13/01/2015 07:37 GMT+7

​Giải Quả cầu vàng 2015: Phần thưởng cho sáng tạo độc đáo

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Boyhood (Thời thơ ấu) - một bộ phim độc lập có kinh phí nhỏ xíu 2,4 triệu USD, đã được tôn vinh tại đêm trao giải Quả cầu vàng 2015.

Dàn diễn viên Boyhood trưởng thành và thay đổi cùng bộ phim - Ảnh: Reuters

Ðó là phần thưởng xứng đáng dành cho sự sáng tạo, cho nỗ lực phá vỡ những giới hạn của điện ảnh.

Trong đêm đầu tiên của mùa lễ hội điện ảnh Hollywood, Boyhood đoạt ba giải thưởng quan trọng là phim tâm lý hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất (Richard Linklater) và nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất (Patricia Arquette).

Ðây là kết quả đã được dự đoán trước nếu xét đến những lời ngợi khen nhiệt liệt của giới phê bình dành cho Boyhood.

Câu chuyện về quá trình trưởng thành của cậu bé Mason Evans từ 6 tuổi đến khi vào đại học được đạo diễn Richard Linklater quay trong vòng 12 năm, từ tháng 5-2002 đến tháng 10-2013.

Các nhân vật chính trong phim trưởng thành cùng dàn diễn viên (với hai gương mặt quen thuộc là Ethan Hawke và Patricia Arquette) trong suốt quãng thời gian đó.

Bộ phim mang tính cách mạng

Có thể nói đây là một thể nghiệm điện ảnh táo bạo từ trước đến nay chưa ai dám thực hiện. Nó đòi hỏi kiên trì, bền bỉ và nỗ lực hết mình của tất cả mọi thành viên trong đoàn làm phim.

Và kết quả là khi xem Boyhood, khán giả được trải nghiệm cuộc sống thật vô cùng chân thật và sinh động. Chưa bao giờ trong một bộ phim chúng ta được chứng kiến các nhân vật thay đổi về cả thể chất, tâm lý và cảm xúc một cách sống động đến thế.

Nhưng Boyhood không chỉ có vậy. Bộ phim kể những câu chuyện rất quen thuộc: hôn nhân rạn vỡ, người cha ly dị cố gắn kết với con cái, những cô cậu bé mới lớn nổi loạn, cha mẹ học cách buông tay để con tự đứng trên đôi chân mình...

Không có gì là phi thường hay kỳ vĩ cả. Nhưng những khoảnh khắc bình thường của cuộc sống ấy được đạo diễn Linklater và dàn diễn viên chuyển tải một cách tinh tế và đầy cảm xúc trên màn ảnh lớn.

Giống như một cuốn tiểu thuyết đặc sắc, Boyhood mô tả một cách xuất sắc những cay đắng và ngọt ngào của quá trình trưởng thành qua lăng kính của một đứa trẻ với những sai lầm và cú vấp ngã, để rồi có đủ sự tự tin dấn bước vào đời.

Ðạo diễn Linklater tổng kết một cách giản dị về tác phẩm của mình khi lên nhận giải: “Ðiều cơ bản là tất cả chúng ta đều mắc sai lầm. Không ai là hoàn hảo. Tôi muốn dâng hiến bộ phim này cho các bậc phụ huynh và gia đình khắp thế giới, đang sống trên thế giới này và nỗ lực hết mình”.

Trước đó, nhiều nhà phê bình Mỹ cũng đánh giá Boyhood là một tác phẩm điện ảnh mang tính cách mạng, một cột mốc đáng nhớ của Hollywood.

Thậm chí nhà phê bình Manohla Dargis của báo New York Times còn mô tả Boyhood là “hình mẫu của chủ nghĩa hiện thực trong điện ảnh”. Trên thực tế, trước Boyhood, đạo diễn Linklater cũng từng có thử nghiệm tương tự là ba phần trong loạt phim lãng mạn Before sunrise (Trước lúc bình minh), Before sunset (Trước lúc hoàng hôn) Before midnight (Trước lúc nửa đêm).

Bất ngờ lớn

Trước đêm trao giải, bộ phim bi hài kịch Birdman (Người chim) được đánh giá là ứng cử viên nổi trội nhất với phong cách quay phim ấn tượng và câu chuyện giàu cảm xúc.

Nó đã đem về cho ngôi sao kỳ cựu Michael Keaton giải nam diễn viên chính hạng mục phim hài/ca nhạc và cũng giành giải kịch bản hay nhất. Tuy nhiên bất ngờ lớn đã xảy ra khi Birdman bị The Grand Budapest hotel (Khách sạn Grand Budapest) hạ bệ ở hạng mục phim hài/ca nhạc hay nhất.

Tác phẩm của đạo diễn Wes Anderson cũng độc đáo và thú vị khi dùng hình ảnh và màu sắc rực rỡ để khám phá những ý tưởng đậm cảm xúc.

Lấy bối cảnh một quốc gia tưởng tượng ở châu Âu giữa hai cuộc thế chiến, The Grand Budapest hotel diễu cợt, châm biếm lịch sử bằng những màn chọc cười vừa sảng khoái, vừa sâu cay. Tiếc cho Birdman nhưng vinh quang dành cho The Grand Budapest hotel không phải là không có cơ sở.

Một bất ngờ khác là diễn viên Anh Eddie Redmayne vượt qua người đồng hương Benedict Cumberbatch để đoạt giải nam diễn viên chính phim tâm lý xuất sắc nhất với vai nhà vật lý lừng danh Stephen Hawking trong phim The theory of everthing (Lý thuyết về vạn vật). Ngôi sao Julianne Moore giành giải nữ diễn viên chính phim tâm lý với vai một người phụ nữ vật lộn với bệnh Alzheimer’s trong Still Alice (Vẫn là Alice).

Các giải đáng chú ý khác là nữ diễn viên chính phim hài/ca nhạc của Amy Adams với Big eyes (Mắt to), phim hoạt hình xuất sắc nhất của How to train your dragon 2 (Bí kíp luyện rồng 2) và phim nước ngoài hay nhất dành cho Leviathan của Nga.

Tác phẩm của đạo diễn Andrey Zvyagintsev mô tả nạn tham nhũng thâm căn cố đế tại Nga trước đó đã đoạt giải kịch bản hay nhất ở Liên hoan phim Cannes 2014.

Với chiến thắng ở giải Quả cầu vàng, cánh cửa Oscar đã mở rộng hơn đối với Boyhood, nhưng Birdman vẫn còn nguyên cơ hội. Chúng ta hãy chờ tới ngày 15-1, khi Viện Hàn lâm điện ảnh Mỹ công bố các đề cử Oscar để có thêm dự đoán cho đêm hội điện ảnh quan trọng nhất của Hollywood trong năm nay, diễn ra vào ngày 22-2 tới.   

Chia sẻ với nước Pháp

 
Tại lễ trao giải Quả cầu vàng, các ngôi sao Hollywood đã đồng loạt lên tiếng cổ vũ cho tự do ngôn luận và bày tỏ sự ủng hộ đối với tạp chí Pháp Charlie Hebdo vừa bị tấn công khủng bố.
Chủ tịch HFPA Theo Kingma khẳng định Hollywood đứng lên chống lại bất kỳ ai chống tự do ngôn luận. Những ngôi sao như George Clooney, Jared Leto hay Helen Mirren đều khẳng định: “Je suis Charlie” (Tôi là Charlie), khẩu hiệu tôn vinh tạp chí Charlie Hebdo.

 

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên