Tình trạng của cam sành lần này không khác những lần "giải cứu" mít Thái hay khoai lang tím cũng ở địa phương này trước đây. Người nông dân dù trồng loại cây ăn trái nào cũng đều đứng trước nguy cơ của cái vòng luẩn quẩn được mùa mất giá, vừa trồng lại chặt?
Mọi khuyến cáo không phải là giải pháp căn cơ. Khi chưa thể có quy hoạch vùng trồng, thị trường đầu ra của các loại cây ăn quả vẫn là một sự bấp bênh thì rất khó để người dân nghe theo sự khuyến cáo.
Lại có ý kiến cho rằng người nông dân trong thời đại hôm nay phải chủ động, làm nông công nghệ 4.0, bán hàng qua điện thoại thông minh... Quan điểm này mới nghe qua thấy hay nhưng nghĩ kỹ lại thì không thuyết phục, đi ngược lại tinh thần liên kết giữa "bốn nhà": Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà kinh tế (doanh nghiệp).
Xã hội hiện đại, sự phân công lao động cần phải được "chuyên môn hóa". Việc chính của người nông dân là sản xuất, buôn bán là chuyện của thương nhân (các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế về nông nghiệp...). Còn vai trò của Nhà nước là xây dựng và hoàn thiện chính sách cũng như cơ chế giám sát nhằm tạo điều kiện cho nông dân và thương nhân hợp tác với nhau trên tinh thần cùng có lợi.
Giải bài toán nông sản, từng tỉnh, từng vùng nên có nơi liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp để thành "hạt nhân" liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản (như cách TP Cần Thơ đang làm).
Đây là căn cơ vấn đề đầu ra nông sản. Có vậy mới mong nhà nông khấm khá ổn định hơn.
NGUYỄN TRỌNG BÌNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận