15/03/2016 15:12 GMT+7

Gặp tác giả “chợ tình” ở Sài Gòn

NGỌC HIỂN thực hiện
NGỌC HIỂN thực hiện

TTO - Câu chuyện 150 bạn trẻ chưa có người yêu ở Sài Gòn tìm đến phiên “chợ tình” được tổ chức ở công viên 23-9, quận 1 (TP.HCM) khiến nhiều người cảm thấy tò mò, xúc động.

Một bạn nữ thẹn thùng để cho chàng trai đeo ruybăng kết bạn vào tay mình - Ảnh: Ngọc Hiển

Ít ai biết rằng, “cha đẻ” của hoạt động này là Văn Đình Khương, chàng trai quê Gia Lai và hiện đang là sinh viên năm hai ngành cơ khí của Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM.  Khương cũng là chủ nhiệm câu lạc bộ “Sống hết mình vì tuổi trẻ”.

Tuổi Trẻ Online đã có cuộc trò chuyện thú vị với chàng trai “độc thân vui tính” này:

* Chào Khương, tại sao bạn lại tổ chức “chợ tình” ở Sài Gòn?

- Ý tưởng tổ chức phiên “chợ tình” này nảy sinh từ một chuyến du lịch leo lên đỉnh Fansipan (Lào Cai) diễn ra vào tháng 12 năm ngoái.

Trước đó, mình đã tổ chức chương trình “Before I die, I want to”, tức là trước khi chết tôi muốn làm điều gì đó, dành cho các bạn trẻ ở Sài Gòn. Riêng bản thân thì mình ước được leo lên đỉnh Fansipan cho nên mình đã dành dụm tiền, lên kế hoạch để thực hiện cho bằng được mong muốn đó.

Và cũng nhờ chuyến đi đó, mình được tham gia phiên chợ tình Sa Pa ở thị trấn Sa Pa (Lào Cai). Trực tiếp đến chợ tình, nhìn thấy những chàng trai cô gái người Mông, Dao... ở thung lũng Mường Hoa nườm nượp đến chợ mình thấy rất lạ.

Sau đó, mình đặt câu hỏi tại sao ở Sài Gòn không có một phiên chợ như thế? Phiên chợ dành cho những bạn trẻ độc thân, đến để tìm hiểu nhau, kết bạn với nhau một cách thân tình. Dó đó, mình đã gắng hết sức để thiện thực hóa mong muốn đó.

Văn Đình Khương tại buổi “chợ tình” - Ảnh: Thiều Minh

* So với chợ tình Sa Pa, “chợ tình” ở Sài Gòn có gì khác nhau?

- Ở chợ tình Sa Pa, các chàng trai, cô gái tham gia các trò chơi dân gian, họ thổi khèn lé, thổi sáo réo rắt nói lên tiếng lòng của nhau. Khi cô gái mà ưng ý một chàng trai nào đó thì vỗ mông chàng trai đó, nếu chàng trai đồng ý thì vỗ lại.

Tuy nhiên, khi mang những nét truyền thống của vùng Tây Bắc đó về đây thì “hơi kỳ” nên mình đã sáng tạo ra phần “bịt mắt bắt cặp”, tức là mọi người chọn cặp cho nhau theo sự ngẫu nhiên. Điểm khác biệt nữa là ở Sa Pa nó mang giá trị thuyền thống, nó là phong tục đẹp của người dân tộc thiểu số.

Còn ở Sài Gòn mình chỉ dựa trên ý tưởng đó để xây dựng một buổi giao lưu, kết bạn và xa hơn nữa là có thể đi đến tình yêu chứ nó không có những giá trị truyền thống ở đó.

* Có ý kiến cho rằng hoạt động này đang cổ vũ cho việc “yêu nhanh, yêu vội” của giới trẻ, bạn nghĩ sao?

- Sở dĩ mình gọi hoạt động này là “chợ tình” để mọi người dễ hình dung chứ trên thực tế đây là một buổi kết bạn, se duyên dành cho giới trẻ. Mọi người đến để làm quen với nhau, tìm hiểu nhau bằng những rung cảm chân thành.

Tình yêu thực sự nó rất thiêng liêng và con người ta cần phải có thời gian để chiêm nghiệm. Ở mức độ một sân chơi, mình chỉ muốn hướng các bạn đến niềm vui, tạo ra sự hứng khởi, những điều mới lạ để thay đổi cuộc đời mình.

Có nhiều bạn đến sân chơi này chưa một lần bị “để ý” chưa yêu và được yêu. Do đó, mình muốn họ có một nơi để bước ra cái “vỏ bọc” của chính mình để gạt đi sự tự ti hay những rào cản thường nhật mà sống hết mình.

Chính những điều đó cũng sẽ là động lực để họ học tập tốt hơn, mạnh dạn hơn và quan trọng hơn là có những người bạn mới.

Trong tương lai, mình sẽ tiếp tục duy trì phiên “chợ tình” này và tổ chức thêm những hoạt động khác, mới mẻ hơn cũng với mục tiêu là làm sao tạo cho giới trẻ một sân chơi khơi dậy nhiệt huyết của tuổi trẻ.

Các bạn trẻ tham gia những trò chơi thú vị - Ảnh: Ngọc Hiển

* Trong các hoạt động của “chợ tình”, bạn tâm đắc nhất hoạt động nào?

- Có một hoạt động mình cảm thất nó rất ý nghĩa đó là khoảng thời gian giao tiếp bằng mắt. Khi đó, mọi người có những giây phút lắng đọng.

Họ nhìn nhau, cảm nhận vẻ đẹp của tâm hồn, sự chân thành qua đôi mắt nhau chứ không phải qua vẻ bề ngoài hay cái tuổi tác, giàu nghèo. Mình chỉ nhìn họ bằng sự cảm nhận của tâm hồn chứ không phải những gì họ có thuộc về vẻ bề ngoài thường thấy.

* Bạn là người sáng lập và cũng là người điều hành câu lạc bộ “Sống hết mình vì tuổi trẻ”. Bạn muốn điều gì khi sáng lập câu lạc bộ này?

- Thời nay, có rất nhiều người “sống mòn”. Có nghĩa là, suốt ngày họ cứ sống bình bình, không có gì đột phá, không có ước mơ, không có hoài bão cho tương lai. Họ suốt ngày ở trong phòng với bốn bức tường với chiếc máy tính hay cái điện thoại thông minh trên tay.

Trong khi đó, tuổi trẻ lẽ ra họ phải bay nhảy, phải hết mình trong học tập, trong cuộc sống cũng như trong công việc. Ngay cả chuyện chơi cũng phải hết mình, làm gì cũng nên nhiệt tình và hết sức mình mới xứng đáng tuổi trẻ.

Mình cho rằng tuổi trẻ có ước mơ và phải dám thực hiện ước mơ đó nên mình thành lập câu lạc bộ “Sống hết mình vì tuổi trẻ”. Câu lạc bộ thành của mình mới lập được một năm nhưng có 400 người tham gia online và có 40 là thành viên sinh hoạt thường xuyên.

Năm ngoái, chương trình “Before I die, I want to” là một chương trình có nhiều ý nghĩa, các bạn đã viết nên những ước mơ của mình trước khi mình chết.

Qua đó, họ biết những điều họ ước muốn nếu như mai là tận thế và họ đã nhận ra rằng họ phải sống một cuộc sống khác hẳn so với hiện tại. Nhiều người đã viết thư xin lỗi, những lời cảm ơn cho cha mẹ mình hay những người đã lên kế hoạch để đi du lịch, trải nghiệm đất nước mà trước đó họ chưa từng nghĩ tới.

Nguyễn Thị Bảo Ngọc (sinh viên ĐH Công nghiệp) được một chàng trai thổ lộ tình cảm qua bài hát Mùa ta đã yêu - Ảnh: Ngọc Hiển

* Bạn cảm nhận ra sao mỗi khi tổ chức những hoạt động đó?

Đó là niềm vui. Niềm vui của mình đó là nhìn thấy nụ cười trên môi, niềm hạnh phúc trên khuôn mặt của những người khác.

Mình làm những người khác vui, làm những điều có ít cho họ là mình thấy bản thân cũng được vui theo. Bản thân cũng học được nhiều điều, đó là bài học sự sẻ chia khi bên cạnh mình luôn luôn có những người bạn đầy nhiệt huyết đồng cam cộng khổ để đem niềm vui đến cho người khác.

Nhiều du khách nước ngoài chăm chú dõi theo phiên “chợ tình” - Ảnh: Ngọc Hiển

Một sân chơi ý nghĩa

Bạn Nguyễn Thị Hồng Thủy (sinh viên ĐH KHXH&NV TP.HCM), cho biết mỗi người đăng ký tham gia chợ tình phải đăng ký trước và đóng 50.000 đồng để ban tổ chức thuê loa máy, người dẫn chương trình…

Theo Thủy, đây là một sân chơi “điểm” đúng tâm lý của giới trẻ và ý nghĩa ở chỗ kết nối được cộng đồng.

“Đến đây mình thấy mình mạnh dạn hơn, vui hơn và học được sự cởi mở. Cũng chính vì điều đó mà đã có bạn trai xin số điện thoại của mình để làm quen, vui lắm” - Thủy nói..

NGỌC HIỂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên