Patricia Arquette và Ellar Coltrane trong phim Boyhood - Ảnh: IMDB |
Thời gian luôn là đề tài nhiều cảm hứng. Mỗi bộ phim là một cách gọi tên thời gian khác nhau ở chiều rộng và chiều hẹp của nó.
Ðạo diễn Richard Linklater đã bỏ ra 12 năm chỉ để quay cuốn phim Boyhood, theo đuổi một chàng trai từ khi là cậu bé cho đến lúc trưởng thành, phim quay từ tháng 5-2002 đến tháng 10-2013 mới đóng máy.
Mỗi việc ấy thôi cũng đủ đánh gục những kẻ hoài nghi nhất mà chẳng cần bận tâm bộ phim ấy có thật sự hay hay không. Nhưng rất may, đó thật sự là một tuyệt tác khi liên tục đánh đổ những cây bút phê bình điện ảnh khó tính nhất.
Trên thế giới không phải ai cũng có thể kiên trì theo đuổi một mục tiêu như Richard Linklater. Mưa và nắng, con người và sự biến chuyển giữa những trạng thái, cảm xúc, sự mệt mỏi khi theo đuổi một cái gì quá dài lâu là một chướng ngại.
Marion Cotillard (phải) và Timur Magomedgadzhiev trong phim Two days, one night - Ảnh: IMDB |
Thậm chí Boyhood còn được hiểu như một phong cách làm phim truyện chưa từng có tiền lệ. Nghĩa là sau ngần ấy năm, những diễn viên phải nhớ mình đang đóng vai trò gì bởi vì họ quên cảm xúc nào ở phân đoạn trước, họ phải có thái độ ra sao để kết nối vừa vặn với toàn bộ khối thời gian khổng lồ vừa trôi qua.
Với một bộ phim tài liệu, xem ra dễ dàng xoay trở giữa những cột mốc hơn và có tính khả thi hơn.
Luôn luôn có một quả bom hẹn giờ được vặn hết cỡ trong mỗi bộ phim, Boyhood là một điển hình rõ nét. Xem Boyhood, chúng ta như đang tham gia quá trình khảo sát “12 năm của con người trong 165 phút” vậy. Mỗi thời khắc vang lên con người già đi, xóa đi cái cũ, mọc ra cái mới và tâm tính bắt đầu xáo trộn.
Ngược với Boyhood, Two days, one night lấy cột mốc ngắn ngủi hơn, hai ngày một đêm như một luật chơi hẹp, xoay quanh câu chuyện về Sandra đang đứng trước nguy cơ bị thôi việc.
Thay vì bỏ phiếu để cô có thể ở lại, các đồng nghiệp bỏ phiếu loại cô để nhận tiền thưởng. Sandra có khoảng thời gian hai ngày một đêm để thuyết phục người khác bỏ phiếu lại cho cô. Một kiểu bỏ phiếu khác của lương tâm.
Câu hỏi đặt ra ở đây còn lớn hơn việc cô có được chấp thuận hay không trong việc bỏ phiếu đó, là câu hỏi day dứt về hành vi con người: điều gì sẽ đến khi chúng ta ra một quyết định, sau đó hoặc là giữ nguyên nó, tức giữ nguyên quyền lựa chọn của mình như một lựa chọn đúng đắn, hoặc phủ nhận nó, tức phủ nhận sự lựa chọn ban đầu là sai lầm để nhận lấy một giá trị khác mong manh hơn có tên là lương tâm?
Ðồng nghiệp của cô có chịu thay đổi theo hướng tích cực trên, từ chối số tiền thưởng cho cá nhân mình để giữ lại cô, cái phần không liên lụy gì đến họ?
Phần thắng ở đây là gì, xem ra thời gian sẽ quyết định. Sandra sẽ còn tìm thấy rất nhiều bài học mà thời gian vừa cho lại vừa lấy đi của cô, không chỉ hạnh phúc mà còn cả niềm cay đắng.
Tất nhiên thế giới của năm 2014 không phải là một cột mốc cuối, nhưng đó là cột mốc phải có để chúng ta định đoạt những gì còn sót lại trước khi có thể bước tiếp vào năm 2015.
Thời gian chỉ là cái cớ của những nhà làm phim, và người xem như bị buộc chặt vào những câu hỏi và đôi khi không tìm thấy câu trả lời.
Chúng ta ngồi trước màn hình ngắm một đứa trẻ trưởng thành theo từng thước phim theo kiểu thời gian thật, và ngược lại ngắm sự thu hẹp dần của thời gian trước đời sống của một cô gái như Sandra với những nỗ lực càng lúc càng trở nên dang dở.
Hai bộ phim, hai cách nhìn về thời gian, thật không ngoa để nói rằng vô cùng xứng đáng để thưởng lãm và nghĩ suy trong thời khắc giao mùa này.
Theo IMDB, Boyhood của đạo diễn Richard Linklater nhận được tới 84 giải thưởng và 77 đề cử. Trong đó bộ phim đã giành được giải phim xuất sắc nhất của Hiệp hội Ðiện ảnh Mỹ, Hiệp hội Phê bình phim Los Angeles, Hiệp hội Phê bình phim New York... Ngoài ra Boyhood còn nhận được năm đề cử quan trọng của giải Quả cầu vàng bao gồm: phim hay nhất, đạo diễn xuất sắc nhất, nam - nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và kịch bản phim hay nhất. Boyhood hiện được xem là ứng cử viên sáng giá của giải Oscar phim hay nhất 2015, tạp chí Variety đưa ra tới 12 lý do phim này có khả năng thắng giải. Trong khi đó, bộ phim Two days, one night của đạo diễn Jean-Pierre Dardenne và Luc Dardenne cũng nhận được tới 18 giải thưởng và 33 đề cử gồm những giải quan trọng như: giải phim nước ngoài hay nhất của Hiệp hội Phê bình phim Boston, Hiệp hội Phê bình phim New York, Hiệp hội Nhà báo điện ảnh Indiana. Ðặc biệt, nữ diễn viên Marion Cotillard nhận được rất nhiều giải thưởng và đề cử cho vai diễn Sandra trong bộ phim này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận