23/04/2023 09:03 GMT+7

Giá vé máy bay giảm sát giờ G: Nghịch lý 'dở khóc dở cười'

Ngay sát dịp nghỉ lễ 30-4, giá vé máy bay được ghi nhận đã rẻ hơn trước. Các hãng bay lý giải là do cung - cầu thị trường chứ không có găm giá.

Giá vé máy bay giảm sát giờ G: Nghịch lý dở khóc dở cười - Ảnh 1.

Nhiều người đã chọn tour gần vì giá vé máy bay tăng cao trong vài tuần qua. Trong ảnh: tham khảo thông tin du lịch dịp lễ 30-4 tại TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Người đã lỡ mua thì ấm ức vì sự "lo xa" của mình. Các công ty du lịch thì hụt hẫng vì hầu hết đã chốt xong tour.

Thị trường có sự hoài nghi về việc các hãng nhìn nhau điều tiết giá vé dẫn đến cảnh này. Các hãng bay, đại lý bán vé thì nói gì?

Du lịch vạ lây vì nạn găm vé

Ông Bùi Thế Duy, tổng giám đốc Công ty Lửa Việt, cho biết hiện giá vé máy bay đang được nhiều đại lý "xả hàng", thậm chí giá bán lúc này còn thấp hơn cả giá các doanh nghiệp du lịch đặt mua sỉ từ nhiều tháng trước đến 30 - 40%.

Đây là nghịch lý "dở khóc dở cười" khi chỉ cách đây vài tuần, kế hoạch du lịch, về quê của nhiều gia đình phải hủy hoãn vì không chịu nổi giá vé quá cao.

"Có tình trạng một số công ty đang lo lắng giá vé máy bay trên mạng đang rẻ hơn giá họ đã ôm trước đó. Các đại lý này đã ôm một lượng lớn vé khiến vé khan hiếm, bị đẩy lên rất cao. Tuy nhiên, đến gần dịp lễ không thể bán hết vé họ phải giảm giá để đẩy vé ra. Nhưng lúc này khách đã có kế hoạch vui chơi khác, dẫn đến vé tồn", ông Duy giải thích.

Tình trạng cung - cầu vé bị méo mó này kéo theo nhiều hệ lụy máy bay có chỗ nhưng không có khách, nhiều địa phương than ế, vắng khách du lịch. Cả thị trường du lịch tưởng chừng là mùa làm ăn lớn với kỳ nghỉ dài trở nên vắng vẻ đến khó tin. Và thực tế, nhiều ông chủ khách sạn ở Nha Trang, Phú Quốc cho biết công suất phòng đến thời điểm này chưa thể đạt mức 60% dù đây là mùa cao điểm.

Theo ông Duy, bản thân các công ty du lịch dù cam kết không tăng giá và có nguồn giá vé máy bay ổn định nhưng số tour bán ra cũng không như kỳ vọng do tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân, doanh nghiệp.

Giám đốc một công ty du lịch ở TP.HCM cho biết "vẫn dài cổ" chờ khách trong mùa nghỉ lễ năm nay.

Lượng khách còn vắng hơn ngày thường. Có thể sau dịch, tính chất mùa vụ, mùa thấp - cao điểm không còn nhưng vắng như hiện nay là hơi bất thường. Doanh nghiệp này cho rằng sự hồi phục của thị trường du lịch rất mong manh vì thế chỉ cần một tác nhân gây thất vọng, mà ở đây là giá vé máy bay, khiến du lịch bị vạ lây.

Giá vé máy bay giảm sát giờ G: Nghịch lý dở khóc dở cười - Ảnh 2.

Người dân tìm hiểu thông tin giá vé máy bay và dịch vụ nghỉ dưỡng dịp lễ 30-4 - Ảnh: Q.ĐỊNH

Giá vé tăng giảm theo... thuật toán!?

Câu hỏi mà nhiều người đặt ra là các hãng có nhìn nhau tăng giá không, cách vận hành giá vé máy bay được mở bán như thế nào? Theo các hãng bay, giá vé máy bay không phụ thuộc vào sự điều chỉnh hay quyết định của một cá nhân nào mà tăng giảm dựa trên một thuật toán rất phức tạp.

Thuật toán này có khả năng theo dõi từng nhất cử nhất động của người tiêu dùng trong quá trình tìm kiếm, chọn lựa và thanh toán vé máy bay của mình.

Trên một chuyến bay thường có 10 - 12 dải vé. Những loại giá khác nhau sẽ được gọi là "bucket" và được chia từ phân khúc thấp đến phân khúc cao.

Nếu cho hết các ghế ngồi vào phân khúc giá cao sẽ không ai mua (vì tài chính, nhu cầu, tình hình thời tiết điểm đến, dịch bệnh...), vì thế một số ghế ngồi sẽ được phân bổ vào phân khúc giá thấp tại những ghế cuối dãy, ghế ngay cửa thoát hiểm, gần nhà vệ sinh...

Khi hành khách bắt đầu đặt vé ở phân khúc thấp, hệ thống sẽ đóng lại, ghế ngồi liên tục được chọn ngẫu nhiên và chuyển sang phân khúc giá cao hơn. Khi nhu cầu của người tiêu dùng giảm xuống thì hệ thống lại chuyển về ghế ngồi có giá phân khúc thấp. Ngược lại, nếu nhu cầu tăng cao hơn hệ thống lập tức sẽ chuyển sang những phân khúc cao hơn.

Những tính toán này được lặp đi lặp lại theo thuật toán đã định sẵn dựa trên các nghiên cứu về hành vi người dùng, thời điểm và các yếu tố tự nhiên.

Đây là nguyên nhân giá vé máy bay thay đổi liên tục có lúc chỉ trong vài phút, có khi trong ngày. Điều này giúp các hãng hàng không có thể thu được lợi nhuận để duy trì hoạt động. Việc giá vé máy bay thay đổi liên tục trên cùng một chuyến bay sẽ giúp các hãng hàng không lấp đầy chỗ trống trên chuyến bay.

Theo Vietnam Airlines, giá vé tăng giảm là do cung - cầu của thị trường và không hẳn chuyến nào cũng có dải vé thấp đến cao như nhau. Chẳng hạn chuyến bay mở bán cũng trong giai đoạn cao điểm, khung giờ buổi sáng sớm hãng bay phải hạ giá so với khung giờ ban ngày hoặc buổi chiều để khách hàng chọn mua. Ai muốn tiết kiệm mua khung giờ sáng sớm, còn các giờ khác giá cao hơn.

Giá vé máy bay giảm sát giờ G: Nghịch lý dở khóc dở cười - Ảnh 3.

Nguồn dữ liệu: website Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways và kênh vé ABAY.vn - Thống kê: CÔNG TRUNG - Đồ họa: N.KH.

Các hãng bay nói gì?

Lý giải về việc giá vé dịp 30-4 liên tục neo cao vài tháng, bất ngờ hạ giá sát ngày lễ, đại diện Vietravel Airlines cho biết các hãng tăng chuyến bay đã tăng thêm nguồn cung, giá vé có mức giá thấp hơn. Hãng này cho biết đây là mức giá mới, không phải mức giá giảm vì hầu hết chuyến bay được lên lịch trước đã bán hết vé.

Đại diện Vietnam Airlines cho hay trong giai đoạn cao điểm, mức giá trên các đường bay nội địa của các hãng đều khá tương đồng nhau, mức giá của các hãng hàng không giá rẻ cũng không chênh lệch nhiều so với mức giá của các hãng hàng không truyền thống. Mức giá trung bình trong các ngày cao điểm nhất năm 2023 của Vietnam Airlines vẫn chỉ tương đương năm 2019.

Một hãng bay khác cho biết, hiện nay việc bay quốc tế đang là ưu tiên của các hãng. Số lượng tàu bay để khai thác đã được phân bổ nên khi Cục Hàng không Việt Nam đề nghị tăng chuyến bay dịp lễ 30-4, hãng bay phải sắp xếp lại lịch khai thác. Chưa kể việc cấp slot hiện nay được quản chặt, họp bàn cấp phép sát ngày lễ nên các hãng chưa thể tăng mạnh số lượng như trước đây. 

Do đó, các chuyến bay tăng cường được mở bán khi chuyến bay thường lệ gần hết chỗ, cách dịp lễ đúng một tuần. Điều này lý giải cho việc có đường bay tuần trước hết vé hoặc chỉ còn vé giá cao, nay lại mở bán hoặc thêm nhiều vé giá thấp, do một chuyến bay luôn có vé giá từ thấp tới cao. 

Vị này cũng phủ nhận chuyện hãng bay "găm vé" vì các hãng phải mở bán vé đúng với số slot bay đã được Cục Hàng không cấp, giá vé luôn được mở bán linh hoạt theo tình hình thị trường với đa dạng mức giá và tuân thủ quy định giá trần nội địa.

Vậy vì sao biết nhu cầu đi lại tăng cao dịp lễ, việc cấp tăng chuyến chậm trễ? Đại diện các hãng bay cho rằng không phải xin slot là bay được, vẫn cần thời gian để Cục Hàng không Việt Nam xem xét, đồng ý dựa trên đánh giá nhu cầu đi lại của cơ quan này. 

Nếu cấp phép sát ngày lại không chuẩn bị kịp. Mở bán sát ngày nhu cầu lại thấp vì phần lớn người có nhu cầu đã mua vé trước đó.

"Các hãng đều khát dòng tiền, có khách mua là bán ngay chứ không có chuyện găm hàng chờ giá cao. Có chuyến bay là mở bán liền, show giá ra hết. Không mở bán đối thủ sẽ lấy hết khách, dại gì mà găm hàng", đại diện một hãng bay nói.

Giá vé máy bay giảm sát giờ G: Nghịch lý dở khóc dở cười - Ảnh 4.

Một số công ty du lịch và hãng bay tại quận 1, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Vé từ đại lý thì sao?

Nói về giá vé máy bay, anh Thanh Hùng, đại lý vé máy bay cấp 2 (quận Tân Bình, TP.HCM), cho rằng nhiều người thắc mắc, thậm chí ngay đại lý bán vé cũng bị áp lực khi khách hàng nghi ngờ ăn chênh lệch lớn hơn giá vé của hãng mở bán.

"Có chuyến bay tăng cường nên mới có vé giá rẻ. Ngoài ra, việc đi lại của khách trong dịp lễ 30-4 với hàng không chưa thật sự sôi động như mong muốn, nhiều đại lý ôm series vé nhả vé ra để cắt lỗ", anh Hùng lý giải.

Theo tìm hiểu, thông thường khi mở một chuyến bay trong giai đoạn cao điểm, hãng bay cho phép các đại lý cấp 1 "ôm vé" theo tỉ lệ, chẳng hạn chuyến bay 200 ghế, đại lý có thể chốt mua ngay khoảng 60 ghế với giá rẻ hơn trên website.

Các đại lý khi chốt mua vé sẽ thanh toán cho hãng bay, phần còn lại đại lý sẽ phân phối lại cho các đại lý cấp dưới để bán đến tay khách hàng theo giá trên website hoặc rẻ hơn vài trăm ngàn đồng. Không ít trường hợp đại lý giữ vé chờ giá lên cao nhưng nhu cầu đi lại sụt giảm, vội vàng bán ra để thu hồi vốn hoặc cắt lỗ. Điều này ít nhiều cũng xáo trộn đến thị trường vé máy bay.

Bức xúc vì lời khuyên "mua vé sớm"

Anh Nguyễn Phước Bảo Châu (Hà Nội) cách đây một tháng mua vé chặng Hà Nội - Phú Quốc cho ngày 27-4 đến 4-5 với chi phí cho hai vé khứ hồi tổng cộng 18,5 triệu đồng. Tuy nhiên ngày 22-4, giá vé chặng Hà Nội - Phú Quốc mua ngày 22-4 cho hành trình đi 27-4 đến 4-5 chỉ còn 2,49 triệu đồng/vé.

"Ngược đời ghê. Các hãng ra rả khuyến nghị khách mua vé sớm để có giá tốt hơn. Giờ mua trước đắt hơn mua sau. Bức xúc lắm chớ. Tôi nghi ngờ hãng bay cố tình găm vé, mở bán giá cao thu lợi trước, đến sát ngày thấy ít người đi nên bán tháo ra với giá rẻ hơn trước", anh Châu đặt vấn đề.

Giá xăng, vé máy bay đã rõ rồi mà tranh luận hoài!Giá xăng, vé máy bay đã rõ rồi mà tranh luận hoài!

Năm ngoái, khi thị trường xăng dầu của Việt Nam đứt gãy, tôi gửi bức ảnh người dân Việt Nam xếp hàng mua xăng trong đêm vào group chat của một số nhà kinh tế học trên thế giới, lập tức có người trả lời: Việt Nam đang quản lý giá xăng dầu phải không?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên