06/11/2017 15:09 GMT+7

Mảnh đất phá tình người…

MINH TÂM
MINH TÂM

TTO - Chỉ vì tranh chấp ranh đất mà hàng xóm hiềm khích, cự cãi với nhau, cơn sân si được nung nấu lâu ngày bùng nổ dẫn đến cảnh gây gổ, ẩu đả. Hậu quả là người tử vong, kẻ phải vào vòng lao lý…

Mảnh đất phá tình người… - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Bé Tẵng, 46 tuổi, chỉ vì tranh chấp ranh đất dẫn đến chết người và bị TAND tỉnh Hậu Giang đưa ra xét xử về tội "giết người". 

Theo hồ sơ vụ án, giữa bị cáo Tẵng và gia đình anh Võ Hồng Cúc có mâu thuẫn về việc tranh chấp ranh đất hơn 5 năm nay. Mâu thuẫn dai dẳng khiến hai bên không thèm nói chuyện với nhau. 

Sáng đó, hai bên xảy ra cự cãi. Chiều cùng ngày, Tẵng bị mấy anh em anh Cúc đuổi đánh. Trong lúc giằng co, Tẵng đã dùng dao đâm một nhát trúng ngực anh Cúc khiến nạn nhân tử vong.

Mâu thuẫn dai dẳng...

Tại tòa, bị cáo bào chữa: "Sáng đó, bị cáo đã bị mấy anh em bị hại chửi mắng không cho sạ lúa, bị cáo phải nhờ công an xã can thiệp. 

Tới chiều, sau khi bị cáo dọn đường nước xong, đi về thì bị mấy anh em bị hại cầm cây len đuổi đánh, bị cáo mới cầm dao quơ đại, lúc đó bị cáo không nghĩ mình đã đâm trúng bị hại. Sau đó, bị cáo bị mấy anh em bị hại nắm áo đánh xỉu, bị cáo không còn biết gì nữa...".

Chủ tọa thẩm vấn: "Tại sao đi làm ruộng mà bị cáo lại mang theo dao?". Bị cáo trả lời: "Bị cáo mang theo để gọt trái cây, vừa đi vừa gọt ăn dài dài ra tới ruộng". 

Giọng chủ tọa hơi gắt: "Bị cáo nói vô lý, có ai đi làm ruộng mà mang dao theo gọt trái cây. Có phải bị cáo mang dao theo để phòng thủ bởi giấc sáng giữa bị cáo và bên bị hại đã có cự cãi, mâu thuẫn với nhau? Chỉ vì bị cáo mang dao theo mà đã xảy ra án mạng. Qua việc này, bị cáo có thấy mình sai?". 

Bị cáo bào chữa rằng rất hối hận việc hành xử của mình, nhưng nguyên nhân dẫn đến thảm kịch này là do bên bị hại quá ức hiếp bị cáo. Sáng thì chửi, chặt cây và không cho bị cáo sạ lúa, chiều thì đánh bị cáo, dồn bị cáo đến bước đường phải hành xử như vậy. 

Bản thân bị cáo cũng bị bên bị hại đánh thương tích 3%, nhưng bị cáo bỏ qua không thưa kiện gì. Chủ tọa nghiêm giọng: "Bị cáo không thể viện cớ bên bị hại sai để hành xử như vậy. Sinh mạng con người rất quý, không thể mượn bất cứ lý do gì rồi dùng dao đâm người".

Khi được hội đồng xét xử thẩm vấn tại sao lại dùng hung khí đánh bị cáo, anh Võ Văn Mẫn - em anh Cúc - trả lời: 

"Bị cáo Tẵng nói mấy anh em tôi rượt theo đánh là không đúng. Khi tôi nghe anh tôi la "nó đâm tao bây ơi", tôi mới chạy lên nắm hai tay Tẵng đè xuống bờ ruộng. Kế đó, tôi nghe có tiếng người nói "nó cầm dao kìa, coi chừng án mạng xảy ra", tôi liền buông tay ra. Rồi thấy anh Cúc xỉu nên tôi phải lo chở ảnh đi bệnh viện...". 

Hội đồng xét xử hỏi nhân chứng Huỳnh Văn Mười rằng mấy anh em bên Mẫn có dùng hung khí đánh bị cáo không, Mười trả lời: 

"Tôi ra sạ lúa tiếp anh Tẵng, đứng cách xa chỗ ẩu đả 200m. Tôi thấy mấy anh em bị hại rượt ảnh. Ảnh muốn chạy vô nhà nhưng anh Cúc không cho bị cáo chạy vô. Rồi tôi thấy anh Cúc ngã xuống. Sau đó, anh Mẫn đè Tẵng xuống ruộng, còn anh Khoa đập Tẵng. 

Tôi mới can, nói mày đừng đánh nữa, đánh một hồi anh Tẵng chết bây giờ. Lúc đó Khoa mới ngưng, buông anh Tẵng ra, tôi thấy anh Tẵng xụi lơ".

Tòa nhận định chỉ vì ranh đất mà hai bên hành xử không đúng dẫn đến án mạng xảy ra. Hành vi của bị cáo nguy hiểm nên phải cách ly ra khỏi cộng đồng trong một thời gian dài, nhưng do phía bị hại cũng có một phần lỗi nên tuyên phạt bị cáo Tẵng 12 năm tù về tội "giết người".

Đồng thời bị cáo phải bồi thường 197 triệu đồng cho gia đình bị hại và phải cấp dưỡng 650.000 đồng/tháng cho con trai của bị hại đến khi tròn 18 tuổi...

Nỗi đau còn lại

Hậu quả của vụ án tranh chấp đất không chỉ dừng lại ở cái chết và mức án tù, mà hệ lụy còn chụp xuống những người thân của họ. Khi tôi đến, bà Võ Thị Hương - vợ bị cáo - đang nằm trên võng. 

Nhắc đến án mạng từ tranh chấp đất, bà Hương thở dài: "Vợ chồng tôi thuê ruộng của mẹ chồng để mần lúa. Hoàn cảnh cũng hơi khó khăn nên ba đứa con đều đi làm công nhân ở xa. Mấy năm gần đây, tôi thường hay bệnh nên một mình ông Tẵng lo hết. Từ ngày ổng bị bắt, con trai út quay về lo chuyện ruộng đồng phụ tiếp mẹ".

Bà Hương kể bà phải chạy vạy để có 15 triệu đồng tạm bồi thường cho gia đình bị hại và cũng là để bù đắp phần nào phần lỗi do chồng mình gây ra. Tuy nhiên, số tiền đó quá mỏng so với khoản tiền bồi thường và trợ cấp hằng tháng cho con bị hại, khiến bà cứ lo canh cánh trong lòng. 

Bà nói: "Ruộng đất do mẹ chồng đứng tên, mẹ chồng mất rồi, đất đai cụ chưa chia ai. Hiện giờ thấy hoàn cảnh tôi khổ quá nên mấy anh chồng để tôi canh tác tạm, chứ không biết về sau ý họ ra sao. 

Phía bển đòi bồi thường và tòa tuyên buộc phải bồi thường hơn 197 triệu đồng chi phí mai táng, tổn thất tinh thần; rồi hằng tháng cấp dưỡng 650.000 đồng đến ngày con bị hại đủ 18 tuổi. Tiền đâu tôi lo nổi...".

Gia đình bị hại cũng rơi xuống hố sâu bi đát. Trong căn nhà nhỏ nằm hút sâu trong hẻm, chị Lê Thị Đào, vợ anh Võ Hồng Cúc, đang nằm trên võng ru con trai 4 tuổi ngủ. 

Chị Đào nhớ lại do ở quê không kiếm được việc làm nên vợ chồng dắt díu nhau lên Sài Gòn làm công nhân. Họ mướn phòng trọ, gửi con cho người cùng nhà trọ giữ. Cuộc sống bấp bênh giữa đôi bờ thiếu đủ, nhưng ấm màu hạnh phúc bởi cả gia đình quây quần bên nhau. 

Rồi lần đó cha chồng mất, chồng chị về quê cùng anh em làm mồ mả cho cha, được hơn mười ngày thì xảy ra chuyện...

Sau cái ngày tang thương đó, chị lại bị tai nạn giao thông khiến chân bị chấn thương nên không thể làm công nhân may được nữa, phải chuyển sang bán vé số nhưng không đi bán được xa, tiền lời kiếm được rất ít, không đủ trả tiền nhà trọ. 

Một người bà con ở Cần Thơ thấy vậy thương tình kêu về cho ở đậu. Sau đó, chị xin vào ngồi làm thuê cho doanh nghiệp làm tàu hũ ky. Tuy nhiên, việc làm ngày có ngày không nên tiền công kiếm được cũng rất ít. 

Đứa con 4 tuổi do ăn uống thiếu thốn nên bị suy dinh dưỡng và mặc dù đến tuổi học mẫu giáo nhưng do không tiền, chị đành phải để con ở nhà. Mỗi lần nhớ chồng, chị lấy di ảnh ra xem, nước mắt cứ tuôn ra ràn rụa. Rồi nghĩ đến viễn cảnh tương lai xám xịt phía trước khiến chị càng cảm thấy bất an, lo sợ…

Đừng vì tranh chấp rồi gây ra án mạng

Chị Đào nói trong tiếng nấc nghẹn gấp khúc đứt quãng: "Hồi lúc ảnh chết, mẹ con tôi không biết đi về đâu...

Tôi đi bán vé số mà như khùng như điên, không nhớ người ta có đưa tiền hay không... Nhiều lúc muốn đi theo ảnh luôn quá, nhưng rồi sợ tôi chết đi rồi không ai lo cho thằng nhỏ.

Mong ai đừng vì tranh chấp đất đai mà đánh nhau rồi gây ra án mạng như vầy nữa...".

MINH TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên