Ông Andrew L. Oros, giáo sư khoa học chính trị và nghiên cứu quốc tế tại Đại học Washington, bang Maryland (Mỹ), nhận định rằng hiện trạng già hóa dân số ở các cường quốc kinh tế châu Á sẽ trở thành chiếc cầu nối kéo các nước đang phát triển lại gần hơn.
Không những vậy, các "cường quốc già" chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang những nước đang phát triển với nguồn lao động trẻ dồi dào cũng tạo ra cơ hội phát triển mới cho các quốc gia này.
Theo đài CNA, bốn nền kinh tế hàng đầu châu Á gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang phải trải qua quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh chưa từng có.
Cụ thể, tính đến năm 2050, Hàn Quốc sẽ giảm gần 35% dân số trong độ tuổi lao động (tức từ 20 đến 64 tuổi theo quy định của nước này) dựa trên tỉ lệ sinh hiện tại.
Dân số trong độ tuổi lao động của Đài Loan và Trung Quốc cũng sẽ giảm lần lượt là 28,6% và 20,6% trong tương lai.
Trong khi đó, đa số những quốc gia đang phát triển lại có cơ cấu dân số trẻ điển hình như Ấn Độ, Indonesia, Philippines hay Việt Nam.
Tạo ra sợi dây kết nối mới
Sự thay đổi về nhân khẩu học châu Á đang tạo ra những kết nối mới khi các siêu cường sản xuất như Nhật Bản và Hàn Quốc đã chuyển phần lớn hoạt động sản xuất sang những nơi có dân số trẻ hơn.
Mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Việt Nam chính là một ví dụ điển hình về sự liên kết này.
Năm 2018, Samsung xuất khẩu 60 tỉ USD, bằng 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Bên cạnh đó, những sản phẩm được sản xuất tại Việt Nam chiếm đến 30% tổng doanh số bán hàng toàn cầu của Samsung cũng trong năm 2018.
Ngoài ra, một số quốc gia như Úc, New Zealand và Singapore đã lựa chọn triển khai các biện pháp thu hút dân nhập cư từ nơi khác đến như một cách để duy trì dân số trong độ tuổi lao động.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan cũng đã thử nghiệm tiếp nhận thêm nhiều lao động nước ngoài hơn nhưng cho đến nay các quốc gia này vẫn chưa thực hiện được chương trình nào có thể tạo ra những tác động rõ rệt đến tình trạng già hóa dân số nhanh chóng.
Hơn nữa, với quy mô dân số lớn của Trung Quốc, biện pháp thu hút người nhập cư dường như không thể bù đắp cho sự sụt giảm dân số trong độ tuổi lao động.
Lợi tức dân số
Cụm từ "lợi tức dân số" được hiểu là những lợi ích kinh tế có được từ sự thay đổi về dân số.
Theo đó, nhiều "quốc gia tầm trung" ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được dự đoán sẽ phát triển hơn nhờ hưởng “lợi tức dân số” tương tự như những gì mà các quốc gia ở Đông Bắc Á đã trải qua nhiều thập kỷ trước.
Trong thế kỷ 21, 98% mức tăng dân số chủ yếu tập trung ở các nước đang phát triển và dân số thế giới dự kiến sẽ đạt đỉnh trước khi bước sang thế kỷ 22.
Sự thay đổi về thành phần dân số ở các “cường quốc già” tại châu Á càng góp phần tăng cường đầu tư vào các quốc gia đang phát triển, mở ra những cơ hội mới để họ có thể hưởng lợi từ sự cạnh tranh giữa các “ông lớn” như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo trên khắp khu vực phải đối mặt với áp lực chính trị ngày càng gia tăng do cơ sở hạ tầng không phù hợp cho các thành phố đang phát triển, một thách thức khác do nhân khẩu học gây ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận