Phóng to |
Di tích bến đò Tùng Luật - Ảnh: L.Đ.D. |
Con sông Bến Hải sau bao nhiêu đoạn trường lịch sử từ nguồn xuôi về bể trước khi hòa vào biển Đông đã ôm lấy một vùng đất bazan bờ bắc mỡ màu cây trái, còn bên phía nam là Cát Sơn trắng phau bãi cát với rừng dương. Làng Tùng Luật nằm bên bờ bắc, tên làng Tùng cũng là tên cửa bể của dòng sông: cửa Tùng.
Từ tượng đài lịch sử...
Trước năm 1945, biển cửa Tùng được tôn vinh là “Nữ hoàng của các bãi biển” xuất phát từ bài viết “Cửa Tùng - La Reine des plages” đăng trên tập san Bulletin des Amis du Vieus Huế (BAVH - tập san của những người bạn của Huế - mọi người thường dịch là Đô Thành Hiếu Cổ, một tập san nổi tiếng với những nghiên cứu khảo cứu hồi đầu thế kỷ 20). Cùng với Tùng Luật, làng Di Loan cạnh đấy là một họ đạo với nhà thờ đẹp nức tiếng. Khác với các vùng biển khác, xứ cửa Tùng là một vùng đồi bazan ăn lan ra gần bờ biển. Từ độ cao mái đồi, như một nhát cắt, đất đột ngột hạ thấp xuống và bãi cát trắng mịn màng như một dải lụa gạch nối giữa màu đỏ của đất và màu xanh của biển. Làng quê trù phú ấy không ngờ lại là điểm hủy diệt của bom đạn khi chiến tranh lan rộng ra miền Bắc.
Nhiều người biết đến địa đạo - làng hầm Vịnh Mốc nằm ở xã Vĩnh Thạch cạnh cửa Tùng vốn rất nổi tiếng như một biểu tượng kiên cường của người dân Vĩnh Linh bám trụ chiến đấu. Nhưng ít ai biết ngày ấy cả Vĩnh Linh có hơn 100 địa đạo lớn nhỏ, làng nào cũng có địa đạo. Và dưới những bậc đồi bazan ăn lan ra mép biển cửa Tùng, người dân nơi đây cũng đào những địa đạo để tránh bom đạn.
Làng Tùng Luật được thành lập một bến thuyền mang mật danh “bến đò B”, đêm đêm từ đây chuyên chở bộ đội qua bờ nam, chuyển thương binh, tử sĩ từ bờ nam ra phía Bắc, chở vũ khí đạn dược chi viện cho chiến trường. Những năm 1966-1972 chiến trường Trị Thiên ác liệt bao nhiêu thì nhịp độ bến đò này khẩn trương bấy nhiêu. Ban ngày thuyền được dìm xuống đáy sông che mắt địch, đêm đêm được kéo lên nối nhịp hai bờ. Là nơi giáp ranh phía cửa sông, bên này bên kia không khó để phát hiện, vậy là bến đò B trở thành mục tiêu hủy diệt với những đợt ném bom rải thảm, bom tọa độ...
Những ngôi làng xinh đẹp và bình yên bên chân sóng cửa Tùng tan nát, nhà thờ Di Loan - ngôi nhà thờ cổ ở vào vị trí đẹp bậc nhất Quảng Trị - bị bom đánh sập. Những vườn hồ tiêu mỡ màng bị thiêu trụi, người dân Vĩnh Giang, Vĩnh Quang lại rút xuống địa đạo để tiếp tục cuộc chiến. Một trận bom ngày 20-6-1967 đã làm sập địa đạo Tân Lý, chôn vùi trong lòng địa đạo 62 người dân cửa Tùng. Chỉ riêng gia đình ông Hoàng Kế có 26 người thì chỉ có ba người sống sót, 23 người nằm lại dưới nấm mộ tập thể ấy. Đau thương đến thế nhưng đêm đêm bến đò B vẫn nối thông mạch máu hai miền, bộ đội vẫn qua sông, vũ khí vẫn ra chiến trường qua ngả này. Bốn mươi năm sau ngày hòa bình, khi tôi về lại những mảnh làng nơi đây thật khó nhận ra dấu tích chiến tranh khốc liệt ngày ấy. Bên bến đò B ngày xưa, nay một tượng đài được dựng lên vút cao bên bờ sóng, mang dáng của những con đò qua sông năm nào dưới mưa bom bão đạn, nhắc với hậu sinh về quá khứ bi tráng. Bến đò cũng đã thành di tích lịch sử.
... Đến “công viên danh vọng”
Từ tượng đài kỷ niệm bến đò B, tôi đi ngược vào làng Tùng Luật, ngẩn ngơ trước hai hàng dừa tỏa bóng trên con đường bêtông viền quanh mép sông. Dưới những rặng dừa là những chiếc ghế đá đặt ngay ngắn, dọc dài theo đường làng đẹp như một công viên. Gió từ biển luồn qua cây cầu Cửa Tùng đang soãi nhịp, ùa qua thảm cỏ bờ sông rồi len lỏi vào từng ngõ xóm, từng mái ngói son tươi ẩn dưới những tháp hồ tiêu xanh mướt mát.
Trên chiếc ghế đá ngay trước cổng nhà văn hóa thôn Tùng Luật, hai vợ chồng ông Nguyễn Xuân Thái và bà
Lê Thị Bán đang ngồi hóng mát, trò chuyện với những đứa cháu. Nghe tôi hỏi về “sự tích” của những chiếc
ghế đá bên “công viên tự phát” này, ông bảo: “Con dân làng này đóng góp cả đấy chú ơi”. Vừa dịch ra để cho tôi đọc được dòng chữ khắc trên lưng ghế đá “Ông bà Nguyễn Xuân Giang - Bùi Ánh Tuyết và con cái kính tặng”, ông Thái nói với tôi: Cụm ghế đá mấy chiếc này là của gia đình ông Giang ở Hà Nội tặng. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Giang là phó viện trưởng Viện Quân y 105, các
con của ông cũng là tiến sĩ, thạc sĩ đang công tác ở Hà Nội. Dọc con đường ven sông của làng Tùng có đến gần 100 chiếc ghế đá như thế, tên tuổi khắc trên ghế đá cũng là một dạng “bảng vàng” của làng, như chiếc ghế khắc tên gia đình tiến sĩ Lê Vạn Hạnh, gia đình Lê Kiều Vinh, Lê Kiều Hoa...
Cái công viên ở làng Tùng Luật này cũng xứng đáng được gọi là “công viên danh vọng” của... làng! Và những con dân của làng ai cũng muốn được góp phần mình vào nơi chốn văn hóa của xứ sở mình.
Thật lòng, cứ đi miên man qua những con đường làng Tùng Luật, không thể hình dung những gì đã diễn ra nơi đây suốt bao nhiêu năm chiến tranh bom đạn. Hay có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều tan hoang đổ nát của thời đạn bom chia cắt mà người làng Tùng đã khát khao gấp bội, nỗ lực gấp bội để tạo dựng cơ ngơi mới cho mảnh làng mình “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Và làng Tùng Luật hôm nay không chỉ nổi tiếng với phong thủy hữu tình, miền đất này còn được mệnh danh là “làng nghệ sĩ” từ nhiều thế hệ. Từ gánh hát “Bộ Uyển” đầu thế kỷ 20 do cụ Nguyễn Hữu Như Bá lập ra với dàn diễn viên toàn là con cháu trong làng, truyền nối qua gần thế kỷ, Tùng Luật đã góp cho nền nghệ thuật đất nước hai nghệ sĩ nhân dân: Châu Loan, Lệ Thi cùng hàng chục nghệ sĩ khác như Trần Duyến (nhạc công dàn nhạc Đài Tiếng nói VN), Ái Chủng, Lê Não, Võ Cháu, Bùi Mè (thân sinh các nghệ sĩ Châu Loan, Châu Phụng).
Vẻ đẹp của Tùng Luật hôm nay, ngôi làng bên bến đò B ẩn chứa trong nó nhiều khát vọng, không chỉ của ngôi làng nhỏ này mà chất chứa ước mơ đời người của bất cứ ai: một cuộc sống bình yên trong ngôi làng tươi đẹp và ngập tràn tiếng hát lời ca. Đất nước đi qua dòng sông dâu bể cắt chia này với bao nhiêu máu xương đổ xuống cũng khát khao một giấc mơ đời dân như thế!
Phóng to |
Nghệ sĩ Châu Loan - Ảnh tư liệu gia đình |
Những ai từng nghe Đài Tiếng nói VN những năm đất nước còn chia cắt đôi bờ vĩ tuyến hẳn khó quên giọng ngâm thơ của nghệ sĩ Châu Loan, một người con của đất Vĩnh Giang (Vĩnh Linh) bên bờ sóng cửa Tùng. Năm 1984, Châu Loan là một trong số những người đầu tiên được truy phong nghệ sĩ nhân dân. Bà tên thật là Bùi Thị Loan, nghệ danh Châu Loan.
Còn em gái ruột của bà, Bùi Thị Diệp, có nghệ danh Châu Phụng cũng là một giọng ngâm thơ tuyệt đỉnh của đài phát thanh... Sài Gòn thuở ấy. Số là bà Diệp những năm 1954-1956 chưa “đóng tuyến” vẫn đi đi về về buôn bán hàng hóa từ Huế, Quảng Trị ra cửa Tùng, Vĩnh Linh. Cuối năm 1956, khi chuyện qua lại hai bờ bị ngăn cấm, bà Diệp bị kẹt lại bờ nam. Vốn thừa hưởng một giọng ca con nhà nòi, bà Diệp được nhận vào đài phát thanh Sài Gòn với nghệ danh: Châu Phụng.
Hai chị em ruột, khi bên bờ bắc giọng ngâm thơ da diết của người chị Châu Loan vang lên trên đài Hà Nội, thì phía bờ nam người ta cũng có thể nghe giọng ngâm của người em thổn thức trên sóng đài phát thanh Sài Gòn.
Nhiều năm sau, mùa xuân 1975, người em ruột Bùi Văn Thưởng vào Đà Nẵng tìm người chị đã xa cách hơn 20 năm. Nhìn người đàn ông mặc đồ bộ đội tìm mình, bà Châu Phụng thoạt lo lắng, để rồi khi nhận ra, chị em cùng ôm nhau khóc.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: “Nhắn ai xin giữ câu nguyền...” Kỳ 2: Tấm bia tưởng niệm ở Vĩnh Hiền Kỳ 3: 4 anh em lưu lạc trên đất Bắc Kỳ 4: Dòng sông không đủ hai bờ Kỳ 5: Chuyến đi độc nhất vô nhị Kỳ 6: Người lính gác cầu Kỳ 7: Những chiếc cầu trên sông Bến Hải
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận