Trả lời gia đình chị Thơm tại cuộc làm việc, ông Trần Quốc Việt nói bệnh viện nhận trách nhiệm, nhưng trách nhiệm ra sao phải đợi cơ quan điều tra làm rõ mới xử lý. Ông Việt đã khiến gia đình nạn nhân bức xúc khi trả lời vòng vo, không trực tiếp vào câu hỏi, không thừa nhận thiếu sót trong quy trình trông giữ trẻ cũng như không nêu rõ nhân viên nào, bộ phận nào phải chịu trách nhiệm...
Theo nhiều sản phụ đã sinh con ở Bệnh viện Phụ sản T.Ư, với quy trình hiện nay, việc trông giữ trẻ sơ sinh trong thời gian sản phụ và trẻ lưu lại bệnh viện khá lỏng lẻo. Thông thường sản phụ vào viện đã tạm nộp viện phí, nên mẹ con sản phụ có thể ra về bất kỳ thời điểm nào trong ngày sau khi có chỉ định ra viện. Bé sơ sinh bị bế ra khỏi bệnh viện cũng không cần trình giấy tờ ra viện, giấy chứng sinh.
Ở trường hợp của gia đình sản phụ Thơm, ca trực ngày 3-11 có bốn y tá, thời điểm bé được bế đi là thời gian không cho phép người nhà chăm nom sản phụ. Khi có sản phụ báo không thấy bé sơ sinh, kíp trực không kịp thời tổ chức tìm kiếm, báo cáo lãnh đạo bệnh viện. Thậm chí đến 13g (gần ba giờ sau khi bé bị bế đi), nhân viên khoa sản 2 vẫn cho rằng chị Thơm không phải lo, không phải báo cho gia đình!
Tham gia cuộc họp với bệnh viện và gia đình nạn nhân, đại diện Công an Hà Nội cho biết đã xác định đây là một vụ trọng án và đang nỗ lực tìm kiếm cháu bé.
Hôm qua, thượng tá Đào Thanh Hải - trưởng Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Công an Hà Nội) - cho biết cơ quan điều tra đang tập trung rà soát các trường hợp nghi vấn tại bệnh viện, các đối tượng xã hội có dấu hiệu liên quan đến việc mua bán trẻ em.
Cùng ngày, gia đình anh Phạm Xuân Chiều, chồng sản phụ Thơm, đã mời luật sư Cao Bá Trung (Đoàn luật sư TP Hà Nội) làm người đại diện và tư vấn cho gia đình trong vụ việc. Luật sư Cao Bá Trung cho biết đã có đơn gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị xử lý trách nhiệm của một số cán bộ, nhân viên tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận