Giá phân bón trong nước có xu hướng tăng nhưng vẫn tăng thấp hơn giá nhập khẩu
Những ảnh hưởng của dịch COVID-19 gây khó khăn cho hoạt động sản xuất phân bón ở nhiều nước, giá nguyên liệu đầu vào, cước vận chuyển đều tăng kỷ lục khiến giá phân bón trên toàn cầu liên tục "nóng" trong những tháng qua và tiếp tục ghi nhận các mốc giá cao mới.
Theo các bản tin của Argus và Fertecon là những công ty dự báo, phân tích thị trường uy tín quốc tế, trong tuần từ ngày 18 đến 24-6) nguồn cung Urê trên toàn thế giới tiếp tục khan hiếm, giá tiếp tục tăng.
Cụ thể, giá FOB ure: tại Biển Đen đã tăng lên mức 420 - 435 USD/tấn – mức cao nhất từ năm 2013 đến nay; tại Trung Quốc là 435-445 USD/tấn; Trung Đông là 450-460 USD/tấn, công ty PIH (Indonesia) cũng vừa chốt lô hàng cho Koch với giá là 458 USD/tấn và thông tin gần nhất là gói thầu ngày 24/6 của Ấn Độ cho lô hàng hơn 1,8 triệu tấn ure có giá chào thấp nhất lên đến 505 USD/tấn CFR.
Trong tháng 7 tới, nguồn cung từ các nước sản xuất Urê lớn tiếp tục giảm do nhiều nhà máy tiến hành bảo dưỡng, các nhà xuất khẩu Trung Quốc dừng việc chào giá khiến giá Urê dự báo tiếp tục bị đẩy lên cao. Thậm chí, trên thế giới các đơn hàng tháng 8 đang được chào với giá 470-480 USD/tấn FOB.
Giá Kali thế giới tiếp tục tăng trong bối cảnh nguồn cung khan hiếm và một số biến động địa chính trị, một số nhà phân phối lớn đã ngưng việc chào giá. Việc EU dự kiến áp lệnh trừng phạt đối với hàng nhập khẩu từ Belarus tiếp tục khiến giá mặt hàng này leo thang, việc giao các đơn hàng Kali cũng không được đảm bảo do thiếu hụt nguồn cung.
Tại Đông Nam Á, giá chào mua là 400$/tấn CFR cho hàng bột tiêu chuẩn (standard mop), tại Tây Bắc Châu Âu tăng lên mức 430-450 USD/tấn CFR; Brazil 500-550 USD/tấn CFR.
Phosphate là mặt hàng phân bón tăng mạnh nhất trong những tháng qua và nỗi sợ về việc Trung Quốc tăng thuế xuất khẩu cùng nhu cầu tăng mạnh tại Ấn Độ đã làm giá DAP ở nước này tiếp tục vẫn tiếp tục cao ở mức 590 USD/tấn CFR. Giá MAP tại thị trường Brazil hôm nay ở mức 753-758 USD/tấn CFR.
Dự báo giá Phosphate sẽ tiếp tục tăng tại 1 số thị trường như DAP Trung Quốc đã chào giá các lô hàng trong tháng DAP trong tháng 7 với giá cao hơn tháng 6 và nhiều nhà cung cấp tạm thời chưa chào giá hàng giao tháng 8.
Riêng trong ngày 27-6, giá NPK 15-15-15 Baltic/Biển Đen ở mức 370- 445 USD/tấn FOB, Ma Rốc 415-430 USD/tấn; NPK 16-16-16 Baltic/Biển Đen 370-455 USD/tấn FOB. Các mức giá này đều tăng so với 1-2 tuần trước.
Trước tình hình này, một số nhà sản xuất thậm chí dừng bán hàng để theo dõi động thái thị trường hoặc bán nguyên liệu tồn kho để chốt lợi nhuận thay vì sản xuất NPK. Trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào chưa có dấu hiệu chững lại, áp lực tăng giá của phân bón NPK trong tháng 7 tiếp tục gia tăng.
Như vậy, nhìn toàn cảnh từ nhu cầu tăng cao đến các yếu tố đầu vào sản xuất, vận chuyển thì giá các loại phân bón trên thế giới dự báo trong tháng 7 vẫn tiếp tục tăng nóng và thậm chí khó có thể hạ nhiệt trong năm nay.
Việc giá thế giới tăng mạnh tạo nên áp lực lớn cho trong tương lai gần của thị trường phân bón trong nước. Bởi theo quy luật thị trường chung, chắc chắn giá phân bón tại Việt Nam sẽ còn phải đi theo đà tăng của giá thế giới.
Theo khảo sát trên thị trường nội địa, các loại phân bón trong nước có Nhà máy sản xuất với sản lượng khá lớn như phân đạm, DAP (Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, DAP Đình Vũ...) đang có giá thấp hơn giá phân nhập khẩu khoảng 1-2 triệu đồng/tấn.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia dự báo theo quy luật thị trường chung mặc dù chắc chắn giá phân bón tại Việt Nam sẽ còn phải đi theo đà tăng của giá thế giới nhưng mức độ tăng có thể ít và chậm hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận