26/07/2004 21:54 GMT+7

Giải mã, trả lại tên cho liệt sĩ

KHIẾT HƯNG
KHIẾT HƯNG

TT - Lúc chúng tôi có mặt tại Viện Công nghệ sinh học cũng là thời điểm các nhà khoa học của viện đang cố gắng hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng của việc giải mã sáu thi hài liệt sĩ vô danh để có thể trao trả cho gia đình họ vào ngày 27-7 năm nay.

3b1wXfQV.jpgPhóng to
Giám định gen hài cốt liệt sĩ trong phòng thí nghiệm Viện Công nghệ sinh học - Ảnh: K.Hưng
TT - Lúc chúng tôi có mặt tại Viện Công nghệ sinh học cũng là thời điểm các nhà khoa học của viện đang cố gắng hoàn thiện nốt những công đoạn cuối cùng của việc giải mã sáu thi hài liệt sĩ vô danh để có thể trao trả cho gia đình họ vào ngày 27-7 năm nay.

Một năm, 30 trường hợp

Một năm sau kể từ ngày ứng dụng thành công công nghệ giám định gen xác định hài cốt liệt sĩ, đến nay đã có 30 liệt sĩ vô danh được các nhà khoa học trả lại tên.

Trường hợp đầu tiên là liệt sĩ Hà Văn Tính, quê ở Ninh Giang, Hưng Yên. Liệt sĩ Tính sau khi hi sinh, không hiểu sơ suất thế nào lại bị ghi nhầm trên bia thành Hà Văn Tín, quê Ninh Bình.

Mặc dù được khẳng định đó đúng là mộ liệt sĩ Tính nhưng người nhà liệt sĩ vẫn bán tin bán nghi, quyết định khai quật thi hài, lấy mẫu gửi Viện Công nghệ sinh học giám định gen. Kết quả giám định cho thấy người nằm dưới mộ là liệt sĩ Hà Văn Tính.

Trường hợp thứ hai là trường hợp ngôi mộ ghi liệt sĩ Trần Xuân Tỷ nhưng thông tin đi kèm, gồm tên vợ, quê quán, năm sinh, lại đúng với liệt sĩ Nguyễn Hữu Vu.

Trong nhiều năm, cả gia đình liệt sĩ Tỷ và liệt sĩ Vu đều coi đó là phần mộ người thân mình. Khi các nhà khoa học vào cuộc mới xác định chính xác thi hài dưới mộ là liệt sĩ Nguyễn Hữu Vu.

TS Lê Quang Huấn, trưởng phòng công nghệ tế bào động vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Khoa học - công nghệ VN), giải thích: “Có những trường hợp sổ sách ở nghĩa trang ghi nhầm khiến chúng tôi mất cả năm trời mới phát hiện”.

Đó là trường hợp liệt sĩ Trần V. Bảo (Hà Tĩnh). Khi khai quật thi hài, nhóm qui tập tìm được một miếng nhôm ghi chữ Trần V. Bảo. Sau khi thông tin này được thông báo, có rất nhiều gia đình tìm đến nhận đây là thân nhân của mình.

Tuy nhiên, qua sàng lọc các thông tin liên quan, chỉ còn bốn gia đình có nhiều khả năng được xem là người nhà của liệt sĩ, trong đó có hai gia đình nhận đó là thân nhân của mình với tên Trần Văn Bảo, một gia đình khẳng định đó là liệt sĩ Trần Vĩnh Bảo và một gia đình nói đó là liệt sĩ Trần Viết Bảo.

Anh Huấn kể: “Mất gần một năm giám định, sau khi phân tích được mẫu gen của liệt sĩ, chúng tôi đem so sánh với mẫu gen của những người đại diện bốn gia đình thì không thấy có cặp gen nào trùng nhau. Không tin rằng kết quả phân tích lại sai, tôi hỏi lại qui trình lấy mẫu như thế nào thì mới hay mẫu đã bị lấy nhầm”.

Hóa ra, khi vào đến nghĩa trang qui tụ hài cốt, chị Thanh (người nhận là con liệt sĩ Trần Văn Bảo) tìm đến ngôi mộ số 300 có ghi tên Trần V. Bảo để khai quật thì ban quản lý nghĩa trang nói trong sổ sách của nghĩa trang ghi ngôi mộ 290 mới là mộ của liệt sĩ Trần V. Bảo. Chị Thanh đã lấy mẫu từ thi hài ở ngôi mộ 290.

Nghe xong câu chuyện, anh Huấn đã nghĩ đến khả năng ban quản lý nghĩa trang ghi sổ nhầm nên đề nghị chị Thanh trở vào Hà Tĩnh lấy mẫu ở ngôi mộ 300.

Đúng như phán đoán của nhà khoa học, danh sách của ban quản lý nghĩa trang đã ghi nhầm tên liệt sĩ Bảo từ mộ số 300 sang mộ 290 và liệt sĩ Bảo nằm dưới ngôi mộ 300 về sau được xác định là liệt sĩ Trần Văn Bảo, cha đẻ của chị Thanh.

“Ngân hàng” gen và chiếc tủ lạnh

Những mẫu thi hài phân tích xong không xác định được danh tính được viện giữ lại làm “ngân hàng” gen, chờ có điều kiện xác định trả lại tên cho liệt sĩ.

Gọi là “ngân hàng” nhưng thật ra đó chỉ là một chiếc tủ lạnh giống như mọi chiếc tủ lạnh khác. Mẫu hài cốt được đựng trong một chiếc hộp nhựa vốn là hộp đựng kem được tận dụng và lưu giữ trong tủ lạnh.

Đến nay, ngoài các trường hợp đã xác định được tên, còn mười mẫu hài cốt liệt sĩ chưa xác định rõ tên đang lưu giữ tại viện với những thông tin về nơi chôn cất, chiến trường hi sinh và một số ít có cả thông tin về quê quán.

“Nếu Nhà nước có chủ trương, chúng tôi sẽ phân tích mẫu gen của những gia đình có người hi sinh chưa tìm được mộ rồi so sánh với 10 mẫu gen kia thì chắc chắn sẽ xác định được tên của các liệt sĩ” - anh Huấn nói.

Đó chính là một trong những khó khăn mà các nhà khoa học nhiều khi đành bó tay không giúp được gia đình các liệt sĩ.

Một ngày đầu tháng bảy vừa qua, ông Trần Văn Lợi (Hà Nội) mang đến Viện Công nghệ sinh học giấy báo tử của liệt sĩ Nguyễn Văn Thành (người nhà ông Lợi) cùng danh sách 53 liệt sĩ (trong đó có liệt sĩ Thành) và một tấm bản đồ nơi chôn cất 53 liệt sĩ nhờ viện xác định giúp đâu là mộ liệt sĩ Thành.

Chỉ cho chúng tôi xem tấm bản đồ các ngôi mộ, anh Huấn bảo: “Nếu khai quật toàn bộ 53 hài cốt lên, phân tích mẫu từng thi hài rồi so sánh với mẫu của người nhà liệt sĩ Thành sẽ xác định được hài cốt liệt sĩ Thành. Nhưng làm sao chúng tôi có thể khai quật cả 53 ngôi mộ khi không được phép?”.

Biết là sẽ xảy ra những trường hợp như vậy nên từ trước đó, Viện Công nghệ sinh học đã đề nghị Bộ Lao động - thương binh & xã hội phối hợp việc cải tạo các nghĩa trang (thường phải khai quật hài cốt lên) với việc lấy mẫu hài cốt liệt sĩ vô danh lưu giữ lại để khi có điều kiện sẽ giám định.

Tuy nhiên, đến nay công việc này triển khai đến đâu viện cũng không được biết. Trong khi đó, viện trưởng Lê Trần Bình cho hay mô hình lý tưởng nhất là thành lập một trung tâm quốc gia giám định hài cốt liệt sĩ nhằm thực hiện tất cả các khâu lấy mẫu, phân tích mẫu, lưu giữ gen... để có thể giám định với qui mô lớn hơn, nhanh chóng trả lại tên cho hàng vạn liệt sĩ chưa biết tên.

Hiện tại dù kinh phí giám định mỗi mẫu hết khoảng 5 triệu đồng nhưng viện vẫn giám định miễn phí cho tất cả các trường hợp.

KHIẾT HƯNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên