Người mua trái cây ở Manhattan, New York, Mỹ ngày 28-3 - Ảnh: REUTERS
Lạm phát kỷ lục ở nhiều nước
Ngày 12-4, Bộ Lao động Mỹ cho biết lạm phát ở nước này tiếp tục tăng trong tháng 3-2022. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua - mức tăng cao nhất kể từ tháng 12-1981 ở Mỹ.
Theo báo Washington Post, Nhà Trắng và Cục Dự trữ liên bang đã đưa ra một số sáng kiến để cố gắng ngăn chặn giá cả tăng cao. Dù vậy, giá tăng khắp nơi, nhất là ở các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu mà hầu hết các gia đình không thể thiếu.
Xăng dầu, thực phẩm và một loạt sản phẩm khác trở nên đắt hơn rõ rệt, gây căng thẳng kinh tế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp.
Giá xăng tại Mỹ đã tăng 18,3% trong tháng 3-2022, chiếm khoảng một nửa mức tăng chung của chỉ số giá tiêu dùng. Trong khi đó, giá năng lượng chung của tháng 3 tăng 11% so với tháng trước với giá dầu tăng 22,3%.
Nền kinh tế Mỹ được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn vào cuối năm 2022, một phần là do lạm phát khiến các gia đình và doanh nghiệp phải cân nhắc lại việc mua sắm và có khả năng họ phải giảm chi tiêu.
Theo trang Market Watch, tỉ lệ lạm phát hằng năm của Đức trong tháng 3-2022 đã tăng với tốc độ nhanh hơn so với tháng 2-2022, đạt mức cao nhất kể từ mùa thu năm 1981 (mức cao nhất trong 41 năm) - theo dữ liệu chính thức do văn phòng thống kê Đức Destatis công bố ngày 12-4.
Chỉ số giá tiêu dùng tăng 7,3% so với năm ngoái theo tiêu chuẩn của Đức và tăng 7,6% so với năm ngoái theo các tiêu chuẩn hài hòa của Liên minh châu Âu.
Theo Hãng tin Reuters, tỉ lệ lạm phát hằng năm của Canada đã tăng vào tháng 2-2022 và đạt mức cao nhất trong 30 năm, mức 5,7%. Tăng giá trên diện rộng tác động đến người tiêu dùng trên mọi phương diện. Hiện Canada chưa công bố mức lạm phát của tháng 3-2022.
Giá nhà tăng 20% ở Canada
Ngày 12-4, Canada công bố dữ liệu mới nêu bật "sự bất bình đẳng" trong thị trường nhà ở trong bối cảnh nước này đang trải qua tình trạng lạm phát cao nhất trong 30 năm.
Giá nhà tăng 20% trong một năm ở Canada - Ảnh: CANADA PRESS
Bà Chrystia Freeland, phó thủ tướng Canada và cũng là bộ trưởng thương mại của nước này, mô tả tình trạng giá nhà ngoài tầm kiểm soát ở Canada là một "sự bất công giữa các thế hệ".
"Chúng tôi đã có cơ hội mua nhà và xây dựng gia đình tốt hơn những người trẻ ngày nay. Chúng ta không thể có một Canada nơi mà thế hệ trẻ không thể mơ sở hữu nhà" - bà Freeland nói và mô tả tình hình hiện tại là "một cú sốc".
Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Canada là quốc gia có khoảng cách giữa thu nhập và giá nhà lớn nhất trong G7. Hai thành phố lớn của nước này là Vancouver và Toronto thường có tên trong bảng xếp hạng các bong bóng bất động sản toàn cầu.
Tháng 2-2022, Canada ghi nhận giá bán nhà trung bình cao nhất từ trước đến nay là 647.340 USD, tăng 20% so với năm 2021. Ở cấp tỉnh, tỉnh Nova Scotia có mức tăng lớn nhất so với cả nước. Giá nhà nơi đây nhảy vọt 35% so với năm ngoái. Ở cấp độ thành phố, thành phố Kingston, tỉnh Ontario, có mức tăng giá nhà cao nhất, với 44%.
Các chuyên gia nhận định nếu không có biện pháp khắc phục nhanh khủng hoảng này, sẽ xảy ra tình trạng đầu cơ và thiếu nhà ở.
Nhiều chính trị gia đã bày tỏ quyết tâm làm cho giá nhà phù hợp với khả năng chi trả, biến mục tiêu này làm trọng tâm trong các chiến dịch tái tranh cử của họ. Ngoài ra, Canada cấm một số người nước ngoài mua nhà để hạ nhiệt thị trường bất động sản trong nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận