân nổi bật trong sáng tác nghệ thuật và văn học, hay có đóng góp làm tỏa sáng nghệ thuật và văn học ở Pháp và trên thế giới”. Huân chương này cũng có nhiều cấp: Chevalier, Officier, Commandeur. Với tiêu chí đó, danh hiệu Officier đã được trao cho nhà âm nhạc học Trần Văn Khê và danh hiệu chevalier cho các nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, Anna Moi, nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo, họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà tạo mẫu Đặng Thị Minh Hạnh, nghệ nhân nhã nhạc Trần Kích, biên đạo múa Nguyễn Công Nhạc, đạo diễn Lê Mạnh Thích, diễn viên Phạm Linh Đan...
Nhưng không ít trường hợp Huân chương Nghệ thuật và văn học được phân phát khá dễ dãi: Bộ trưởng Christine Albanel từng trao Ordre des Arts et Lettres cho... người lái xe và người phụ trách phục vụ phòng ăn của bộ!
(*) Chơi chữ trên thành ngữ Rouge de honte có nghĩa thẹn đỏ mặt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận