13/11/2017 09:48 GMT+7

Giải cứu hoa cúc

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Trận lũ vừa qua đã nhấn chìm hàng trăm căn nhà dọc sông Túy Loan kéo theo thiệt hại cho các hộ dân vùng ven Đà Nẵng. Nhưng, từ đó người ta mới thấu rõ tình người tỏa khắp xóm nghèo Cồn Mong.

Giải cứu hoa cúc - Ảnh 1.

Ngườidân thôn Cồn Mong giúp "giải cứu" cúc nhà ông Phan Ngọc Anh - Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Chúng tôi trở lại thôn Cồn Mong xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng khi nước lũ vừa rút. Trong câu chuyện kể lại vẫn còn nhắc đến cuộc "giải cứu hoa cúc" trong trận nước dâng bên con sông Quá Giáng.

Cuộc giải cứu ấm tình

Đến trước ngày nước lớn, trời vẫn mưa rả rích khiến ông Phan Ngọc Anh (51 tuổi) thôn Cồn Mong, xã Hòa Phước)cứ đứng ngồi không yên. Hơn 600 chậu cúc vợ chồng ông trồng bán Tết đang phó mặc số phận cho trời.

"Người ta nói bán anh em xa mua láng giềng gần thiệt không sai. Có khi hoạn nạn mới thấy được tấm lòng của mọi người. Nếu không có họ, chắc là giờ đám cúc này cũng không còn hy vọng".

Ông Phan Ngọc Anh

Mưa càng lúc càng lớn, ông và vợ đội mưa hì hục cả buổi chở gạch, kê cao đế các chậu cúc rồi vội vàng trở về nhà dọn dẹp đồ đạc lên cao. Ở tuổi 51, ông Anh bị thoái hóa cột sống, phải bỏ nghề thợ nề. Vợ ông mở quán bán tạp hóa, lấy ngắn nuôi dài. Cả nhà chỉ trông đợi cả vào vụ cúc Tết.

Đang lúc hai vợ chồng không biết xoay xở sao để chạy đua với con nước lớn đang ập vào, anh Nguyễn Phước Tân (20 tuổi, hàng xóm) đã cùng ông kêu gọi bà con chòm xóm thực hiện cuộc giải cứu trong mưa.

Hai người cứ thế chạy đến gõ cửa từng nhà kêu gọi người dân cùng mượn thêm xe kéo, xe đẩy chuyển hàng trăm chậu cúc đến chỗ cao hơn.Thế là từ thanh niên, đến người già, trẻ nhỏ gần cả trăm người đội mưa giúp giải cứu hàng trăm chậu cúc đang chìm trong biển nước.

Người già, phụ nữ, trẻ em thì bốc chậu, xếp chậu vào sân nhà văn hóa thôn. Thanh niên thì kéo xe chuyển cúc. Từ đoạn vườn cúc của ông Anh đến chỗ nhà văn hóa chừng trăm mét, có đoạn sình lầy, nước cao, tràn qua đường chảy xiết. Mọi người vẫn động viên nhau mong không để thiệt hại một chậu cúc nào.

Mưa vẫn xối xả, nước từ sông Qúa Giáng vẫn dâng lên càng lúc càng lớn, đục ngầu như trêu ngươi những con người bé nhỏ đang gồng mình lên chống chọi. Chưa đầy hai giờ đồng hồ, hàng trăm chậu cúc đã nằm gọn trong sân nhà văn hóa thôn, ruột gan ông Anh bây giờ mới thôi đốt lửa.

Tình người trong lũ dữ

Nhìn đám cúc đang vươn mình đón nắng sau cả tuần trời dầm mình trong mưa lũ, ông Anh không giấu được sự xúc động trên gương mặt: "Người ta nói bán anh em xa mua láng giềng gần thiệt không sai. Có khi hoạn nạn mới thấy được tấm lòng của mọi người. Nếu không có họ, chắc là giờ đám cúc này cũng không còn hy vọng".

Ông Anh cho biết, trước ngày lũ, mưa lớn kéo dài vài ngày liên tục. Lũ ở vùng ven sông lại rút chậm hơn những nơi khác, nếu không đưa kịp lên chỗ cao e là không cứu được đám cúc. Vụ này gia đình ông đã vay ngân hàng hàng chục triệu bỏ vào vạt cúc. Ông không dám nghĩ tới cảnh trắng tay.

Trong gần trăm người tham gia giải cứu cúc, chuyện anh Nguyễn Phước Tân cũng khiến ông Anh suy nghĩ nhiều. Tân là cảnh sát cơ động đi làm ở thành phố, nghe tin lũ lên nhanh, anh tranh thủ giờ cơm trưa về phụ ba mẹ già chạy lũ.

Thấy ông Anh thất thểu chạy trong mưa, chiến sĩ trẻ không đành lòng quay về đơn vị làm nhiệm vụ. Anh đã cùng kêu gọi bà con, tham gia giải cứu cúc cho hàng xóm. Để rồi khi nước lên vượt cả cây cầu Quá Giáng, quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Hòa Phước về trung tâm thành phố bị chia cắt, nghĩ đến nhiệm vụ đang chờ, Tân quyết vượt lũ về cho kịp ca trực.

Ông Anh kể lại: "Nó ra phố mà trong bụng bà con trong xóm chẳng yên. Lo lỡ không may có chuyện gì trong lũ xiết. Lo nó muộn giờ việc quân chỉ vì lo giúp dân rồi bị quở trách. Nó đi trong bộ quần áo ướt mèm và lấm lem bùn đất, không kịp ăn gì".

Khi hỏi về câu chuyện giúp giải cứu cúc ở thôn Cồn Mong, chiến sĩ trẻ xua tay từ chối. "Chuyện đó chẳng có gì đáng nhắc đến. Hàng xóm láng giềng cả thôi. Hôm đó tôi đã muộn ca trực mấy giờ đồng hồ. Nghĩ lại còn thấy mình chưa làm tròn trách nhiệm".

Nhưng khi được hỏi: "Vậy nếu quay lại hôm đó, Tân có chạy vội ra thành phố để kịp giờ trực không?", Tân thật thà: "Không đâu. Vì lúc ấy, ở đơn vị còn anh em giúp, dân làng mình thì bé nhỏ. Chỉ muốn sao vẫn hoàn thành tốt cả hai việc, thì hay".

Chàng trai trẻ cười hiền: "Đoạn em đi, nước dừng lên rồi nhưng còn nửa đám cúc ở chỗ cao, vẫn còn chưa đưa lên hết. Chú Anh quyết bỏ đó nhờ trời kẻo khổ bà con. Trong lòng em cũng chưa yên".

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên