Cảnh trong vở Con ma nhà họ Hứa - Ảnh: GIA TIẾN
Với vở kịch này, có lẽ là lần hiếm hoi khán giả được xem vở diễn có yếu tố ma mị ở Hoàng Thái Thanh.
Câu chuyện xảy ra trong gia đình ông Hứa Minh Nhân, thương gia có tiếng ở đất Sài Gòn vào giai đoạn giữa thế kỷ 20.
Ông Nhân có con trai duy nhất là Trọng. Cả gia đình họ đang sống những ngày tươi đẹp khi công việc làm ăn phát đạt, Trọng hạnh phúc với cô vợ trẻ là Quỳnh - con nuôi dì Ngọc (dì ruột của Trọng).
Trích đoạn Con ma nhà họ Hứa - Video: Gia Tiến
Vở Con ma nhà họ Hứa có sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Thành Hội, Ái Như, Công Danh, Phương Trâm, Quốc Thịnh, Thế Hải, Kim Hải, Phượng Anh...
Rồi một ngày Quỳnh thường xuyên bị choáng, bị trầy chảy máu cũng không biết đau. Sau đó, bất ngờ cô qua đời với lý giải vì căn bệnh thiếu máu và đám tang được tổ chức hết sức sơ sài, chôn cất vội vã.
Ông Nhân sau chuyến công tác từ Pháp trở về quá bất ngờ với cái chết đột ngột của con dâu. Một lần ông lên phòng thờ của cô và trượt ngã một cách khó hiểu, khiến ông rơi vào hôn mê.
Căn nhà ấy có quá nhiều chuyện lạ lùng và bí ẩn, ma quái hơn khi người ăn kẻ ở thỉnh thoảng lại nghe tiếng đàn violon réo rắt mà Quỳnh hay đàn năm xưa, bóng áo đỏ với mái tóc dài rũ rượi cứ thoắt hiện khi đêm buông xuống. Lời đồn nhà họ Hứa có ma lan truyền khắp Sài Gòn...
Cảnh trong vở Con ma nhà họ Hứa - Ảnh: GIA TIẾN
Tác giả kịch bản là Hoàng Mẫn, bút danh của diễn viên Công Danh, người đảm nhiệm vai Trọng trong vở kịch. Vợ chồng diễn viên Quốc Thịnh - Tuyết Mai lần đầu tiên được nghệ sĩ Thành Hội - Ái Như tin tưởng giao cho dàn dựng một vở kịch ở sân khấu Hoàng Thái Thanh.
Quốc Thịnh chia sẻ: "Vợ chồng tôi từng dàn dựng Con ma nhà họ Hứa cho cà phê Bệt cách đây 2 - 3 năm.
Diễn được khoảng 10 suất, cà phê Bệt ngưng hoạt động thì vở diễn cũng ngưng luôn. Tôi nhớ hồi đó vô tình ngồi với Công Danh, Danh nói: Nhà em có một bức ảnh rất lớn, hình một cô gái mặc áo đỏ xõa tóc dài xoay lưng không thấy mặt.
Ông ngoại nói đó là người yêu cũ của ông và hồi còn nhỏ không hiểu sao cứ nhìn hình đó em rất sợ! Rồi Danh rủ tôi cùng làm gì đó.
Tụi tôi ngồi bàn qua tán lại, rồi nhớ tới câu chuyện truyền miệng ở Sài Gòn về gia tộc họ Hứa, vậy là kịch bản Con ma nhà họ Hứa ra đời với hình ảnh chủ đạo là cô gái mặc áo đỏ xõa tóc dài...".
Cảnh trong vở Con ma nhà họ Hứa - Ảnh: GIA TIẾN
Nhà họ Hứa thật sự có ma? Hay còn có âm mưu nào khác? Hoặc có những uẩn khúc khó giãi bày?...
Đến bây giờ, người Sài Gòn vẫn tự lý giải câu chuyện theo cách của mình. Và Con ma nhà họ Hứa cũng là cách lý giải riêng của Hoàng Thái Thanh.
Vẫn neo đậu vào những yêu thương của tình người, cách nhìn của Hoàng Thái Thanh về một giai thoại bí ẩn rồi cũng tựu lại với những khắc khoải đến nao lòng về tình yêu, tình vợ chồng cao đẹp...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận