Đi và ghi nhớ có khoảng 60 bài mang tính chất khảo cứu của nhà văn Sơn Nam đã được in trên tạp chí Xưa Và Nay.
Cuốn sách có rất nhiều bài viết hữu ích để người đọc tham khảo, tìm hiểu lịch sử - văn hóa không chỉ Sài Gòn mà còn ở các tỉnh miền Tây, các vùng miền khác trên đất nước. Tập sách này đã được tạp chí Xưa Và Nay in năm 2014, nay NXB Trẻ in lại.
Quyển Nhà văn Sơn Nam - Những góc đời riêng lạ tập hợp những bài viết của các nhà văn, nhà báo thân thiết với Sơn Nam viết về ông. Và phần đặc biệt khiến nhiều người tò mò là những bài viết của con gái ông, bà Đào Thúy Hằng, viết về ba mình.
Bà Hằng tâm sự không có ý định viết hồi ký về ba Sơn Nam. Bà chỉ đơn giản đăng những tâm sự của mình về ba trên trang Facebook cá nhân vào những ngày giỗ ông.
Vô tình một biên tập viên của NXB Trẻ đọc được và khuyến khích bà đưa những bài viết đó vào sách để độc giả yêu mến hiểu thêm về một nhà văn Sơn Nam trong gia đình.
Bà Hằng nói cuộc sống của Sơn Nam có thể nói là tha phương cầu thực, ông tới chỗ nào ở được thì sống ở đó. Sơn Nam ít về nhà, ban đầu một tuần một lần, sau đó từ từ vài ba tháng về một lần.
Nhưng trong ký ức của bà Hằng, ba Sơn Nam vẫn rất thân thương, tình cảm. Đi đâu ông cũng cõng bà theo. Là nhà báo, nhà văn tên tuổi nhưng khi Sơn Nam về nhà việc gì cũng làm. Tánh tình bộc trực, sống chan hòa với mọi người nên ông được bạn bè cực kỳ yêu quý.
Bà Hằng kể đi tới đâu cứ nói con Sơn Nam là bà được bạn bè của ba giúp đỡ, cho tiền như soạn giả Kiên Giang, ông chủ hãng xe Đồng Tháp - Sài Gòn Tư Thinh...
Bà Quách Thu Nguyệt chia sẻ khi Sơn Nam mất, bà từng lo lắng không biết mai này ai sẽ là người thay thế Sơn Nam. Nhà văn Ngô Khắc Tài bày tỏ sự khâm phục Sơn Nam những quan sát kỹ lưỡng, tinh tế những kiến thức, vốn sống tích lũy dày dặn mà ông học hoài cũng chưa hết.
Nhà báo Nguyễn Trọng Chức kể hồi báo Tuổi Trẻ tổ chức cuộc thi Sài Gòn 300 năm, Sơn Nam trong ban giám khảo nên gần như ngày nào ông cũng gặp gỡ nhà văn.
Điều ông quý ở Sơn Nam là kiến thức rất sâu rộng. Sơn Nam thường xuyên vào thư viện để đọc, nghiên cứu. Thư viện của báo Tuổi Trẻ cũng là nơi ông ở lại suốt để đọc tài liệu.
Sơn Nam là người ham đi, ham tìm hiểu. Và những đúc kết của ông luôn gần gũi, dễ tiếp cận. Như nhà thơ Phan Hoàng nói rằng: "Sơn Nam dư sức "làm xiếc" với câu chữ nhưng ông chọn cách viết giản dị, đó là một sự lựa chọn độc đáo và không dễ làm được".
Nhà thơ Lê Minh Quốc thì cho rằng Sơn Nam không chỉ dừng ở tầm vóc là nhà Nam Bộ học, cây bút của văn hóa phương Nam mà phải đặt Sơn Nam ở vị trí lớn trong tổng thể văn hóa Việt Nam.
Ông cũng đồng tình với nhà báo Lam Điền khi với một sự nghiệp, đóng góp lớn như thế nhưng rất tiếc Sơn Nam vẫn không có giải thưởng nào.
Ông Phan Hoàng đề nghị ba năm nữa là 100 năm ngày sinh Sơn Nam, NXB Trẻ nên phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức lễ kỷ niệm và hội thảo mang tầm quốc gia để thế hệ sau gìn giữ và tiếp nối những giá trị của nhà văn Sơn Nam.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận