12/09/2017 09:48 GMT+7

Giá mà...!

Trần Quốc Bảo
Trần Quốc Bảo

TTO - Phiên xử đại án OceanBank đang nóng với lời khai biếu nhau, chi lãi ngoài cả tỉ đồng. Rồi chuyện cảnh sát giao thông mãi lộ, trong đó có phần do người dân ngại đi nộp phạt quá nhiêu khê.

Giá mà...! - Ảnh 1.

Báo chí cũng đang nêu vấn đề cách nào kiểm soát tài sản, thu nhập của quan chức. Ngẫm nghĩ các sự kiện, phải kêu lên: giá mà...!

Giá mà chúng ta có quy định chặt chẽ về thanh toán qua ngân hàng thì việc biếu xén, chi tiền mặt dấm dúi sẽ có ngày giảm bớt.

Giá mà Nhà nước tạo thuận lợi cho người dân được nộp phạt qua ngân hàng, nhiều người thay vì chi cho cảnh sát giao thông biến chất sẽ nộp phạt qua ngân hàng.

Giá mà xã hội có thói quen thanh toán qua ngân hàng thì Nhà nước cũng dễ kiểm soát tài sản, thu nhập của các quan chức.

Không thể kể hết những tốn kém, tiêu cực do thói quen dùng tiền mặt. Nhưng đến nay, hình thức thanh toán qua ngân hàng với người dân chỉ là tự nguyện, còn doanh nghiệp thì khoản thanh toán trên 20 triệu đồng phải qua ngân hàng mới được coi là hợp lệ. Gần đây, cơ quan thuế muốn giảm xuống còn 10 triệu đồng nhưng cũng có nhiều ý kiến không đồng tình.

Vài năm trước, Nhà nước cũng muốn giảm bớt thanh toán tiền mặt. Từng có dự thảo quy định khi mua tài sản lớn như bất động sản, tàu xe phải thanh toán qua ngân hàng. Tiếc rằng đề xuất này gặp không ít ý kiến phản ứng và cho rằng chỉ nên khuyến khích, không nên ép buộc. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng việc ép buộc thanh toán qua ngân hàng là "lợi ích nhóm", chỉ làm lợi cho ngân hàng mà thôi…!?

Thực tế trên thế giới đã chứng minh không có cơ chế chống tham nhũng, gian lận nào toàn diện, nhưng thanh toán qua ngân hàng là việc cần làm bởi tiền đến từ đâu, dùng vào mục đích gì đều để lại vết tích. Chính những vết tích này là cơ sở tố cáo hành vi xấu, buộc người ta bớt chung chi, biếu xén, nhận hối lộ…

Đành rằng khi buộc thanh toán qua ngân hàng sẽ có tình trạng đối phó như tẩy dấu vết, ẩn danh… nhưng đó là đầu mối để lần ra tham nhũng và các quan hệ tư bản thân hữu. Siết chặt thanh toán qua ngân hàng, người có tiền bẩn phải vất vả rửa tiền, đó cũng là một quá trình rủi ro cho họ, kể cả bị phát hiện, bị trừng trị.

Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng, lúc đó chỉ có tiền sạch mới dám hiện diện trong hệ thống này. Những ai có ý định nhận tiền đút lót, tham nhũng cũng sẽ e ngại. Đây chính là cách phòng chống tham nhũng từ xa hiệu quả. Việc kết nối dòng tiền luân chuyển trong hệ thống ngân hàng tài chính, nhà đất… sẽ giúp cơ quan quản lý sơ đồ hóa suy được hướng đi và dịch chuyển của tiền bẩn, từ đó có cách điều tra để trừng trị.

Trên thế giới, nhiều nước đã xem thanh toán qua ngân hàng trong các giao dịch có giá trị lớn là trọng tâm trong các chương trình minh bạch về tài chính để giảm nhẹ tình trạng tham nhũng và đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực.

Chúng ta nếu còn loay hoay bàn cãi khi nào, giá trị bao nhiêu mới phải thanh toán qua ngân hàng, chắc chắn những lời khai biếu tiền, hình ảnh xấu về mãi lộ… sẽ còn tái diễn.

Trần Quốc Bảo
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên