22/06/2014 03:35 GMT+7

Gặp các cổ động viên Việt trên sân Maracana

TRUNG NGHĨA
TRUNG NGHĨA

TT - Giữa sân Maracana đông nghịt gần 75.000 CĐV rền vang như chảo lửa, bỗng xuất hiện một cụ ông 72 tuổi đến từ Việt Nam mặc áo đỏ có ngôi sao vàng rực giữa ngực cùng dòng chữ “Brasil World Cup” rất điệu đàng...

Vóc người rắn rỏi, luôn cười tươi và cổ vũ “sung” không thua gì các CĐV nước ngoài cao to ngồi xung quanh, ông Nguyễn Thế Truyền, người gốc Hà Nội định cư ở TP.HCM và là giảng viên khoa thống kê - toán Trường đại học Kinh tế - luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), trông trẻ, khỏe hơn nhiều so với tuổi 72 của mình.

Từ tivi Saturn đến sân Maracana

“Cả đời tôi chỉ có hai niềm đam mê là bóng đá và du lịch. Biết World Cup diễn ra tại Brazil, tôi lên kế hoạch và dành dụm tiền từ rất lâu rồi được con cháu động viên theo đuổi chuyến đi này” - ông Truyền nói khi gặp PV Tuổi Trẻ tại thánh địa Maracana.

Ngồi giữa đám đông CĐV Chile lẫn Brazil trên khán đài, tuy không hiểu ngôn ngữ của nhau nhưng ông Truyền rất vui vì chỉ cần tay bắt mặt mừng và cùng cổ vũ những đường bóng đẹp dưới sân là đã nhanh chóng trở nên như người quen thân lâu ngày. “Bóng đá tuyệt vời ở chỗ đấy. Ngày đầu đến Brazil, khi xem bóng đá qua tivi ở các quán ngoài phố, người dân Brazil tròn xoe mắt ngạc nhiên khi biết tôi là CĐV đến từ Việt Nam. Thế rồi lập tức họ bá vai, mua bia mời uống khi đội Brazil ghi bàn thắng nữa. Không khí vui quá vui!”, ông Truyền kể.

Bước vào sân Maracana, chụp ảnh chung cùng các CĐV và tình nguyện viên World Cup, ông Truyền thấy mình như trẻ lại và tâm sự: “Đi xem World Cup thấy tinh thần sung lên, cơ thể khỏe khoắn như tuổi 20! Tôi hết chụp ảnh rồi quay phim để mang về cho con cháu bên nhà cũng trải nghiệm không khí bóng đá ở Brazil. Tận mắt chứng kiến mới thấy World Cup mang đến cho con người nhiều cung bậc cảm xúc như thế nào qua những CĐV hóa trang, vẽ mặt rực rỡ đủ mọi hình thức từ hài hước đến quái dị hay tinh thần dân tộc, yêu nước, yêu đội bóng quê hương của họ”.

Ông Truyền nhấp nháy ánh mắt nhớ lại: “Ngày xưa thời Mexico 1986, tôi coi bóng đá qua chiếc tivi đen trắng hiệu Saturn 24 inch của Tiệp Khắc (cũ). Giờ đây được tận mắt chứng kiến World Cup trên sân Maracana, âu cũng là chứng tỏ người Việt mình đời sống kinh tế đã phát triển nhiều so với trước và tình yêu bóng đá thì không thua kém dân tộc nào trên thế giới”.

Những trải nghiệm thú vị

Ông Truyền là người cao tuổi nhất trong nhóm 24 CĐV Việt Nam hiện ở Brazil. Trong đoàn còn có những người mê bóng đá thứ thiệt như vợ chồng cô chú Vũ Thị Hiền và Phan Khắc Long (làm nghề xây dựng công nghiệp) từng đi xem VCK World Cup 2006 ở Đức. “Chúng tôi thích hòa vào lễ hội, tìm hiểu văn hóa, tình yêu thể thao, tập tính dân tộc các nước và World Cup chính là nơi chứa đựng hết các yếu tố thú vị này” - ông Long cho biết. Làm xây dựng nên ông quyết tâm đến Maracana để quan sát và thán phục “kết cấu hạ tầng và thiết kế mỹ quan của sân phải nói là hoàn hảo và quá đẹp”.

Cô Hiền thì không sao quên được cảm giác đầy tự hào khi ngồi trong sân Maracana và được các CĐV Brazil, Chile, Argentina... trầm trồ khi biết cô đến từ Việt Nam. “Lúc họ hô to “Viva Vietnam” mình thấy vui và cảm động lắm. Cảm thấy bao mệt nhọc và ưu phiền vơi bớt” - cô Hiền bày tỏ.

Trong khi đó, ông Truyền chia sẻ: “Tôi nghĩ việc CĐV Việt Nam xuất hiện tại một ngày hội đề cao tinh thần hòa bình, bình đẳng như World Cup, cùng mọi CĐV hòa chung nhịp đập thể thao, cổ vũ lối chơi đẹp và tôn trọng lẫn nhau giữa các đội bóng cũng là một thông điệp về Việt Nam với mọi người”.

[box]Truyền thông và chuyện vui buồn ở World Cup

Những trang nhật báo ở Brazil những ngày này tràn ngập tin bài về World Cup từ trang nhất cho đến hàng tá trang chuyên đề bên trong. Các nhà báo giống như một đội tuyển thứ 33 - “đội tuyển truyền thông” dự giải và chạy đua đưa những tin tức, hình ảnh World Cup nóng hổi đến toàn thế giới.

Dù nước chủ nhà Brazil hết sức tăng cường an ninh và FIFA tạo điều kiện làm việc thuận lợi cho nhà báo, World Cup 2014 vẫn khởi đầu với kỷ niệm buồn đối với giới truyền thông. Nhà báo Andy Hunter của tờ Observer than phiền về sự “hỗn loạn” tại sân bay, ồn ào trên xe buýt, tiếng còi xe inh ỏi ngoài đường... Nữ phái viên Barbara Mohr của tạp chí DW (Đức) gặp khó khăn trước tình trạng quán xá đóng cửa, đường phố vắng tanh không thể mua được gì vào những ngày người dân Brazil... thích nghỉ buôn bán để xem bóng đá!

Dù vậy, công nghệ và trào lưu xã hội mới đã giúp các nhà báo tại World Cup tác nghiệp hiệu quả và sôi động hơn. Các nhà báo tụ họp và tích cực phản ánh thông tin nóng qua mạng xã hội như Twitter hay Facebook để rồi chính các tòa soạn báo điện tử dẫn lại nguồn tin, ảnh từ phóng viên mình trên mạng xã hội để sản xuất ra những bản tin điện tử đa phương tiện (tin ngắn, ảnh, clip) tuy phương thức “phi truyền thống” song mang lại lượng người xem tăng vọt nhờ sức phát tán của mạng xã hội hôm nay.

TRUNG NGHĨA (từ Belo Horizont)[/box]

TRUNG NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên