24/02/2023 10:07 GMT+7

Giá lúa tăng mạnh: Nông dân vui, doanh nghiệp thận trọng

Với giá lúa gạo tăng mạnh thời gian qua, bà con nông dân trồng lúa ở ĐBSCL thắng lớn do trúng mùa được giá. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết đang thận trọng mua vào bởi giá lúa trong nước cao hơn giá gạo xuất khẩu.

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Công nhân cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang đưa gạo lên tàu xuất khẩu - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy giá lúa đông xuân 2022-2023 tại ĐBSCL đang cao hơn 500-1.500 đồng/kg, thậm chí có loại cao hơn 2.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Năng suất lúa cũng khá cao nhờ thời tiết thuận lợi. 

Trong khi đó, theo các chuyên gia, nguồn cung lúa gạo trên toàn cầu giảm hơn so với mọi năm do tác động của biến đổi khí hậu.

Nông dân trúng mùa, được giá

Dù còn 20 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch 10 công lúa Đài Thơm 8 của gia đình nhưng anh Nguyễn Hoàng Vinh (huyện Gò Quao, Kiên Giang) cho thương lái đặt cọc đến 6.700 đồng/kg, cao hơn nhiều so với mọi năm. 

"Thời tiết thuận lợi, lúa phát triển khá tốt, tôi tính năng suất không dưới 1 tấn lúa tươi/công. Tôi mừng lắm", anh Vinh nói.

Ông Danh Quốc Cường (huyện Giồng Riềng, Kiên Giang) cũng cho biết rất phấn khởi khi thương lái đến xem và đặt cọc mua, dù 20 công lúa OM5451 và Đài Thơm 8 của gia đình ông Cường chỉ mới trổ bông trên đồng. 

Lúa OM5451 và Đài Thơm 8 của gia đình ông Cường được thương lái đặt cọc mua với giá 6.600 - 6.800 đồng/kg lúa tươi, tăng 400-800 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

"Với giá lúa này, sau khi trừ chi phí sản xuất sẽ thu về lợi nhuận khoảng 4 triệu đồng/công. Cũng kỳ vọng giá lúa giữ ổn định thế này để vụ lúa sau tôi và bà con cũng được trúng mùa, trúng giá ổn định cuộc sống gia đình hơn", ông Cường nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Phương - giám đốc HTX nông nghiệp Đường Gỗ Lộ (xã Long Thạnh, huyện Giồng Riềng) - cho biết HTX có khoảng 224ha, người dân chủ yếu gieo trồng giống lúa Đài Thơm 8, ST24, RVT và giống DS1 (giống lúa Nhật, hạt gạo tròn, dẻo). 

Trong đó 85ha giống lúa DS1 của bà con gieo trồng được thương lái bao tiêu thu mua với giá 8.800 đồng/kg lúa tươi, tăng 2.000 đồng/kg lúa tươi so với cùng kỳ năm trước. Lúa Đài Thơm 8, ST24, RVT có giá bán 6.700-7.300 đồng/kg, tăng 400-800 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước.

"Còn ít bữa nữa sẽ thu hoạch nhưng nhìn cây lúa ngoài đồng hạt no tròn, chúng tôi đánh giá khoảng 1,2 tấn lúa tươi/công. Bán với giá hấp dẫn này nữa thì nông dân ai cũng phấn khởi vui mừng", ông Phương hào hứng.

Theo ông Lê Quốc Điền - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, địa phương này đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân 2022-2023 đạt 190.264ha, năng suất bình quân đạt 7,2 tấn/ha, sản lượng đạt 1,38 triệu tấn.

Riêng lúa thường, chất lượng cao có giá bán tăng 661-714 đồng/kg, lợi nhuận tăng 900.000 - 1,3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ năm trước. Riêng nhóm nếp có giá bán tăng 1.700 đồng/kg, lợi nhuận tăng 3,5 triệu đồng/ha.

"Nguyên nhân giá lúa tăng có thể là do nhu cầu mua gạo của VN tăng nên dẫn đến giá tăng. Đồng Tháp đang thử nghiệm mô hình sản xuất lúa dưới 10 triệu đồng/ha. Mục đích là giúp bà con tiết kiệm chi phí sản xuất, vì sản xuất lúa trung bình khoảng 17 triệu đồng/ha. Nếu mô hình đó đạt hiệu quả cao sẽ tập trung hướng dẫn nông dân làm theo" - ông Điền nói.

Tùy vào chất lượng hạt gạo thơm ngon mà người dân ở Kiên Giang để bảng giá bán khác nhau - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tùy vào chất lượng hạt gạo thơm ngon mà người dân ở Kiên Giang để bảng giá bán khác nhau - Ảnh: CHÍ CÔNG

Tăng rồi sẽ hạ nhiệt?

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Chánh Trung - phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long - cho hay lúa đông xuân đang bước vào giai đoạn đầu nên có giá cao. Do đó doanh nghiệp cũng rất e ngại, cẩn thận hơn khi thu mua lúa và ký kết hợp đồng. 

So với cùng kỳ, giá lúa gạo năm nay tăng mạnh hơn. Vì năm 2022 vừa hết dịch COVID-19 giá lúa khoảng 5.500 đồng nhưng hiện nay đã trên 6.500 đồng/kg.

Từ đầu năm đến nay, Tân Long có nhiều hợp đồng xuất khẩu, tăng 10-15% so với năm 2022. Do giá lúa tăng cao nên các doanh nghiệp chỉ ký kết hợp đồng với số lượng nhất định để bán cho đối tác. 

"Có doanh nghiệp sẽ ký 500-2.000 tấn/hợp đồng để đảm bảo an toàn và xử lý rủi ro. VN là nước có nhiều giống lúa ngon nhất thế giới vì các nước xung quanh họ chỉ có một hoặc hai giống lúa ngon, còn VN có nhiều giống mà giống nào cũng có tiếng trên thế giới nên xuất khẩu rất thuận lợi. Hiện nay nhu cầu nhiều nên các doanh nghiệp sẽ gặp nhiều thuận lợi xuất khẩu gạo" - ông Trung nói thêm.

Ông Lê Trần Thiện Nhân - giám đốc sản xuất Công ty TNHH lương thực Tấn Vương, có vùng nguyên liệu lúa gạo tại ĐBSCL trong vụ đông xuân 2022-2023 với hơn 1.500ha - cũng cho biết lúa loại tăng thấp nhất cũng vài trăm đồng/kg, có loại tăng cao hơn, nông dân rất phấn khởi. 

Tuy nhiên, nếu so với giá gạo xuất khẩu, giá lúa trong nước đang cao hơn nên doanh nghiệp này cũng đang thận trọng khi mua lúa.

"Trong tháng 2 này, chúng tôi có đơn hàng xuất khẩu hơn 2.000 tấn gạo đi Trung Quốc, Trung Đông và châu Phi. Nếu mua lúa ở giai đoạn này, chúng tôi sẽ thua lỗ 30-40 USD/tấn. Do đó chúng tôi đang chờ giá lúa trong nước hạ xuống mới tính tiếp. Vì giá gạo dự kiến hạ nhiệt trong tháng 3 và tháng 4", ông Nhân nhận định.

Một chuyên gia về lúa gạo tại ĐBSCL cho biết nguyên nhân giá lúa gạo tăng mạnh là do nhu cầu của thị trường tăng. 

Thêm vào đó, nông dân bước vào đầu vụ đông xuân sớm nên sản lượng lúa chưa nhiều. Tuy nhiên các doanh nghiệp đang hết sức lo lắng vì nhiều rủi ro, nếu ký hợp đồng số lượng lớn mà giao hàng chậm sẽ khó.

"Do đó các doanh nghiệp đang cân nhắc khi ký hợp đồng trong giai đoạn này. Vấn đề nữa là một số thị trường đặc thù như Thái Lan, Myanmar, Pakistan, Ấn Độ... có nguồn cung, chính sách bán hàng khác biệt. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất hiện nay là sự chênh lệch rất lớn về cung cầu đã đẩy giá gạo tăng cao", vị này nói.

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 tại các huyện Phú Tân, Tịnh Biên và Tri Tôn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Nông dân An Giang thu hoạch lúa đông xuân 2022-2023 tại các huyện Phú Tân, Tịnh Biên và Tri Tôn - Ảnh: BỬU ĐẤU

Sẽ làm mã số vùng trồng cho lúa chất lượng cao để xuất khẩu

Ông Lê Quốc Điền cho biết nhiều năm qua, Đồng Tháp đã làm hồ sơ trên 800 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, giúp doanh nghiệp thuận lợi xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Địa phương này cũng đang tiếp tục làm mã số vùng trồng cho cây lúa bởi muốn xuất khẩu phải đăng ký mã số vùng trồng, mã số đóng gói hàng hóa rõ ràng.

"Chất lượng hàng hóa xuất vào Trung Quốc cũng như vào thị trường châu Âu phải đăng ký rõ ràng từ hàng hóa đến đóng gói. Trước đây xuất khẩu tiểu ngạch sao cũng được, còn bây giờ bắt buộc xuất khẩu chính ngạch phải rõ ràng. Đồng Tháp làm chặt chẽ, làm tốt, sản xuất tới đâu sẽ xin mã số vùng trồng, vùng sản xuất rõ ràng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp xuất khẩu theo lệnh 248, 249" - ông Điền nói.

Theo ông Điền, Đồng Tháp đã đăng ký tham gia 70.000ha lúa vào đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao của Bộ NN&PTNT và dự kiến làm mã số vùng trồng của lúa khoảng 100ha/mã số để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo.

BỬU ĐẤU

Ông Phạm Thái Bình (tổng giám đốc Công ty CP nông nghiệp công nghệ cao Trung An, Cần Thơ):

Cơ hội "vàng" cho gạo Việt

Trong năm 2023, VN có thể sẽ không xuất khẩu gạo nhiều như năm 2022 nhưng giá trị chắc chắn sẽ cao hơn.

Do biến đổi khí hậu cực đoan, nhiều quốc gia phải giảm diện tích trồng lúa nên cần mua gạo mà nguồn cung bị hạn hẹp. Một số quốc gia giảm lúa mì cũng phải tìm lương thực thay thế là lúa gạo.

Có thể nói nguồn cung lương thực toàn cầu đang bị thu hẹp do biến đổi khí hậu là "cơ hội vàng" cho ngành lúa gạo VN.

Cơ hội ở đây là xuất khẩu gạo với giá trị lớn, còn sản lượng sẽ sụt giảm nếu VN không có thay đổi phương thức canh tác, tăng năng suất trong điều kiện biến đổi khí hậu. VN là quốc gia sản xuất lúa gạo nhiều nhất.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lúa gạo vẫn còn ngóng chờ giá lúa giảm mới mua, có thể là do chưa có hợp đồng liên kết rõ ràng với nông dân hoặc chờ giá lúa giảm sẽ mua. Vì giá lúa đang cao hơn giá gạo xuất khẩu.

Dự báo trong thời gian tới, giá lúa sẽ "đứng lại" để tương xứng với giá gạo xuất khẩu.

Nhiều triển vọng tích cực về thị trường

Theo đại diện Tập đoàn Lộc Trời, giá xuất khẩu trung bình trong tháng 1 là 673 USD/tấn. Giá gạo thông dụng xuất khẩu phổ biến hiện nay như DT8, OM18, OM5451, IR504... dao động từ 455-510 USD/tấn, nếu so với cùng kỳ 2022 thì cao hơn 50-60 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ tháng trước gần như không thay đổi.

Bà Võ Phương Thủy - phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp - cho biết giá gạo trắng VN 5% tấm 463-467 USD/tấn, gạo 25% tấm 443-447 USD/tấn, gạo thơm 558-562 USD/tấn.

Giá gạo VN thấp hơn gạo Thái Lan, đồng thời giữ mức cao hơn Ấn Độ và Pakistan.

"Thị trường năm 2023 có nhiều triển vọng tích cực khi nhiều quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Ấn Độ, Trung Quốc giảm sản lượng do khí hậu khắc nghiệt. Trong bối cảnh đó, nhiều quốc gia cũng tranh thủ thu mua nhằm đảm bảo an ninh lương thực. Mặt khác, Trung Quốc đã bỏ Zero COVID nên xuất khẩu gạo sang thị trường này thuận lợi hơn", bà Thủy thông tin.

Lợi nhuận cao nhờ tiết kiệm chi phí

Thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh An Giang cho biết đến nay địa phương này đã thu hoạch vụ đông xuân 2022 - 2023 được gần 4.000ha, đạt 1,7% diện tích xuống giống, với năng suất bình quân đạt 6,3 tấn/ha. Tiến độ thu hoạch chậm hơn nhưng năng suất tương đương so với cùng kỳ.

Trong đó, lúa OM5451 có giá 6.400 - 6.600 đồng/kg; Đài Thơm 8 là 6.800 - 6.700 đồng/kg; IR50404 có giá 6.300 - 6.500 đồng/kg; OM18 là 6.700 - 6.800 đồng/kg; nếp Long An (tươi) 7.000 - 7.200 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá lúa, nếp cao hơn 800 - 1.500 đồng/kg tùy loại.

"Chúng tôi đã yêu cầu các ngành và các địa phương thực hiện nhiều mô hình tiết kiệm chi phí sản xuất lúa cho bà con nông dân. Tôi tính toán giá thành sản xuất lúa tối đa khoảng 5.000 đồng/kg nhưng giá lúa đang được bán ra đã 6.500 đồng/kg.

Với giá lúa này, bà con nông dân sẽ có lợi nhuận khá" - ông Trương Kiến Thọ, phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh An Giang, nói.

Nông dân Cà Mau bán lúa ‘ngon nhất thế giới" chỉ với giá 4.500 đồng/kgNông dân Cà Mau bán lúa ‘ngon nhất thế giới' chỉ với giá 4.500 đồng/kg

TTO - Mưa nhiều nên lúa ẩm, khiến việc tiêu thụ khó khăn. Hiện nông dân Cà Mau còn hàng ngàn tấn lúa trồng trên đất nuôi tôm chưa bán được.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên