17/09/2013 07:05 GMT+7

Gato à!

DUYÊN TRƯỜNG
DUYÊN TRƯỜNG

TT - Mấy tháng trước, dân chơi Phây (Facebook) ầm ĩ chuyện một cô gái được cho là thế hệ 9X đã phơi rất... trây trên status một “tuyên ngôn cướp giật chồng người”.

Bp17h9sj.jpgPhóng to

Trích đoạn như sau: “Yêu đàn ông đã có vợ thì làm sao. Chúng mày có quyền gì nói tao. Yêu đàn ông có vợ có nhiều tiền, được chiều chuộng, được cung phụng tội gì không yêu... Bọn mày thấy tao sung sướng bọn mày Gato à”.

Nội dung và lời lẽ của tuyên bố trên lập tức được đáp trả bằng nội dung và lời lẽ tương thích, theo đúng phong cách của cộng đồng mạng. Xét thấy không cần phải tường thuật lại...

Chỉ có chuyện về một cái “chữ” không phải người nào cũng biết: Gato (đọc là ga-tô). Gato là gì? Nếu mà không biết thì tra Gu-gồ! Kết quả, không phải là bánh ngọt bánh nghiếc gì cả, mà là “ghen ăn tức ở”. Hóa ra đó là một kiểu diễn đạt, một kiểu chơi chữ dựa trên các con chữ cái.

Dân IT xài 3G

Có hôm đi nghe nói chuyện về kỹ năng giao tiếp, báo cáo viên mở màn bài nói bằng cách tự giới thiệu: “Tôi tên là (...), (...) tuổi, tuổi con (...), trước ốm yếu hom hem, sau đau thận cận thị, nay chuyển sang làm dân ai-ti (IT)...”. Cử tọa còn chưa kịp hiểu, anh liền giải thích: “IT chẳng phải là công nghệ thông tin gì đâu, mà là bây giờ tôi đang bị... ít tóc!”. Cả hội trường cười cái rần khi nhìn thấy người nói đang vuốt vuốt cái đầu hói!

Một hôm khác tại một nhà hàng, một nhà thơ nói với một nhà báo: “Này, đưa cho anh mượn cái eo-đi (LD)”. Cả bàn đang ăn sáng bỗng mở mắt to nhìn nhau ngạc nhiên, không hiểu LD là cái kim khí điện máy thời thượng nào, dĩ nhiên sau đó có ngay đáp án: LD là lửa đốt, tức cái hộp quẹt, cái bật lửa để châm thuốc lá!

Cho nên, từ nay bạn đừng ngạc nhiên khi nghe một đại gia chém gió bằng câu “Tớ lúc này thường xuyên xài ba-gờ (3G)”. 3G là chuyện nhỏ, thời buổi này ai mà không biết sử dụng, anh đạp xích lô, chị bán vé số có khi còn dùng nữa là! Nhưng xin đừng hỏi lại, hỏi lại là mắc bẫy ngay, 3G của lão ấy chính là: gạo quê, gà quê và... gái quê!

Dân copywriter ắt phải biết đến CD, chức danh đình đám nhất trong một hãng quảng cáo: creative director, tức giám đốc sáng tạo, là trùm sáng tạo đứng trên mọi sáng tạo! Mà sáng tạo ắt là... không bình thường, là điên điên khùng khùng, thậm chí phải siêu điên điên khùng khùng! Đó là lý do để “bọn xấu” sáng tạo nên cái nghĩa khác: crazy dog, dịch sang tiếng Việt, ngạc nhiên chưa cũng là CD, chó điên!

Đội hình SBC (săn bắt cướp) một thời nổi tiếng của Công an TP.HCM được một tiệm bán cơm “mượn danh” treo bảng “Cơm tấm SBC”. SBC trong tiệm này thiệt ra chỉ là sườn bì chả, không liên quan gì đến chuyện hình sự! Còn nhà văn Hồ Anh Thái thì cho ngay vào tựa đề một tác phẩm của anh, một truyện dài viết theo phong cách giễu nhại: “SBC là săn bắt chuột”.

Một số nhà báo kháo nhau về cái gọi là “Ủy ban SBC”, tức “săn bắt cớm”, tập hợp những anh chàng chuyên “nâng niu bàn chân sếp”, chuyên hầu hạ, cơm bưng nước rót thủ trưởng, quan trên...

Trung tâm Khuyết tật và phát triển do thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến thành lập với logo và tên tắt tiếng Anh là DRD (Disability Resource and Development) đã mở một hội quán, làm nơi cho người khuyết tật đến sinh hoạt, học tập, phát triển bản thân và hội nhập xã hội, và đặt thành một cái tên rất có ý nghĩa: “Đời Rất Đẹp”!

Cần phải nói ngay là môtip này từng được nhà văn Vũ Trọng Phụng sử dụng từ thế kỷ trước trong tác phẩm Số đỏ, với nhân vật Týp Phờ Nờ, viết là TYPN, có nghĩa là Tôi yêu phụ nữ!

N và M và...

Mỗi chữ cái dĩ nhiên là cũng có tên riêng. Khi gọi tên, cộng với phép đồng âm, “cõi người ta” đã tạo nên nhiều kiểu nói năng rất bất ngờ.

Trên đoạn quốc lộ qua tỉnh Tiền Giang, thấy treo bên vệ đường tấm bảng “Vá F”, hiểu ngay là vá ép vỏ ruột xe... Thương hiệu thời trang “N&M” là Anh và Em.

Công ty DKSH Việt Nam, được nhân viên bổn hãng gọi đùa là Dê Ca Ếch Hát. Do đó, có thể có ngày bạn đọc thấy trên thực đơn mấy chữ ngắn gọn: B thui, D nướng, cháo S, TT ba món... Nếu gặp một quán ăn chỉ ghi vẻn vẹn một con chữ Y thật to, đố bạn đoán biết nơi ấy bán gì? Y dài, tức I - cà - rếch, nói lái biến thành món ếch cà ri! Lại nói về chữ Y. Công ty sách điện tử của Nhà xuất bản Trẻ dùng tên giao dịch là Ybook, với chữ Y từ tiếng Anh là Youth, nhưng không nói quai - búc mà vẫn đọc I - búc để đồng âm với E book: sách điện tử!

Một anh giám đốc khi vui, thường hay kể chuyện đánh vần chữ “khổ”: trước là ca hát ô khô hỏi khổ, còn bây giờ là khờ ô khô hỏi khổ; và bình luận rằng xưa dù khổ vẫn còn ca còn hát, nhưng nay mãi vẫn khổ là bởi vì... khờ! Thiệt là một câu chuyện mà nhiều hàm ý.

Nhưng độc đáo nhất có lẽ là “bài thơ” lục bát chỉ gồm hai câu, được ghi nhận trong Thú chơi chữ của các thầy Lê Trung Hoa và Hồ Lê, xuất bản cách đây hơn 20 năm: N K N H U Ơ/ M K M H M R Q N... Bài thơ này mọi người chỉ nên đọc thầm, đừng gào lên thành tiếng có khi gặp phải hậu quả ngoài ý muốn!

DUYÊN TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên