29/05/2020 08:13 GMT+7

Giải gấp bài toán đưa chuyên gia trở lại

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - THÁI AN
NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - THÁI AN

TTO - Chấp nhận thực hiện nghiêm cách ly chuyên gia nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trong điều kiện "bình thường mới", tuy nhiên nhiều địa phương, cơ quan quản lý lại yêu cầu thủ tục "tréo ngoe", thiếu thống nhất.

Giải gấp bài toán đưa chuyên gia trở lại - Ảnh 1.

Doanh nghiệp gặp khó khăn khi làm thủ tục đưa chuyên gia nước ngoài trở lại Việt Nam. Trong ảnh: chuyên gia làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (Bình Thuận) - Ảnh: Đ.TRONG

Chính phủ đã có chủ trương cho nhập cảnh trở lại các chuyên gia phục vụ trong các nhà máy, dự án lớn để khôi phục sản xuất kinh doanh nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch COVID-19. Chủ trương là thế nhưng doanh nghiệp đôi khi phải "toát mồ hôi" lo thủ tục và như ngồi trên lửa vì hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng.

Khó nhất: phương án cách ly chuyên gia

Ông Nguyễn Minh Kế - chủ tịch Hiệp hội Nhôm Việt Nam - cho biết đầu tháng 5-2020, một doanh nghiệp thuộc hiệp hội gửi đơn lên UBND và sở ngoại vụ của một địa phương xin ý kiến. Tuy nhiên, tỉnh không giải quyết ngay mà tập hợp một nhóm doanh nghiệp và 20 ngày sau mới đồng ý cho nhập cảnh các chuyên gia. Thế nhưng, quyết định này đi theo lộ trình quen thuộc: giao cho công an, y tế phải theo dõi cách ly dù doanh nghiệp phải xây dựng phương án đón chuyên gia và cách ly theo đúng quy định.

"Doanh nghiệp không phải là cơ quan chuyên môn nên cũng chỉ xây dựng các phương án cách ly theo kinh nghiệm. Trình lên sở y tế 2 lần nhưng đều bảo thiếu nọ thiếu kia, khi được duyệt rồi còn phải "kiểm tra thực tế". Khi đang tiến hành thì tỉnh lại chuyển sang thành cách ly tập trung. Doanh nghiệp đã đóng cửa từ tết, rất cần chuyên gia, nếu không sớm có phương án cách ly hồ sơ cũng chưa chắc được tiếp nhận" - ông Kế lo ngại.

Theo một đại diện của Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN tại Việt Nam, một số doanh nghiệp ở TP.HCM cũng gặp khó khăn về vấn đề này khi chưa nắm rõ về quy trình hướng dẫn chuyên gia quốc tế vào Việt Nam. 

 Đại diện hội đồng này cho biết thông tin vào đầu tuần, UBND TP.HCM có họp về vấn đề này, giao Sở LĐ-TB&XH thông báo nội dung cuộc họp nhưng đến ngày 28-5 văn bản này mới đến được các sở ban ngành, trong khi doanh nghiệp "nóng như lửa đốt". 

Thậm chí, hiệp hội còn nhận được thông tin "phải 2 tuần nữa mới lập danh sách chuyên gia cho vào Việt Nam", trong khi nhiều tập đoàn chấp nhận thuê hẳn chuyên cơ riêng cho chuyên gia đến Việt Nam và thực hiện cách ly theo quy định.

Hiệp hội Thương mại và công nghiệp Hàn Quốc (KOCHAM) gần đây cũng gửi báo cáo đến các cơ quan chức năng từ kiến nghị của nhiều doanh nghiệp hội viên về cấp mới và gia hạn giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài. 

Theo phản ảnh, trong khi một số địa phương đều thực hiện việc cấp mới và gia hạn thì Sở LĐ-TB&XH TP.HCM còn dừng hẳn việc cấp mới, gây ra khó khăn rất lớn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp FDI tại TP.HCM.

Giải gấp bài toán đưa chuyên gia trở lại - Ảnh 2.

Dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1, xã Vĩnh Tân (Bình Thuận) đang chờ chuyên gia quay trở lại làm việc - Ảnh: ĐỨC TRONG

Chờ chuyên gia, nguy cơ chậm tiến độ

Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (EVNNPT) cho hay khi dịch xảy ra, việc điều động chuyên gia kỹ thuật của các nhà sản xuất máy biến áp, kháng điện, máy cắt... với đa số là từ nước ngoài (như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia...) đều rất khó khăn. Cộng thêm những ảnh hưởng do việc mua linh kiện, thiết bị bị gián đoạn, công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ do các địa phương phải tập trung chống dịch, nên dự kiến tiến độ hoàn thành các dự án này đều có thể chậm hơn so với kế hoạch.

Theo một lãnh đạo của EVNNPT, các dự án điện có tính chất kỹ thuật đặc thù, yêu cầu phải có chuyên gia nước ngoài vận hành, bảo dưỡng máy móc, thiết bị. Đây là điều khoản bắt buộc trong các hợp đồng mua sắm trang thiết bị với các nhà cung cấp. 

Nếu các dự án, nhà máy khác có thể áp dụng làm việc từ xa, yêu cầu của các dự án điện là chuyên gia kỹ thuật phải trực tiếp giám sát, vận hành công trình. Doanh nghiệp phải tính phương án tạm thời thay bằng kỹ thuật trong nước, nhưng về lâu dài nếu không có chuyên gia kỹ thuật nước ngoài rất khó đảm bảo tiến độ dự án.

Ngành dầu khí cũng gặp khó khăn tương tự khi có nhiều chuyên gia từ các nước có dịch lớn như Anh, Ý, Pháp, Malaysia... Dự kiến đến tháng 8-2020 cần đưa hơn 1.600 chuyên gia nhưng nay mới có gần 150 người nhập cảnh. 

"Số chuyên gia còn lại, các nhà thầu hiện đang thu xếp thời gian, phương tiện và các thủ tục để nhập cảnh. PVN kiến nghị tạo điều kiện nhập cảnh cho các chuyên gia này, đảm bảo thực hiện đúng quy định về phòng chống dịch bệnh. Bộ Y tế có hướng dẫn cụ thể cách ly tập trung và giám sát y tế để địa phương, nhà thầu thống nhất thời gian, địa điểm cách ly để các địa phương làm cơ sở ban hành sớm văn bản đồng ý tiếp nhận khách nhập cảnh và hoàn thiện hồ sơ để Bộ Công an cấp visa..." - PVN đề nghị.

Giải gấp bài toán đưa chuyên gia trở lại - Ảnh 3.

Số lao động nước ngoài chưa quay trở lại Việt Nam là trên 25.000 người, trong đó có chuyên gia của Samsung Việt Nam - Ảnh: T.V.N.

Không để doanh nghiệp chạy lòng vòng

Theo bà Phạm Thị Ngọc Thủy - phó giám đốc thường trực văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), chủ trương tạo thuận lợi cho chuyên gia, lao động cấp cao người nước ngoài vào Việt Nam làm việc, đảm bảo duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp được Thủ tướng chấp thuận. 

Tuy nhiên, từ chủ trương đến thực thi lại đang làm nản lòng doanh nghiệp, nhà đầu tư khi không có những hướng dẫn thống nhất và phải chạy vòng quanh khắp các cơ quan liên quan để làm thủ tục mà vẫn không đến đâu.

Bà Thủy đề xuất Cục Xuất nhập cảnh cần có quy trình thống nhất và làm rõ các yêu cầu về hồ sơ, giấy tờ để trao đổi với tất cả các tỉnh, đồng thời công bố minh bạch cho doanh nghiệp thì sẽ giảm thiểu đáng kể thời gian, công sức, chi phí của doanh nghiệp và các bên. Việc này không chỉ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh mà sẽ có tác dụng cực kỳ to lớn để thu hút các nhà đầu tư quốc tế tới Việt Nam trong làn sóng chuyển dịch các chuỗi cung ứng hiện nay.

Còn hơn 25.000 chuyên gia chưa trở lại Việt Nam

Thời điểm cuối tháng 3, đầu tháng 4-2020, Bộ LĐ-TB&XH từng có văn bản đề nghị Thủ tướng cho ý kiến về việc "ưu tiên" cấp phép cho gần 8.500 chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam.

Vì thực tế các địa phương đều đã tích cực, chủ động hỗ trợ doanh nghiệp tìm nguồn lao động thay thế, nhưng các vị trí này đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, kinh nghiệm quản lý, ngoại ngữ, điều hành lâu năm trong khi lao động Việt Nam chưa đáp ứng được ngay.

Số lao động nói trên (chủ yếu là lao động Trung Quốc và Hàn Quốc) có khoảng 2.000 lao động của một số dự án, công trình trọng điểm quốc gia, dự án áp dụng công nghệ mới của các tập đoàn đa quốc gia như dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (khoảng 100 người), dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (76 người), dự án LG Display tại Hải Phòng (200 người), Công ty TNHH Samsung Display Việt Nam tại Bắc Ninh (700 người), Công ty TNHH Samsung Elecho-Mechanics Việt Nam và công ty đối tác tại Thái Nguyên (150 người)...

Cũng theo báo cáo này, thời điểm cuối tháng 3-2020 có gần 70.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam (Hàn Quốc 34,4%, Trung Quốc 22,4%, còn lại từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác). Số lao động chưa quay trở lại Việt Nam là trên 25.000 người...

Bộ LĐ-TB&XH: luôn tạo điều kiện!

Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Nguyễn Thị Quyên - phó cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết đối với chuyên gia nước ngoài làm việc dưới 90 ngày không phải xin giấy phép lao động. "Thực tế các chuyên gia vẫn ở Việt Nam và nay xin gia hạn cần có thêm xác nhận, cam kết của doanh nghiệp về chuyên gia đó có đi qua vùng dịch hay tiếp xúc với người nhiễm COVID-19 hay không". Chỉ những công dân, chuyên gia vào làm việc hơn 90 ngày mới phải làm thủ tục cấp giấy phép lao động.

Đối với cấp mới giấy phép lao động, doanh nghiệp phải lập hồ sơ, danh sách về nhu cầu chuyên gia cần cấp giấy phép mới, trong đó mô tả vị trí công việc của chuyên gia, nêu rõ lý do cần. Danh sách này sẽ gửi địa phương hoặc Cục Việc làm thẩm định. Nếu Cục Việc làm chấp thuận, doanh nghiệp, địa phương sẽ làm hồ sơ đề nghị cấp phép. Trong hồ sơ này, Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu doanh nghiệp, đơn vị tiếp nhận chuyên gia phải có phương án tổ chức cách ly cho người lao động theo quy định của Bộ Y tế.

"Thủ tục gia hạn hay cấp phép mới của Bộ LĐ-TB&XH không khó, cũng không mất nhiều thời gian. Cái khó, cái vướng có thể trong thủ tục nhập cảnh (Bộ Công an) hay xác nhận tình trạng sức khỏe, thủ tục, quy trình cách ly (Bộ Y tế)" - bà Quyên nhận định.

Phó cục trưởng Cục Việc làm cũng cho biết đơn vị này đã tham mưu để Bộ LĐ-TB&XH có văn bản trình Thủ tướng về quy định, quy trình quản lý lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam trong thời gian tới để Thủ tướng ban hành.

TP.HCM sẽ kiến nghị tháo gỡ thủ tục cho chuyên gia làm dự án metro TP.HCM sẽ kiến nghị tháo gỡ thủ tục cho chuyên gia làm dự án metro

TTO - Văn phòng UBND TP.HCM vừa thông báo kết luận của Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan về tiến độ của tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) và metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương).

NGỌC AN - ĐỨC BÌNH - THÁI AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên