30/09/2021 08:27 GMT+7

Giá xét nghiệm 'nhảy múa': Yêu cầu chấn chỉnh cơ sở thu phí cao

L.ANH
L.ANH

TTO - Trong 2 ngày 28 và 29-9, Bộ Y tế đã có 2 thông báo với báo giới và gửi 2 văn bản cho các sở y tế tỉnh thành, đơn vị trực thuộc, yêu cầu thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh.

Giá xét nghiệm nhảy múa: Yêu cầu chấn chỉnh cơ sở thu phí cao - Ảnh 1.

Xếp hàng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Theo văn bản do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ký, Bộ Y tế nhận thấy một số cơ sở y tế chưa thực hiện đúng quy định về giá xét nghiệm COVID-19, thu phí xét nghiệm quá cao, gây bức xúc cho người dân.

Không để lợi dụng dịch bệnh tăng giá

"Trường hợp thực hiện xét nghiệm mẫu gộp phải áp dụng mức giá gộp mẫu, không được áp mức giá xét nghiệm theo mẫu đơn để thu của người bệnh" - Bộ Y tế yêu cầu.

Bộ Y tế cũng cho biết sẽ xây dựng thông tư hướng dẫn giá lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm "cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay". 

Đồng thời yêu cầu các cơ sở y tế lựa chọn phương pháp xét nghiệm phù hợp, thực hiện gộp mẫu theo hướng dẫn của Bộ Y tế, thanh toán theo phương pháp thực thanh thực chi, trong đó sinh phẩm, vật tư, hóa chất để xét nghiệm tính theo giá trúng thầu của cơ sở y tế.

Với cơ sở xét nghiệm cho nhóm không thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế và ngân sách nhà nước, Bộ Y tế yêu cầu thu theo khung giá của bộ, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu. 

Việc đặt hàng xét nghiệm, đề nghị các địa phương ban hành mức giá. Đồng thời, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, đặc biệt về giá xét nghiệm, mua sắm thiết bị, không để tình trạng lợi dụng dịch bệnh để tăng giá...

"Giá kit xét nghiệm có xu hướng giảm"

Trong 2 thông cáo báo chí phát hành liên tục xung quanh vấn đề kit xét nghiệm nhanh hôm qua 29-9, Bộ Y tế nói 6 điểm. Trong đó cho rằng giá kit xét nghiệm khác nhau tùy thuộc chủng loại, tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ, số lượng mua, thời điểm và diễn biến của dịch bệnh.

Bộ Y tế cũng cho biết đã có hướng dẫn các đơn vị công lập điều chỉnh giá xét nghiệm theo giai đoạn. Trước 1-7-2021 là 238.000 đồng/test nhanh, hiện thực hiện thực thanh thực chi.

"Bộ Y tế đã vận động các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước mua test kit chất lượng cao và bán lại cho các đơn vị trong nước với giá phi lợi nhuận, đã cập nhật 9 lần danh sách nhà cung cấp, tóm tắt hiệu năng sản phẩm, khả năng cung ứng, giá bán do nhà sản xuất - nhà cung ứng tự công bố và tự chịu trách nhiệm", Bộ Y tế nêu.

Bộ Y tế cũng cho biết mới chỉ tiếp nhận vật tư, sinh phẩm y tế, kit xét nghiệm nhanh, test kit PCR qua các nguồn tài trợ, viện trợ, chưa mua. Bộ này yêu cầu thực hiện xét nghiệm khoa học, thiết thực, phù hợp tình hình dịch bệnh, tránh lạm dụng, lãng phí.

"Hiện nay giá kit xét nghiệm đang có xu hướng giảm, bên cạnh nguyên nhân khách quan do tình hình dịch trên thế giới giảm, nhiều doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng, một phần rất lớn từ nguyên nhân chủ quan từ sự điều hành của cơ quan chức năng", Bộ Y tế nêu.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một quan chức có trách nhiệm của Hà Nội cho biết: "Hà Nội nhận được một số lượng đáng kể kit xét nghiệm nhanh do các tổ chức, cá nhân tài trợ". 

Hiện đã có nhiều tỉnh thành, bệnh viện mời thầu hoặc tổ chức đấu thầu riêng lẻ mua kit xét nghiệm nhanh. Mức giá trúng thầu thông thường từ 100.000 - 160.000 đồng/bộ, mỗi gói thầu có giá trị hàng tỉ đồng.

Giá xét nghiệm nhảy múa: Yêu cầu chấn chỉnh cơ sở thu phí cao - Ảnh 2.

Dữ liệu: NGỌC HIỂN

Nghiên cứu giảm tần suất xét nghiệm

Theo dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch COVID-19" do Bộ Y tế đang xây dựng, cho phép các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu/cụm công nghiệp, khu chế xuất được tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động khi có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19, hoặc thực hiện xét nghiệm định kỳ (trừ trường hợp đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh)…

Bà Đỗ Thúy Hương, ủy viên ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam, cho rằng việc sớm ban hành hướng dẫn trên để giảm gánh nặng chi phí xét nghiệm cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Chánh Phương, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, cho biết chi phí xét nghiệm đang là một trong những gánh nặng rất lớn. Một số doanh nghiệp đề nghị nếu doanh nghiệp đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho công nhân, nên xét nghiệm 1-2 lần/tháng thay vì hằng tuần.

NGỌC AN

Thuê dịch vụ 238.000 đồng/mẫu, tự xét nghiệm 350.000 đồng/10 mẫu

Với chi phí xét nghiệm lên tới hàng trăm triệu mỗi tháng, Công ty TNHH ITO Việt Nam - 100% vốn đầu tư Nhật Bản - cho hay đã chuyển sang phương thức tự xét nghiệm ngay sau khi TP.HCM cho phép các doanh nghiệp được chủ động xét nghiệm.

Lý do theo bà Công Tằng Tôn Nữ Thùy Trang, tổng giám đốc Công ty ITO Việt Nam, việc chủ động tự xét nghiệm giúp doanh nghiệp giảm tới 70 - 80% chi phí.

Bà Trang dẫn chứng nếu như trước đây, khi triển khai mô hình "3 tại chỗ" từ giữa tháng 7, công ty phải đều đặn mỗi tuần xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ nhân viên. Liên hệ với cơ quan y tế địa phương, chi phí để xét nghiệm mẫu gộp phải trả là 238.000 đồng/người.

Đến nay khi tự xét nghiệm, doanh nghiệp chủ động mua các bộ test kit COVID-19 tại các doanh nghiệp được Bộ Y tế cấp phép, chi phí cho mỗi bộ chỉ khoảng 350.000 đồng để thực hiện cho 10 người.

NGỌC AN

Vụ giá kit xét nghiệm Vụ giá kit xét nghiệm 'nhảy múa': Bộ Y tế liên tục ra 2 thông cáo khẳng định chưa mua test nhanh

TTO - Từ tối muộn 28-9 đến trưa nay 29-9, Bộ Y tế đã gửi đi 2 thông cáo báo chí, giải thích xung quanh các ý kiến về giá kit xét nghiệm đang được cho là có bất thường. Bộ Y tế khẳng định chưa mua test nhanh, việc đấu thầu do đơn vị, địa phương.

L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên