13/08/2019 11:40 GMT+7

'Giải bi' cho chuyện nàng Tô Thị

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Với Ngàn năm mây trắng, lần đầu tiên, một vở kịch có sự kết hợp nhuần nhuyễn cả cải lương, chèo, hát xẩm, ca Huế…

Giải bi cho chuyện nàng Tô Thị - Ảnh 1.

Tô Thị (bìa trái) trên đường đi tìm chồng trong vở Ngàn năm mây trắng - Ảnh: THIÊN ĐIỂU

Tối 11-8, tại Nhà hát Chèo Việt Nam (Hà Nội) diễn ra buổi tổng duyệt vở kịch hát Ngàn năm mây trắng của tác giả - PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ.

Ngàn năm mây trắng lấy cảm hứng từ câu chuyện dân gian về nàng Tô Thị nhưng lại được kể theo một cách hoàn toàn khác. Ở đó, Tô Thị và chồng là một mối duyên đẹp của trai tài gái sắc nhưng hạnh phúc sớm chia lìa vì nạn binh đao nơi biên ải.

Dù được chính người em kết nghĩa của chồng, cùng đi đánh giặc với chồng thông báo là chồng đã hi sinh nơi trận tiền, Tô Thị nhất quyết không tin. Nàng xin Trương Lỗ đưa nàng đi qua núi thẳm rừng sâu để tìm chồng với lời hứa khi nào biết chắc chồng mình đã mất, nàng sẽ kết hôn với Trương Lỗ theo lời chồng dặn dò khi xưa.

Trong hành trình đó, họ ghé đến một ngôi đền linh thiêng, tiếng ca Huế của một cô đồng vang lên, kể câu chuyện về một Trần Khôi bị người anh em kết nghĩa của mình hãm hại nơi chiến trận…

Theo tác giả Nguyễn Thế Kỷ, câu chuyện dân gian về nàng Tô Thị mà nhiều người được nghe là một câu chuyện quá xót xa: hai anh em vì lưu lạc, không nhận ra nhau lại lấy nhau ở một nơi xa xứ. Vì vậy ông muốn mang đến một câu chuyện bớt đau đớn hơn về nàng Tô Thị.

Ngàn năm mây trắng đánh dấu lần đầu tiên một vở kịch hát kết hợp nhiều loại hình âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của Việt Nam: cải lương, chèo, hát xẩm và ca Huế; thậm chí còn có cả chất tuồng trong diễn xuất và hóa trang của nhân vật cai ngục.

Sự kết hợp mới mẻ nhưng khá nhuần nhuyễn giữa các loại hình sân khấu trong cùng một vở kịch hát có lẽ là điểm cộng lớn nhất cho những tìm tòi sáng tạo của vở diễn.

"Chúng tôi đã cố gắng để mỗi không gian của mỗi loại hình được bảo toàn, hòa nhập nhưng không hòa tan", đạo diễn - NSƯT Triệu Trung Kiên chia sẻ.

Dù có điểm cộng đó và các diễn viên đều ca tốt, diễn tròn vai, song vở chưa đủ xúc động để đẩy cảm xúc khán giả. Thiết kế sân khấu của vở đơn giản đến sơ sài, dùng màn hình led làm phông nền để chuyển cảnh giúp vở liền mạch nhưng cảnh trí vì vậy lại khá vô hồn.

Một điểm trừ khác là vở kịch không thống nhất thời điểm của câu chuyện, vở có Hoàng đế của thời phong kiến, nhưng trong bài hát xẩm lại có câu tiễn chồng ở… bến tàu - thứ chỉ xuất hiện ở thời Pháp đô hộ nước ta.

Ngoài ra, trong khi tất cả các nhân vật đều được tạo hình với phục trang, đầu tóc của người Việt thời phong kiến thì các nhân vật nữ trong đoàn hát chèo lại kết tóc bím như thiếu nữ của thời hiện đại. Đạo diễn Triệu Trung Kiên cũng thừa nhận thiếu sót này và nói sẽ khắc phục trong lần diễn tới.

Vở kịch hát Ngàn năm mây trắng được Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam phối hợp thực hiện, hai NSƯT Triệu Trung Kiên và Thanh Ngoan làm đạo diễn; 60 nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát Cải lương Việt Nam, Nhà hát Chèo Việt Nam cùng một số nghệ sĩ, diễn viên và Dàn nhạc dân tộc Nhà hát VOV cùng tham gia.

Sau khi tham gia Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 tại Hà Nội vào tháng 10 tới, vở sẽ phục vụ công chúng ở Nhà hát VOV, Nhà hát lớn Hà Nội, trên các kênh sóng phát thanh, truyền hình của VOV và một số đài phát thanh, truyền hình.

Nàng Kiều lại lên sàn kịch và lần đầu vào rối cạn Nàng Kiều lại lên sàn kịch và lần đầu vào rối cạn

TTO - Tháng 10 tới, không hẹn mà nàng Kiều của đại thi hào Nguyễn Du sẽ trình diện khán giả TP.HCM và Hà Nội một phong cách mới mẻ trong ba dự án sân khấu.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên