Ba nghị định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2014, cùng thời điểm Luật đất đai 2013 có hiệu lực.
Được bồi thường tiền sửa nhà
Theo nghị định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hộ gia đình cá nhân khi bị thu hồi đất ở nếu không còn chỗ ở nào khác trong cùng địa bàn phường, xã, thị trấn thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất để tái định cư. Nếu đất của người dân có nguồn gốc lấn chiếm nhưng đã sử dụng trước ngày 1-7-2004 (thời điểm Luật đất đai 2003 có hiệu lực), nay Nhà nước thu hồi cũng được giải quyết cho mua nhà hoặc giao đất tái định cư như trên. Người dân bị di dời không đủ điều kiện tái định cư cũng được giải quyết cho mua, thuê mua nhà của Nhà nước. Giá mua, thuê mua và giá tiền sử dụng đất phải nộp do UBND cấp tỉnh quy định (chính sách này đã được UBND TP.HCM áp dụng cho nhiều dự án trong thời gian qua dưới hình thức cho người dân bị di dời mua, thuê mua nhà ở xã hội).
Cũng theo nghị định trên, công trình, nhà ở bị tháo dỡ một phần để giao đất theo quyết định thu hồi của Nhà nước mà phần còn lại không sử dụng được thì Nhà nước phải bồi thường cho toàn bộ công trình. Nếu phần còn lại sử dụng được thì tính thêm chi phí sửa chữa, hoàn thiện phần còn lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của căn nhà cũ.
Ngoài ra, người dân bị thu hồi đất còn được nhận thêm các khoản hỗ trợ mới như hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với trường hợp Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, dịch vụ và người đang thuê nhà ở của người bị thu hồi đất cũng được hỗ trợ chi phí di chuyển tài sản. UBND cấp tỉnh tùy tình hình thực tế của địa phương mà quyết định các mức hỗ trợ khác. Nghị định này giữ nguyên khoản hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp và tìm kiếm việc làm đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp không quá năm lần giá đất nông nghiệp cùng loại trong bảng giá đất của địa phương đối với diện tích trong hạn mức giao đất của địa phương (như nghị định 69 năm 2009 của Chính phủ).
Không áp chung một khung
Theo nghị định về giá đất, khung giá đất được quy định theo vùng kinh tế và loại đô thị (7 vùng kinh tế và 6 loại đô thị) chứ không áp dụng chung một khung như hiện hành. Đặc biệt, khung giá đất do Chính phủ ban hành có cơ chế điều chỉnh linh hoạt: khi giá đất trên thị trường tăng từ 20% so với giá đất tối đa và giảm 20% so với giá đất tối thiểu trong thời gian từ 180 ngày trở lên thì Chính phủ điều chỉnh khung giá đất. Tương tự, bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành năm năm một lần (theo Luật đất đai 2013) cũng sẽ được điều chỉnh khi giá đất trên thị trường tăng từ 30% so với giá đất tối đa và giảm 30% so với giá đất tối thiểu trong thời gian từ 180 ngày trở lên.
Bên cạnh đó, nghị định còn cho phép UBND các tỉnh, thành “vượt rào”, quy định giá các loại đất ở, thương mại dịch vụ tại đô thị, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp không phải là thương mại dịch vụ... cao hơn đến 30% so với khung giá đất (quy định hiện hành chỉ cho vượt quá 20%). Tùy tình hình thực tế ở địa phương, nếu tỉnh có nhu cầu tăng giá các loại đất trên cao hơn quá 30% so với khung giá thì trình Bộ Tài nguyên - môi trường xem xét, quyết định. Đặc biệt, giá đất nông nghiệp trong khu dân cư, trong địa giới hành chính phường thì UBND tỉnh được quy định mức giá cao hơn nhưng không quá 50% so với mức giá tối đa của cùng loại đất trong khung giá đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận