26/05/2020 16:15 GMT+7

Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm phải đón sóng chuyển dịch đầu tư, tránh 'mạnh ai nấy làm'

N.AN
N.AN

TTO - Cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, khắc phục vướng mắc và tình trạng "mạnh ai nấy làm".

Thủ tướng: Vùng kinh tế trọng điểm phải đón sóng chuyển dịch đầu tư, tránh mạnh ai nấy làm - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về phát triển kinh tế trọng điểm - Ảnh: Chinhphu.vn

Chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về phát triển vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) với một số bộ, ngành và 4 tỉnh, thành đại diện cho các vùng KTTĐ (Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Kiên Giang).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Lãnh đạo các địa phương trong vùng cần đề cao trách nhiệm trong phát triển kinh tế vùng, tận tâm, tận lực vì sự phát triển của cả vùng, của đất nước và từng địa phương, bởi "không có địa phương nào có thể phát triển bền vững nếu các địa phương lân cận kém phát triển".

Do đó, cần khẩn trương xây dựng, hoàn thiện quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nằm trong quy hoạch tổng thể quốc gia, khắc phục vướng mắc và tình trạng "trùng dẫm" hay "mạnh ai nấy làm".

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện, với tinh thần các tỉnh, thành trong vùng KTTĐ phải đi đầu trong phục hồi phát triển kinh tế sau dịch, đặc biệt là thu hút, đón sóng chuyển dịch đầu tư của các tập đoàn lớn, các công ty xuyên quốc gia về công nghệ.

Cần đặc biệt quan tâm đến hạ tầng khu vực đồng bằng sông Cửu Long, nhất là một số tuyến cao tốc đã quy hoạch. Từng vùng, từng địa phương cần chú ý 2 việc: Hoàn thành giải ngân vốn đầu tư công năm 2020 và đạt được mục tiêu, chỉ tiêu kinh tế - xã hội, tăng trưởng và thu ngân sách.

"Thủ tướng nhấn mạnh kiên quyết không được gây khó khăn cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Có chính sách ưu đãi hỗ trợ về tín dụng, điện, nước, kết cấu hạ tầng giao thông, dịch vụ logistic, đặc biệt là nhân lực, để phục vụ nhu cầu của các dự án quy mô lớn, công nghệ cao" - Thủ tướng nhấn mạnh.

Với các vùng KTTĐ cần có chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù, vượt trội, có khả năng cạnh tranh với biện pháp, lộ trình phù hợp. Việc làm ngay đó là phát huy tối đa vai trò hội đồng vùng, các địa phương trong vùng tận dụng được tiềm năng, thế mạnh, không cạnh tranh lẫn nhau, làm suy yếu nhau.

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và 9ầu tư, trong giai đoạn 2011-2019, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của 4 vùng KTTĐ bình quân mỗi năm tăng 7,25%. Quy mô GRDP của toàn bộ 24 địa phương thuộc 4 vùng KTTĐ so với GDP của cả nước ở mức trên 70%.

Các vùng KTTĐ là nơi tập trung đầu mối giao thông vận tải biển và hàng không lớn nhất cả nước, với 6/8 cảng biển quốc gia, tập trung tới 93% công suất bốc xếp của cảng và 100% công suất của các sân bay quốc tế, với năng lực tiếp nhận trung bình khoảng 25 triệu lượt khách mỗi năm.

Định hướng phát triển các vùng kinh tế trọng điểm

Đối với vùng KTTĐ Bắc bộ, trọng tâm là "tam giác phát triển" gồm Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, có nhiều điều kiện thu hút đầu tư công nghệ cao, chế biến chế tạo, điện tử, dịch vụ, tài chính ngân hàng, logistic, nông nghiệp công nghiệp cao; có thế mạnh về nguồn nhân lực, hình thành các trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao.

Vùng KTTĐ miền Trung tập trung phát triển mạnh kinh tế biển, phát triển hệ sinh thái ôtô, các ngành dịch vụ vận tải, đặc biệt là du lịch. Cần có đề án phát triển du lịch miền Trung kết hợp với Tây Nguyên thành vùng trọng điểm mang tầm khu vực và thế giới.

Vùng KTTĐ phía Nam phải tập trung thu hút đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao, đứng đầu các chuỗi giá trị; phát huy vai trò đầu tàu của TP.HCM để đưa vùng này thành động lực tăng trưởng ngay trong năm 2020 và thời gian tới.

Vùng KTTĐ đồng bằng sông Cửu Long có nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng có trình độ phát triển chưa cao, cần phát triển mạnh mẽ các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt các loại nông sản chủ lực, tôm, cá tra, trái cây... Phát triển mạnh mẽ công nghiệp chế biến, ứng phó biến đổi khí hậu.

Đừng đẩy việc lên Thủ tướng Đừng đẩy việc lên Thủ tướng

TTO - Dòng vốn FDI đang dịch chuyển, VN là một trong những đích đến. Nhưng từ tiềm năng đến việc được chọn là bài toán lợi ích được các nhà đầu tư cân đong chi li và thực dụng. Muốn khách đến, nhà phải thông thoáng.

N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên