Mới đây, trong một cuộc tọa đàm “Giúp phụ nữ tiếp cận phương pháp ngừa thai hiện đại” do báo Phụ Nữ và Công ty Bayer Việt Nam tổ chức, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM (nguyên giám đốc Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM), đã “giải oan” cho thuốc tránh thai.
Có thai vì quên uống thuốc
Trong thực tế, nhiều phụ nữ chỉ cần quên uống thuốc ngừa thai 2-3 ngày mà những ngày quên uống thuốc này trùng với ngày rụng trứng đã có thể dẫn đến mang thai ngoài ý muốn. Và không ít phụ nữ từng chia sẻ với các bác sĩ sản khoa “em đã mang thai chỉ vì quên uống thuốc ngừa thai”. Điều này chứng tỏ thuốc ngừa thai không gây vô sinh.
Sở dĩ thuốc ngừa thai bị “gán tội” gây vô sinh vì có những trường hợp uống thuốc ngừa thai nhiều năm nhưng khi ngưng uống để có thai lại không có được. Theo GS Ngọc Phượng, phụ nữ càng lớn tuổi buồng trứng sẽ giảm cả số lượng và chất lượng nên khả năng thụ thai càng khó, chứ không phải do đã dùng thuốc ngừa thai trước đó.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết sau một năm đám cưới, nếu không sử dụng các biện pháp ngừa thai sẽ có đến 80% cặp vợ chồng sẽ có con và sau hai năm có đến 90% các cặp vợ chồng sinh con tự nhiên, và chỉ có 10% cặp vợ chồng còn lại bị hiếm muộn.
Trong khi đó, một nghiên cứu ở châu Âu khảo sát trên 2.064 phụ nữ đã từng uống thuốc tránh thai trong vòng 5 năm cho thấy 20% phụ nữ có thai bình thường sau một tháng, 80% có thai sau một năm ngưng thuốc.
Còn sau hai năm ngưng thuốc tránh thai, tỉ lệ có thai tự nhiên ở phụ nữ trẻ hơn 25 tuổi vẫn đạt 90%, còn tỉ lệ có thai ở những nhóm phụ nữ lớn tuổi hơn thì giảm dần. Điều này chứng tỏ thuốc ngừa thai không ảnh hưởng đến khả năng có thai sau khi ngừng thuốc, không gây vô sinh.
GS.BS Ngọc Phượng lý giải số người mắc bệnh đột quỵ tạo cục máu đông tăng lên do cuộc sống hiện đại, chị em ít chịu tập thể dục cho máu lưu thông tốt chứ không phải do thuốc ngừa thai gây ra.
GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng tại buổi tọa đàm |
Bên cạnh đó, thuốc ngừa thai còn giúp giảm các bệnh lý phụ khoa như u nang buồng trứng, u lành tuyến vú, điều hòa kinh nguyệt, giảm thai ngoài tử cung. Thuốc ngừa thai thế hệ mới còn giúp không tăng tỉ lệ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ. Đặc biệt, những phụ nữ uống thuốc tránh thai liên tục sau hai năm có thể giảm được nguy cơ mắc một số bệnh ung thư so với phụ nữ không dùng thuốc.
Cụ thể, tỉ lệ mắc bệnh ung thư vú giảm 0,02% so với phụ nữ không dùng thuốc, giảm 50% nguy cơ bị ung thư nội mạc tử cung sau một năm uống thuốc, giảm 40% ca bị ung thư buồng trứng và giảm 40% ca ung thư trực tràng.
Các thuốc ngừa thai thế hệ mới còn giúp đẹp da, giảm tăng tiết bã nhờn, giảm mụn, không tăng cân nên cũng được nhiều bác sĩ kê toa cho chị em muốn trị mụn, chứ không phải uống với mục đích chính là ngừa thai.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo những phụ nữ trẻ chưa có gia đình hoặc đã kết hôn nhưng chưa muốn sinh con thì biện pháp ngừa thai tốt nhất chính là thuốc viên tránh thai hằng ngày.
2,5 lần phá thai/phụ nữ
Từ những quan niệm sai lầm trên mà nhiều phụ nữ quay về với những kiểu tránh thai truyền thống có hiệu quả không cao hoặc áp dụng các biện pháp tránh thai không an toàn như xuất tinh ngoài âm đạo, canh chu kỳ kinh nguyệt...
Điều này đã khiến mỗi phụ nữ Việt Nam trung bình trải qua 2,5 lần phá thai trong suốt độ tuổi sinh đẻ và 20% các ca nạo phá thai rơi vào lứa tuổi vị thành niên.
Tổ chức Y tế thế giới xếp Việt Nam vào danh sách một trong năm nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới và là nước có tỉ lệ phá thai cao nhất châu Á. Theo thống kê từ hai bệnh viện phụ sản lớn nhất khu vực phía Nam, riêng sáu tháng đầu năm 2016, trung bình mỗi tháng Bệnh viện Từ Dũ có gần 2.400 ca đến bỏ thai, con số này tại Bệnh viện Hùng Vương là 1.200 ca.
Nạo phá thai không chỉ gây ra những tai biến tức thời mà còn để lại hậu quả lâu dài. GS Ngọc Phượng nhấn mạnh, khó khăn nhất cho các bác sĩ trong điều trị hiếm muộn, vô sinh là người phụ nữ bị dính buồng tử cung, trong đó nguyên nhân gây ra thường là do nạo phá thai.
Tư vấn kiến thức ngừa thai, hướng dẫn lựa chọn biện pháp ngừa thai phù hợp cho gần 300 nữ nhân viên Công ty Môi trường đô thị TP.HCM |
GS Ngọc Phượng kể bà vừa khám cho một phụ nữ 33 tuổi bị dính buồng tử cung. Tháng 6-2016, bệnh nhân này đến khám với tình trạng có kinh rất ít, trước đó bệnh nhân đã nạo phá thai 4 lần nên các bác sĩ nghi ngờ bị dính buồng tử cung. Bệnh nhân được đưa vào bệnh viện nội soi buồng tử cung để tách ra nhưng rất khó khăn.
Đến khi tách được, bác sĩ đặt vòng để chống dính nhưng vòng đó cũng bị đẩy tụt ra ngoài. Cách đây vài ngày, bệnh nhân quay trở lại với tình trạng tắc nghẽn vòi trứng, không thể mang thai. Các bác sĩ thông báo bệnh nhân nếu muốn có con sẽ phải nhờ người khác mang thai hộ.
GS Phượng vẫn còn “ám ảnh” về cái chết thương tâm của một cô gái trẻ 18 tuổi, ở huyện Hóc Môn, TP.HCM. Cô gái có gương mặt rất xinh xắn này đã lỡ mang thai ngoài ý muốn với bạn trai của mình. Lo sợ, cô đi phá thai chui và bị nhiễm trùng.
Dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ điều trị tích cực nhưng do tử cung của bệnh nhân đầy mủ, nhiễm trùng nặng nên dù đã được cắt bỏ tử cung nhưng bệnh nhân vẫn bị tử vong. Người mẹ chờ mãi không thấy con gái về nhà, đi tìm con khắp nơi cuối cùng mới tìm thấy con ở nhà xác Bệnh viện Từ Dũ.
Từ những trường hợp trên, GS Phượng cho rằng đáp ứng đủ nhu cầu về ngừa thai hiện đại sẽ giúp giảm tỉ lệ tử vong, cũng như sức khỏe sinh sản của người phụ nữ được bảo vệ.
Theo số liệu thống kê của Viện Guttmacher, hơn một nửa số phụ nữ trong độ tuổi sinh sản ở châu Á muốn tránh thai. Tuy nhiên, 22% trong số này (tức 141 triệu người vào năm 2014) đang không sử dụng biện pháp ngừa thai hoặc ngừa thai theo các kiểu truyền thống, kém hiệu quả. Đây là những chị em có nhu cầu ngừa thai chưa được đáp ứng, chiếm 77% ca mang thai ngoài ý muốn ở châu Á.
Nếu phụ nữ được tiếp cận với các biện pháp ngừa thai hiện đại thì tình trạng mang thai ngoài ý muốn sẽ giảm đến 67%, từ 44 triệu ca xuống còn 15 triệu ca mỗi năm và phá thai không an toàn sẽ giảm 73%, từ 9,7 triệu trường hợp xuống 2,6 triệu trường hợp.
“Vì vậy, điều quan trọng là từng chị em trong độ tuổi sinh sản cần chủ động tìm kiếm thông tin đáng tin cậy về các biện pháp ngừa thai hiện có, tư vấn với các bác sĩ, cán bộ y tế để lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp nhất cho mình” - GS Ngọc Phượng nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận