Để chủ động ngăn chặn, TP.HCM đã lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 ngẫu nhiên ở khu vui chơi, chợ, bến xe... Trong ảnh: lấy mẫu xét nghiệm ngẫu nhiên tại Thảo cầm viên sáng 2-5 - Ảnh: NHẬT THỊNH
Khi xét nghiệm xong toàn bộ, con số này còn có thể tăng. Ngay trong ngày, Hà Nội đã quyết định cách ly y tế toàn bộ cơ sở Đông Anh của bệnh viện đến 19-5, toàn bộ nhân viên bệnh viện cũng thực hiện cách ly y tế, tạm dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, chỉ nhận bệnh nhân nặng.
Bước đầu thực hiện truy vết bệnh nhân đã khám và điều trị tại viện 14 ngày trước đó, ghi nhận có người bệnh từ 8 tỉnh thành...
Lây từ khu điều trị nội trú
Chia sẻ với Tuổi Trẻ hôm qua 5-5, một nữ bác sĩ của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cho biết bệnh viện luôn có nhóm điều trị COVID-19 thường trực tại viện, vì vậy khi có lệnh cách ly y tế, việc sắp xếp, bố trí ăn ở cho hàng trăm y bác sĩ và khối hành chính tại bệnh viện không phải quá khó khăn.
"Chúng tôi đã quen rồi, cả năm trước đã nhiều đợt phải ở hàng tháng trong bệnh viện, bệnh viện tổ chức chia suất ăn tại khoa, đồ dùng y bác sĩ đã chuẩn bị sẵn, đợt này cách ly có đông hơn vì có thêm khối hành chính nhưng đừng lo cho chúng tôi" - nữ bác sĩ này cho biết.
Qua rà soát ban đầu, ông Phạm Ngọc Thạch - giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - cho rằng đây là chùm ca bệnh lây từ khu vực điều trị bệnh nhân nội trú.
Nhưng chùm ca này có một hay nhiều F0, tức là có một hay nhiều nguồn lây, thời gian lây lan đã qua mấy chu kỳ dịch... thì khi có đầy đủ kết quả xét nghiệm, đồng thời với việc phân tích các yếu tố dịch tễ mới có thể đánh giá được.
"Việc tính toán mầm bệnh đã xuất hiện trong thời gian bao lâu có thể đánh giá trên số mắc, nếu số mắc ít thì dịch mới xuất hiện trong thời gian ngắn và ngược lại.
Bên cạnh đó còn đánh giá về nguồn lây, ví dụ 14 ca bệnh nhưng có đến 2-3 nguồn lây, 2-3 nguồn này lại đến từ 2-3 tỉnh thành khác nhau và đã ở trong cộng đồng thì nguy cơ sẽ cao hơn nhiều" - một chuyên gia cho biết.
Bên cạnh đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là cơ sở y tế tuyến đầu khi xử lý dịch: điều trị hiệu quả nhất khi không có bất kỳ bệnh nhân nào tử vong, số lượng bệnh nhân điều trị lớn nhất, là nơi đã và đang chi viện cho Đà Nẵng, Hải Dương, tiếp nhận toàn bộ bệnh nhân từ Yên Bái, Vĩnh Phúc, Hà Nam và nhiều tỉnh thành, một êkip của bệnh viện vừa đi hỗ trợ 2 tỉnh thành của Lào chống dịch.
Tuy nhiên, khi bệnh viện phải cách ly y tế và chỉ tiếp nhận bệnh nhân nặng, nỗi lo sẽ phải đẩy về các tỉnh trong việc nỗ lực điều trị các ca bệnh nặng tại chỗ.
Khi đó, khả năng chuyên môn và quan trọng là kiểm soát nhiễm khuẩn để tránh lây lan sẽ là một áp lực lớn đối với các tỉnh thành khi không có sự chi viện từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Lãnh đạo TP Hà Nội thị sát Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bộ Y tế, Hà Nội khẩn trương
Ngay trong chiều 5-5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh và Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đã có cuộc thị sát tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đồng thời làm việc trực tuyến với bệnh viện.
Ông Tuyên cho biết ngay trong chiều 5-5 đã có văn bản đề nghị các tỉnh thu dung bệnh nhân COVID-19, trường hợp nặng mới chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương.
Quyết định cách ly y tế với Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, theo ông Chu Ngọc Anh, là để khoanh vùng không cho dịch lây ra cộng đồng, đảm bảo an toàn cho các y bác sĩ, vì thế việc thiết lập cách ly tại bệnh viện là theo hướng "nội bất xuất, ngoại bất nhập".
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương phải có danh sách người đã đến và rời khỏi bệnh viện từ 14 ngày gần đây (từ 21-4) để tiến hành truy vết, rà soát.
Ngay trong ngày 5-5, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cũng có hướng dẫn gửi giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, đề nghị phân loại nhân viên y tế, theo hướng xác định người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định và các nhân viên khác để đảm bảo duy trì hoạt động của bệnh viện trong thời gian cách ly y tế, thực hiện triệt để các biện pháp phòng lây chéo.
Tại gia đình nhân viên y tế và người liên quan ca bệnh, cần gửi danh sách nhân viên để địa phương có kế hoạch cách ly tại nhà, cách ly tập trung người có liên quan.
Chỉ trong vài ngày qua đã có 2 bệnh viện phải cách ly y tế do có bác sĩ mắc bệnh (Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương). Nếu dịch cứ tấn công vào cơ sở y tế, tác hại sẽ nhân đôi do cùng lúc làm gia tăng số bệnh nhân và hạn chế cơ sở điều trị, phòng dịch.
Tuy nhiên, các động thái rất nhanh chóng ở 2 bệnh viện trên cho thấy có hi vọng sớm khoanh vùng và khống chế được ổ dịch.
Nhân viên y tế vận chuyển hàng hóa, thiết bị trong Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh, sau khi có quyết định phong tỏa - Ảnh: N.KHÁNH
Hà Nội "kích hoạt" bệnh viện dã chiến 300 giường
Chiều 5-5, ngay sau khi Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh bị phong tỏa, chủ tịch UBND TP Hà Nội đã tới Bệnh viện dã chiến Mê Linh kiểm tra, yêu cầu sẵn sàng phương án đón bệnh nhân COVID-19.
Từ điểm kiểm tra việc triển khai phong tỏa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, ông Chu Ngọc Anh cùng đoàn kiểm tra đã tới Bệnh viện dã chiến Mê Linh, nghe báo cáo và yêu cầu sẵn sàng cho tình huống đón tiếp bệnh nhân mắc COVID-19 tới điều trị.
Ông Hoàng Anh Tuấn, chủ tịch UBND huyện Mê Linh, cho biết trong giai đoạn phòng chống dịch trước đây, Bệnh viện dã chiến Mê Linh được đầu tư xây dựng lại trên hiện trạng bệnh viện cũ bỏ hoang. Bệnh viện dã chiến Mê Linh có điều kiện thuận lợi, đó là vị trí nằm biệt lập, cách xa khu dân cư.
Ông Tuấn cho biết sau đầu tư, hiện Bệnh viện dã chiến Mê Linh có quy mô 300 giường, mục đích dự phòng khi số bệnh nhân tăng cao sẽ tiếp nhận điều trị. Tuy nhiên theo ông Tuấn, sau khi hoàn thành việc xây dựng, đến nay có may mắn là chưa phải kích hoạt sử dụng bệnh viện này.
Kiểm tra hiện trạng bệnh viện, ông Chu Ngọc Anh khẳng định Thành ủy, TP đã có chủ trương từ trước về việc đầu tư Bệnh viện dã chiến Mê Linh, trước mắt là sử dụng cách ly với các trường hợp F1.
Tuy nhiên, với tình huống Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở Đông Anh bị phong tỏa, chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu Bệnh viện dã chiến Mê Linh phải sẵn sàng cho tình huống khi cần có thể đón nhận bệnh nhân điều trị.
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Trần Thị Nhị Hà cho biết từ giai đoạn trước, Bệnh viện dã chiến Mê Linh đã được đầu tư, đã có kịch bản và phương án chi tiết khi cần sử dụng. Bệnh viện dã chiến Mê Linh cũng đã hoàn thiện đủ hạ tầng, từ các khu giường bệnh, nhà điều hành đến hệ thống xử lý nước thải.
Theo bà Hà, với quy mô diện tích hơn 12ha đất, khi cần thiết hoàn toàn có thể xây dựng thêm các khu nhà lắp ghép để tăng quy mô giường bệnh, mọi việc đều đã có tính toán nhưng hi vọng không phải thực hiện.
Bệnh viện "tuyến đầu" chuyên trị COVID-19
Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương là cơ sở y tế đầu ngành trong điều trị các bệnh truyền nhiễm, là "tuyến đầu" trong phòng chống COVID-19. Bệnh viện phải cách ly là khó khăn chung khi dịch đang diễn biến rất phức tạp, có thể có thêm nhiều bệnh nhân phải điều trị.
Tại thời điểm phát hiện các ca dương tính hôm qua, bệnh viện có trên 800 y bác sĩ, nhân viên, bệnh nhân và thân nhân.
Kết quả xét nghiệm trên 1/3 số người đã có 14 ca dương tính, gồm 1 nhân viên y tế, 4 người nhà bệnh nhân và 9 người bệnh đang điều trị tại nhiều khoa khác nhau, cho thấy số mắc thực tế khi có toàn bộ kết quả xét nghiệm còn có thể lớn hơn.
Hôm qua tại Việt Nam ghi nhận 26 ca nhiễm COVID-19 mới. Ngoài 14 ca tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, còn có 8 ca nhập cảnh cách ly ngay và 4 ca khác gồm:
* Ca 2997 ghi nhận tại Quảng Nam: nữ, 27 tuổi, là F1 (vợ) của ca 2982.
* Ca 2998 ghi nhận tại Hà Nội: nữ, 32 tuổi, địa chỉ tại Thanh Khê, Đà Nẵng, ngày 29-4 từ Đà Nẵng đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN160.
* Ca 2999 ghi nhận tại Đồng Nai: nữ, 44 tuổi, địa chỉ tại TP Long Khánh, tỉnh Đồng Nai. Bệnh nhân làm việc tại quận Hải Châu, Đà Nẵng, liên quan dịch tễ với ca 2982.
* Ca 3002 ghi nhận tại Hải Dương: nam, 26 tuổi, địa chỉ tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ngày 29-4 từ Đà Nẵng đến sân bay Nội Bài trên chuyến bay VN160, sau đó về tỉnh Hải Dương.
Chuyển từ phòng ngự sang tấn công
Cần chuyển trạng thái phòng chống dịch từ phòng ngự sang chủ động tấn công, song phải hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021.
"Chính phủ kêu gọi toàn thể nhân dân trong nước cũng như kiều bào ở nước ngoài vì lợi ích của mỗi cá nhân, cộng đồng và của quốc gia, dân tộc tự giác thực hiện nghiêm các quy định của các cấp có thẩm quyền về phòng chống, khắc phục hậu quả của dịch COVID-19" - Thủ tướng Phạm Minh Chính nói và cho biết thêm sẽ có giải pháp hỗ trợ đối tượng bị tác động, nhất là người yếu thế.
Phải "đúng vai, thuộc bài"
Trong bối cảnh tình hình dịch có diễn biến phức tạp, xử lý khó khăn hơn; xuất hiện tư tưởng chủ quan, lơ là, mất cảnh giác; công tác quản lý cách ly tập trung, sau cách ly còn bất cập; biến chủng mới của COVID-19 lây lan nhanh, khó phát hiện, diễn biến phức tạp, Thủ tướng yêu cầu thời gian tới quán triệt nghiêm các chỉ đạo.
Theo đó, phải chống 2 khuynh hướng: một là lơ là, chủ quan, mất cảnh giác; và hai là hoảng sợ, hoang mang, dao động hoặc cực đoan.
Vì vậy phải tỉnh táo, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, xử lý tình huống dựa trên thực tiễn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, nhập vắcxin và tiêm vắcxin trên diện rộng, ưu tiên tuyến đầu có nguy cơ lây nhiễm cao.
Bộ Y tế được giao xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí quy định về dịch, nguy cơ lây nhiễm và có giải pháp cụ thể, công cụ giám sát, kiểm tra để các địa phương, cơ quan căn cứ vào chức năng, quyền hạn, tình hình chủ động quyết định các biện pháp.
Tăng cường phân cấp, phân quyền từ trung ương tới địa phương trong công tác phòng chống dịch song phải làm việc trên tinh thần "đúng vai, thuộc bài" và "Chính phủ không làm thay cho tỉnh, cho huyện, cho xã".
Thành viên Chính phủ dự phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4-2021 - Ảnh: TTXVN
Sẽ mua 31 triệu liều vắcxin của Pfizer
Tại buổi họp báo sau đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh Chính phủ nghiêm túc quán triệt các bộ, ngành và địa phương phải thực hiện hiệu quả các chỉ đạo các cấp; chống dịch phải thực chất, cụ thể, chi tiết.
Tuyệt đối không hình thức, phô trương, chống dịch như chống giặc, đặt lợi ích quốc gia, cộng đồng lên trên hết. Không bao che, nể nang, xử nghiêm không có ngoại lệ với hành vi không tuân thủ quy định phòng chống dịch, cách ly y tế, tùy mức độ có thể xem xét xử lý hình sự.
Có phương án đảm bảo nhân lực, trang thiết bị, chủ động tiếp cận nhiều nguồn vắcxin, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắcxin.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay do chưa đủ bằng chứng cho thấy "hộ chiếu vắcxin" sẽ phòng ngừa, miễn dịch với các chủng COVID-19 nên bộ sẽ tiếp tục nghiên cứu và xem xét triển khai khi nào đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Về việc nhập khẩu và sản xuất vắcxin, ông Thuấn cho hay năm 2021 và đầu 2022 dự kiến có một số nguồn: qua chương trình COVAX được 38,9 triệu liều, cơ bản đủ cho các đối tượng ưu tiên; 30 triệu liều AstraZeneca..., đàm phán với Pfizer có thêm 31 triệu liều, tiếp nhận thêm 2 triệu liều viện trợ như của Nga, chuyển giao công nghệ từ các đối tác từ công ty của Nhật, Nga, Pfizer. Với vắcxin trong nước, dự kiến hoàn thiện cuối năm 2021.
Về vấn đề nhập cảnh của chuyên gia, ông Thuấn cho rằng đơn vị đề xuất phải phù hợp, đúng người. Ban chỉ đạo yêu cầu kích hoạt tổ 5 bộ Quốc phòng, Ngoại giao, Công an, Y tế, GTVT để đưa chuyên gia vào làm việc cho an toàn và hiệu quả.
Ông Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho hay số lượng người nhập cảnh vào Việt Nam rất đông, khoảng 150.000 người. Đáng chú ý là người Trung Quốc nhập cảnh trái phép với 199 vụ từ 39 tỉnh thành.
Do đó, ông Xô cho rằng cần thực hiện hiệu quả việc rà soát, kiểm tra trên phạm vi toàn quốc các nhà nghỉ, khách sạn, cơ sở lưu trú... để truy vết người nhập cảnh trái phép.
Để hoàn thành mục tiêu kép, cần làm gì?
Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021, Chính phủ nhận định dù kết quả đạt được tích cực song vẫn còn nhiều khó khăn, nhiều tồn đọng kéo dài chưa được giải quyết.
Còn có sự mâu thuẫn, xung đột, chồng chéo về thể chế làm cản trở các hoạt động sản xuất kinh doanh; đầu tư công còn chậm...
Do vậy để hoàn thành mục tiêu kép, cần phải rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, nhất là những vấn đề cần ưu tiên để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.
Xây dựng tiêu chuẩn, tiêu chí trong quản lý nhà nước để tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm và tăng cường giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện.
Chính sách tiền tệ, tài khóa điều hành linh hoạt hơn, phù hợp hơn với thực tế để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và các cân đối lớn của nền kinh tế.
Tích cực tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho người dân và doanh nghiệp.
Về dự thảo Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ chương trình này là rất quan trọng.
Việc xây dựng Chương trình hành động phải theo hướng "bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo", với trọng tâm về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, trong bối cảnh gặp khó khăn, thách thức về già hóa dân số, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh, cạn kiệt tài nguyên; thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững; phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận