08/09/2003 09:31 GMT+7

"Giặc" châu chấu tràn đồng

VŨ TOÁN
VŨ TOÁN

TT(Nghệ An) - Không biết từ đâu châu chấu đầu bằng, đầu nhọn, màu nâu, màu đỏ bỗng ào ào tràn về cánh đồng xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Rồi từ Nam Lộc, loài côn trùng di cư độc địa này đã tràn ra cả 32 xã của Nam Đàn. Những cánh đồng lúa, đồng ngô chúng băng qua thoáng chốc chỉ còn lại sự xơ xác, rụi tàn...

RvcLQCIE.jpgPhóng to
Hai "kiện tướng" Phú và Quý bắt được 70kg châu chấu trong hai ngày
TT(Nghệ An) - Không biết từ đâu châu chấu đầu bằng, đầu nhọn, màu nâu, màu đỏ bỗng ào ào tràn về cánh đồng xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Rồi từ Nam Lộc, loài côn trùng di cư độc địa này đã tràn ra cả 32 xã của Nam Đàn. Những cánh đồng lúa, đồng ngô chúng băng qua thoáng chốc chỉ còn lại sự xơ xác, rụi tàn...

Đỏ đường châu chấu

Trên khắp mọi ngả đường của 420ha đồng xã Nam Lộc đang đặc kín châu chấu to có nhỏ có. Có lớp châu chấu con đang bò xen lẫn giữa lớp khác nhỉnh hơn tí chút nhảy lách tách như tôm búng loạn xị trên cạn. Có lớp châu chấu lớn bằng ngón tay út, thậm chí có đàn con nào cũng to như ngón tay cái bay ràn rạt như ong vỡ tổ trắng đồng, trắng bãi, trắng trời.

Tôi thật sự kinh ngạc bởi những con đường giữa đồng trở thành con đường của châu chấu. Chúng lũ lượt kéo nhau di chuyển. Rất lạ là nơi nào ruộng đồng trống trơn thì chúng bỏ qua và ngẩng đầu tiến về đúng hướng có nương ngô, ruộng lúa, bờ cỏ.

Bắt đầu từ ngày 18-8 lũ trẻ chăn trâu thấy châu chấu bay về từng bầy, càng lúc càng nhiều. Lũ trẻ đâm chạy tán loạn, cấp báo cho người lớn. Tức thì lãnh đạo xã xuống đồng kiểm tra rồi khẩn trương điện báo lên huyện.

Phóng viên truyền hình huyện tức tốc phóng xe về Nam Lộc. Nhưng khi chuẩn bị vào giữa cánh đồng bỗng hốt hoảng vì châu chấu hiện lên đỏ cả mặt đường, bờ ruộng, bám đầy ống quần như muốn ngăn cản cả lối đi của con người.

Ông Nguyễn Cảnh Lộc - chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Lộc - cho biết: “Toàn xã chúng tôi có cả thảy 429ha đất nông nghiệp thì “giặc” châu chấu phong tỏa hết, nặng nhất là 380ha vùng giữa với mật độ trung bình 300-500 con/m2, có nơi đến 1.000 con/m2. Lúc đầu châu chấu xâm nhập bãi ngô ven sông Lam, tưởng thế là thôi, ai ngờ khi ăn trụi hàng ngàn cây ngô, chúng rộ lên kéo từng đàn bay vào xén đứt từng chẽn lúa trong đồng. Châu chấu sinh trưởng rất nhanh. Sau ngày thứ nhất bé như con loăng quăng, ngày thứ hai biết nhảy, ngày thứ ba nhảy được 30cm, ngày thứ tư nhảy qua 1m và ngày thứ năm thì đủ cánh bay. Những con biết bay này lại giao phối với nhau sinh ra lớp châu chấu mới nên bây giờ cả cánh đồng đen nghịt châu chấu”.

2fDLyR4G.jpgPhóng to
Tôi rùng mình khi nhìn thấy những đàn châu chấu ăn cháy những đám cỏ, thậm chí những đám cỏ đã cháy rồi cũng bị chúng ăn tiếp, để lại vô vàn hạt phân đen sì trên đất. Có đàn bám cong từng bông lúa đang chín. Có con ngứa chân cứ đá tanh tách vào gié lúa tạo nên một âm thanh hỗn tạp trên cánh đồng.

Chị Nguyễn Thị Nông, xã viên đội 3, do neo lao động đã thuê bốn người ra ruộng vừa đuổi vừa bắt châu chấu, nhưng đàn này vừa bay đi thì ngay tức khắc đàn khác từ bốn phía sà xuống đậu. Đuổi không xuể “giặc”, chị Nông chỉ biết đứng khóc giữa ruộng lúa tả tơi.

Không riêng chị Nông, rất nhiều bà con nông dân Nam Lộc đành gạt nước mắt trên ruộng lúa đang chín sắp thu hoạch của mình bỗng chốc đổ rụng xuống dưới chân bầy châu chấu quái đản. Trước tình thế đó, lãnh đạo xã Nam Lộc chỉ đạo bà con nông dân tập trung dồn sức gặt chạy lúa. Những ruộng lúa mới chín non (độ 50%) cũng được lệnh gặt ngay.

Sau vụ gặt vội, ruộng trống trơn nhưng cả vùng bãi mênh mông từ xã Nam Tân kéo dài đến chân Rú Trét dài 4km, rộng 2km châu chấu vẫn hoành hành.

Kỹ sư Phạm Văn Nhã - chuyên viên côn trùng di cư thuộc Viện Bảo vệ thực vật - cho biết: “Chúng tôi vừa đi dập dịch ở hai xã Hùng Cường và Phú Cường, huyện Kim Động (Hưng Yên) về, nghe tin đại dịch châu chấu ở Nam Lộc thì vào ngay. Đây là châu chấu “ma” đầu bằng (Patanga succincta Johansson) và châu chấu ngô đầu nhọn (Hieroglyphus spp). Chúng có khả năng phát hại nhanh chóng ở một vùng rộng lớn. Hai loại châu chấu này đứng đầu trong các loài côn trùng di cư. Khả năng di cư của chúng rất lớn, ở một số nước châu Phi chúng còn di cư qua cả eo biển”.

Ở Nam Đàn, chỉ sau hơn mười ngày mà cả 32 xã của huyện đã bị châu chấu di cư xâm hại với diện tích trên 1.000ha.

Toàn huyện ra quân diệt “giặc”

Sau năm ngày dịch châu chấu phong tỏa, xã Nam Lộc họp dân bàn cách dập dịch. Tình hình bức xúc đến mức bí thư đảng ủy xã nói với dân “coi việc dập dịch châu chấu là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của xã”.

Đợt đầu ra quân có 500 người dàn hàng ngang vừa dùng vợt bắt vừa dùng máy bơm thuốc Bassa xịt tứ tung. Ròng rã hai ngày trời nhưng tình hình vẫn như cũ. Xã tiếp tục huy động những hộ có lao động nhàn rỗi ra đồng bắt châu chấu với qui định 1.000 đồng/kg, rồi 1.500 đồng/kg. Đã có nhiều người bắt được 10kg châu chấu/ngày.

Tôi gặp bộ ba anh em Phong, Sĩ và Trang ở xóm 10 từng được bà con nông dân xã Nam Lộc phong “kiện tướng diệt châu chấu” với kỷ lục hai ngày bắt được gần 90kg châu chấu.

Nguyễn Anh Phong, 14 tuổi, nêu kinh nghiệm: “Buổi sáng mặt trời lên, châu chấu ào ào di chuyển vùng này qua vùng khác. Khoảng sụp tối châu chấu bắt đầu tìm nơi ngủ. Cho nên buổi tối xuống đồng dùng vợt chao vào các lùm cây dại, bờ cỏ, gốc rạ, cây ngô thì sẽ tha hồ mà bắt”.

Được biết, những ngày gần đây Nam Lộc đã xuất hiện khá nhiều “kiện tướng” như anh em Phong. Nhưng dù có bao nhiêu kiện tướng đi nữa, lãnh đạo xã cũng phải thú thật “xã đang mất khả năng dập dịch, vì sau 15 ngày đã bắt được hơn 2 tấn châu chấu nhưng ngay sau đó lại xuất hiện thêm nhiều loại châu chấu ngựa, châu chấu cục bay trắng đồng, trắng bãi. Thậm chí châu chấu không chỉ tràn trên ruộng đồng mà sẽ tràn vào xóm làng nữa”.

Cũng theo ông Lộc, chủ nhiệm Hợp tác xã Nam Lộc, nếu dập dịch càng chậm thì mật độ châu chấu càng lớn, vì cứ sau năm ngày số châu chấu này sẽ cho ra đời một mẻ châu chấu mới theo cấp số nhân thì tình hình rất khó lường.

VŨ TOÁN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên