20/04/2017 10:46 GMT+7

Gia tăng số thí sinh đăng ký xét tuyển ĐH

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TTO - Hôm nay 20-4 là hạn cuối cùng để thí sinh (TS) đăng ký dự thi, đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm. Thống kê cho thấy khối ngành kỹ thuật, quản lý, sức khỏe có số lượng đăng ký xét tuyển cao.

Thầy Lê Văn Khôi hướng dẫn HS chỉnh sửa sai sót và đăng ký nguyện vọng vào hồ sơ dự thi THPT Quốc gia 2017 trên máy tính - Ảnh: Như Hùng
Thầy Lê Văn Khôi hướng dẫn HS chỉnh sửa sai sót và đăng ký nguyện vọng vào hồ sơ dự thi THPT Quốc gia 2017 trên máy tính - Ảnh: Như Hùng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga chia sẻ:

- Thực tế cho thấy dù năm nay không giới hạn số lượng nguyện vọng (NV) đăng ký xét tuyển, nhưng TS không đăng ký quá nhiều NV. Phần đông TS chỉ chọn lựa 4-5 NV xét tuyển. Thậm chí có một số lượng đáng kể (trên 10%) TS chỉ đăng ký 1 NV xét tuyển duy nhất.

Điều này cho thấy TS rất có bản lĩnh, xác định được ngành nghề mình yêu thích và quyết tâm đeo đuổi. Đa số TS đã có suy nghĩ kỹ càng khi thực hiện đăng ký với “chiến lược” rõ ràng: đăng ký vài NV cao hơn kết quả thi dự kiến, vài NV sát với kết quả dự kiến và vài NV thấp hơn. Tôi tin rằng với “chiến lược” đó, sau khi có kết quả thi sẽ có ít TS thực hiện điều chỉnh NV.

Những năm trước trong đợt 1, TS chỉ được đăng ký vào 2 trường với 4 NV. Còn năm nay TS được tự lựa chọn số trường đăng ký, có thể đăng ký vào một ngành nhưng ở nhiều trường khác nhau. Theo thống kê trên đây thì có thể 1 TS đăng ký vào 4-5 trường. Vì thế, số NV đăng ký vào một số trường tăng cao so với mọi năm.

Trường có số NV đăng ký cao phần nào thể hiện được uy tín và sức hấp dẫn của mình đối với TS. Song tổng số NV đăng ký lớn cũng chưa thể đồng nghĩa với tỉ lệ chọi cao được, vì mỗi TS chỉ trúng tuyển vào 1 NV duy nhất khi xét tuyển. Tỉ lệ chọi cao hay thấp có thể được phản ánh thông qua số lượng NV1 đăng ký vào trường, chứ không phải căn cứ trên tổng số NV nói chung.

Khối ngành kỹ thuật, quản lý, sức khỏe chiếm tỉ lệ cao

* Bên cạnh các trường có lượng NV đăng ký lớn, vẫn còn không ít trường có số lượng đăng ký thấp (có trường chỉ 30-40 NV xét tuyển). Đây có phải là hiện tượng bất thường? Các trường cần làm gì để khắc phục nguồn tuyển quá hụt so với chỉ tiêu?

- Trong số 352 trường ĐH, CĐ sư phạm và đơn vị tuyển sinh năm nay có khoảng 100 đơn vị có số lượng NV đăng ký xét tuyển dưới 500. Trong số các cơ sở đào tạo này có thể chia làm 3 nhóm: nhóm các trường đặc thù, năng khiếu xưa nay vẫn tuyển rất ít chỉ tiêu, TS đăng ký vào những trường này đa số đã xác định NV ngay từ đầu và sẽ phải trải qua cuộc thi năng khiếu.

Nhóm thứ hai là các trường CĐ sư phạm với số lượng chỉ tiêu tuyển sinh hạn chế; nhóm thứ ba là một số trường ĐH địa phương, một số trường ĐH ngoài công lập đã có kế hoạch tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển bằng học bạ hoặc tuyển sinh bổ sung.

Các trường thuộc nhóm thứ ba những năm qua đã có nhiều cố gắng để nâng cao chất lượng đào tạo, tạo dựng được uy tín. Để có thể thu hút TS trong những năm sắp tới, các trường cần tiếp tục nâng cao chất lượng, nâng cao tỉ lệ sinh viên tìm được việc làm, tập trung đào tạo một số ngành có thế mạnh mà xã hội đang cần.

* Thống kê hiện tại cho thấy NV xét tuyển của TS đang tập trung ở các tổ hợp xét tuyển và các ngành, nhóm ngành đào tạo nào, thưa ông?

- Thống kê số NV TS đăng ký theo tổ hợp môn xét tuyển cho thấy có gần 90% số NV của TS thuộc các khối xét tuyển truyền thống. Khối A00 (toán, lý, hóa) vẫn chiếm tỉ lệ cao nhất. Khối C00 (ngữ văn, lịch sử, địa lý) chiếm 14%, cao hơn nhiều so với mọi năm.

Về lĩnh vực ngành nghề một cách tổng thể thì đối với khối ngành kỹ thuật công nghệ, ngành công nghệ thông tin chiếm tỉ lệ cao nhất. Khối ngành quản lý thì các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, luật vẫn chiếm tỉ lệ cao. Khối ngành sức khỏe thì y đa khoa chiếm tỉ lệ cao nhất.

TS có NV vào ĐH tăng, phân luồng không hiệu quả?

* Nhiều trường vẫn lo số NV đăng ký lớn, tỉ lệ ảo quá cao, cơ chế lọc ảo chung qua cổng thông tin tuyển sinh của bộ không đủ giúp các trường có chiến lược tuyển sinh đúng, dễ bị “hớ” trong xác định điểm chuẩn. Bộ có khuyến cáo gì với các trường?

- Quy chế tuyển sinh đã quy định rõ phương thức xét tuyển đợt 1. Việc xác định điểm chuẩn vào các ngành, xác định danh sách TS trúng tuyển do các trường chủ động thực hiện. Bộ sẽ hỗ trợ kỹ thuật bằng cách cung cấp tất cả dữ liệu đăng ký xét tuyển của TS để các trường cân nhắc quyết định điểm chuẩn phù hợp nhất.

Sau khi có danh sách dự kiến, các trường cập nhật lên cổng tuyển sinh của bộ. Phần mềm thống kê NV sẽ loại bỏ những NV thấp của TS đã trúng tuyển nhiều NV, để đảm bảo mỗi TS chỉ trúng tuyển một NV cao nhất (nếu có) trong tất cả các danh sách mà các trường gửi lên.

Với cách thức xét tuyển này, nếu các trường tự nguyện lập thành nhóm như nhóm GX năm ngoái do Trường ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì để loại bỏ trước những TS trúng tuyển thấp trong nhóm thì khi đưa lên cổng tuyển sinh chỉ còn lọc những TS trúng tuyển ngoài nhóm.

Khi tham gia nhóm, các trường có thể ngồi lại với nhau để xác định điểm chuẩn phù hợp. Khi không có nhóm, các trường phải tự phán đoán nên việc xác định điểm chuẩn sẽ khó khăn hơn.

Không chỉ phía Bắc mà cả khu vực phía Nam hay khu vực miền Trung đều có thể lập các nhóm xét tuyển này. Nếu đã lọc được TS ảo trong nhóm củ a các trường cùng khu vực thì khi đưa lên hệ thống sẽ chỉ phải điều chỉnh nhỏ liên quan đến số TS dịch chuyển cơ học, TS phía Bắc xét tuyển vào trường phía Nam hay ngược lại.

Thực tế số liệu hằng năm cho thấy việc TS dịch chuyển vùng tuyển sinh như vậy rất ít.

* Số trường ĐH, CĐ năm nay thuộc quyền quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT đã giảm gần 200 trường CĐ, nhưng lượng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sư phạm lại tăng hơn so với các năm trước. Phải chăng công tác phân luồng năm nay không tốt bằng năm trước nên TS có NV học ĐH lại tăng cao?

- Không hẳn tỉ lệ đăng ký xét tuyển ĐH cao năm nay là do công tác phân luồng không tốt. Phân luồng hiệu quả phải từ sau khi kết thúc trung học cơ sở. Khi học sinh đã tiếp tục học THPT là TS đã có định hướng vào ĐH, CĐ.

Lý do dễ hiểu lý giải tỉ lệ đăng ký xét tuyển ĐH năm nay tăng so với năm ngoái là bộ chỉ tổ chức một loại cụm thi do sở GD-ĐT chủ trì, không phân biệt cụm thi để xét tốt nghiệp THPT và cụm thi vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để lấy kết quả tuyển sinh ĐH như năm trước nữa.

Các điểm thi năm nay được tổ chức ở ngay trường THPT các em đang theo học, nên thuận lợi cho việc dự thi dù với bất cứ mục tiêu gì. TS có NV xét tuyển vào ĐH có thể đăng ký thi như các em chỉ thi để xét tốt nghiệp.

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên