Những người trẻ làm nên vở kịch - Ảnh: NGÂN MAI |
Trên tờ vé in poster vở kịch với những diễn viên không quen tên, xếp đặt thành hình một trái tim. Kịch diễn ở sân khấu Lê Hoàng, một sân khấu nhỏ, cũ kỹ cũng lặng lẽ bao nhiêu năm qua trên đường Đinh Tiên Hoàng.
Vài cảm giác hụt hẫng đầu tiên đã ngăn một chút tâm thế xem kịch. Những chiếc ghế vải cũ mềm, ngồi cũng không thẳng hông được. Âm thanh quá chát chúa và nặng nề nơi những hàng ghế đầu. Tôi tìm một cái ghế ở gần cuối để tránh loa và xem kịch diễn.
Vở kịch được thu nhỏ trong tầm mắt. Từ xa nhìn diễn viên trên sân khấu cảm tưởng như đang ngắm nhìn những người nông dân cần mẫn trên cánh đồng.
Kịch bản xoay quanh câu chuyện tình đầu của hai người con trai, tan vỡ và dẫn dắt theo bao thê lương, oán hận... Những câu chuyện được chia đều và cứ đan xen tự nhiên như vẽ cho khán giả thấy bức tranh một cuộc sống gần gũi. Mỗi người đều mang câu chuyện của riêng mình lên sân khấu.
Câu chuyện của ông Trạch với nỗi ám ảnh giết người, câu chuyện của bà hội đồng tham lam nhưng vén khéo chuyện nhà trước tai họa, chuyện người cô không chồng, chuyện người em gái tội nghiệp bị lợi dụng, chuyện thầy cúng, chuyện con ma, chuyện của cô gái và chàng trai ở đợ khát khao yêu thương... đã tạo nên những bi, hài, ma mị xoay quanh một câu chuyện tình yêu.
Nhìn kỹ poster trên tấm vé thì thấy mỗi người đều mang một khuôn mặt đặc biệt, như biểu lộ số phận và câu chuyện cuộc đời mình sẽ kể. Cảm giác không còn biết ai là vai chính, ai vai phụ, ai cũng để lại một điều lưu luyến.
Duyên tình lạc bến đã hiện diện rõ ràng câu chuyện nhân quả như nhắc nhớ cuộc đời hãy lựa chọn tình yêu thương để cắt những bi kịch.
Chữ hiếu, chữ đời có thể khúc khuỷu trôi nhưng cuối cùng sẽ bình an, sẽ có cơ hội đáp đền, sẽ không một cái chết, không một lòng đau từ hạt mầm sai trái của tình yêu. Vở kịch gọn gàng, chi tiết dồn chi tiết.
Âm nhạc rơi cũng đúng những nhịp thư thái mãnh liệt nhất. Chỉ có phần cắt cảnh quá nhanh làm diễn viên chưa sống hết cảm xúc của mình trong cảnh cũ.
Cắt cảnh quá nhanh cũng cực hơn trong khâu dựng cảnh. Trong bóng tối kèm nhem, các bạn diễn viên cũng là người làm hậu đài, họ vừa dứt lời thoại lại lom khom khiêng ghế mây, bưng ngọn đèn, dựng cái giếng nước, thay micro cho nhau. Kịch đã âm thầm trong thực tại sân khấu hôm nay, vở kịch này còn nhỏ bé hơn cả sự âm thầm.
Nhìn sang những náo nhiệt của các gương mặt ăn khách, những hoành tráng của âm thanh, ánh sáng, màn hình LED của game show kịch truyền hình thì càng thấy thương những đời nghề của nghệ sĩ trẻ. Họ một tay chắt chiu làm nên vở kịch cho mình.
Trước khi bước ra khỏi sân khấu, dưới ngọn đèn rõ nhất, tôi đứng nhìn kỹ những gương mặt đã làm nên vở kịch này: Bảo Nguyên, Nguyên Bảo, Kim Yến, Hiếu Lê, Oanh Oanh, Trúc Đào, Xuân Hiền, Thịnh Phạm, Khánh Hồng, Khánh Tiên, Phương Anh, Sam Tiểu La, Đại Lộc. Những bạn trẻ phải chịu khổ để yêu nghề, xây nghề bằng những viên gạch cơ cực.
Gần một tháng, vở kịch âm thầm vẫn đang chờ đủ vé để diễn suất thứ ba. “Rất lo lắng và căng thẳng vì điều kiện còn quá thiếu thốn, tâm lực diễn viên chưa ổn định. Diễn viên sân khấu bây giờ phải bơi nổi bơi chìm, không nhiều cơ hội như trước nhưng chúng tôi vẫn hi vọng có một chỗ và giữ được chỗ để làm nghề” - Bảo Nguyên, đạo diễn, biên kịch, diễn viên chính vở kịch, tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận