29/04/2019 12:27 GMT+7

Giải bài toán giảng viên đại học, góc nhìn từ Singapore

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - Có thể nói hiện nay giáo dục đại học của Singapore đã bỏ Việt Nam quá xa. Phải chăng, cách mà nước bạn đang làm không thể thực hiện được trong hoàn cảnh nước ta?

Giải bài toán giảng viên đại học, góc nhìn từ Singapore - Ảnh 1.

GS Bernard Tan Cheng Yian chia sẻ kinh nghiệm đảm bảo chất lượng giáo dục đại học với giảng viên Đại học quốc gia TP.HCM - Ảnh: TRẦN HUỲNH

Trong cuộc trao đổi mới đây với cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM, GS Bernard Tan Cheng Yian - phó giám đốc đào tạo ĐH Quốc gia Singapore - đặc biệt nhấn mạnh vai trò của đội ngũ giảng viên trong việc quyết định chất lượng của giáo dục đại học.

Theo GS Bernard, đầu tư cho con người được ĐH Quốc gia Singapore xác định là yếu tố quan trọng hàng đầu với việc đưa ra những chính sách cụ thể để chăm lo tốt nhất cho giảng viên. 

ĐH này từ lâu đã có phương pháp đánh giá, chính sách khen thưởng, thăng tiến nghề nghiệp cho giảng viên rất hấp dẫn. Nhà trường có những trung tâm hỗ trợ giảng viên thực hành, phương pháp sư phạm, đồng thời cũng có chính sách để loại bỏ những giảng viên không đạt yêu cầu.

Trong khi nhìn lại giáo dục đại học Việt Nam, nhiều cán bộ quản lý các trường đại học cho rằng dù biết nhưng để thực hiện được điều này rất khó do vướng cơ chế. Việc tuyển dụng giảng viên trước đây, hầu hết các trường chọn nguồn từ sinh viên có kết quả học tập tốt được giữ lại trường, nên có giai đoạn không ít giảng viên đại học chỉ có trình độ... đại học.

Vài năm gần đây, nhiều trường thông báo tuyển dụng giảng viên, trong đó không ít trường chỉ cần ứng viên có bằng tiến sĩ là đương nhiên được tuyển dụng, bất kể người đó có kỹ năng sư phạm ra sao. 

Có lẽ, với cách tuyển dụng như vậy nên kết quả kiểm định chất lượng giáo dục đại học công bố năm 2018 về tiêu chí giảng viên đảm bảo trình độ chuẩn theo quy định thì có đến hơn 43% chưa đạt yêu cầu. 

Về vấn đề này, tại nhiều hội thảo, các nhà quản lý giáo dục thừa nhận chất lượng giảng viên đại học cho đến nay vẫn là một mối băn khoăn lớn khi nhiều cán bộ giảng viên không tham gia nghiên cứu khoa học, chưa có bài báo đăng trên tạp chí khoa học trong nước và nước ngoài, trình độ ngoại ngữ còn hạn chế.

Ngoài ra, phương pháp đánh giá, các chính sách khen thưởng, thăng tiến nghề nghiệp cho giảng viên hiện nay ở các trường kém hấp dẫn, thậm chí rất ít được quan tâm. Do vậy, giảng viên chỉ lo "chạy show" lên lớp để đảm bảo thu nhập, ít quan tâm đến chuyện nghiên cứu khoa học.

Việc lấy ý kiến phản hồi từ người học về hoạt động giảng dạy của giảng viên được các trường thực hiện nhiều năm nay theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, nhưng đến nay không ít trường xem đây là thủ tục, không phải là tiêu chí để đánh giá giảng viên, nên nếu bị đánh giá kém, giảng viên vẫn không bị gì cả.

Hiệu trưởng một trường đại học cho biết: "Lẽ ra, từ kết quả khảo sát này, nếu giảng viên bị đánh giá kém quá nhiều sẽ bị cắt danh hiệu thi đua và cho một học kỳ để khắc phục. Sau đó nếu vẫn còn yếu, nhà trường sẽ phải cắt hợp đồng. 

Luật cán bộ công chức, Luật viên chức đều quy định nếu công chức, viên chức 2 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ mới bị đưa ra khỏi biên chế, nên muốn xử lý sa thải giảng viên kém không đơn giản".

Có thể nói hiện nay giáo dục đại học của Singapore đã bỏ Việt Nam quá xa. Phải chăng, cách mà nước bạn đang làm không thể thực hiện được trong hoàn cảnh nước ta? Cơ chế, chính sách suy cho cùng cũng do chính chúng ta đặt ra. 

Để phát triển và hội nhập, giáo dục đại học Việt Nam không còn sự lựa chọn nào khác là phải thực hiện đẩy mạnh tự chủ theo lộ trình và điều kiện của đất nước, nhưng về cơ bản phải theo quy luật phát triển giáo dục đại học thế giới. 

Việc đầu tư, chăm lo cho đội ngũ giảng viên bằng những chính sách tốt ở các trường đại học cần thiết thúc đẩy nhanh hơn bao giờ hết. Đồng thời, phải mạnh dạn có quy định rõ ràng trong việc loại bỏ những giảng viên không đạt chuẩn, năng lực kém.

Trên thực tế cũng có vài trường "siết" giảng viên, yêu cầu giảng viên phải luôn đổi mới phương pháp giảng dạy. Tuy nhiên, việc hỗ trợ giảng viên thực hành, bồi dưỡng phương pháp sư phạm phần lớn do giảng viên "tự bơi". Ngoại trừ các trường sư phạm, hiện nay hầu như không có trường đại học nào có trung tâm hỗ trợ, bồi dưỡng giảng viên.
Nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học: Cần nhất là cơ chế hợp tác Nhóm nghiên cứu mạnh ở trường đại học: Cần nhất là cơ chế hợp tác

TTO - Muốn hình thành nhóm nghiên cứu mạnh phải kết hợp nhân lực rất nhiều nơi, đồng thời có cơ chế để giảng viên của một trường đại học dễ dàng tham gia nhóm nghiên cứu của trường khác...

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên