13/02/2019 09:22 GMT+7

Gần đến hạn chót, thu phí không dừng vẫn ì ạch, dang dở

TUẤN PHÙNG thực hiện
TUẤN PHÙNG thực hiện

TTO - Thu phí tự động không dừng (ETC) đối với ôtô qua trạm BOT được xem là giải pháp minh bạch và thuận tiện cho giao thông nhưng sau 3 năm triển khai vẫn còn dang dở, trong khi hạn chót buộc phải thu phí tự động không dừng đã cận kề: 31-12-2019.

Gần đến hạn chót, thu phí không dừng vẫn ì ạch, dang dở - Ảnh 1.

Trạm thu phí Long Phước của cao tốc Long Thành - Dầu Giây mỗi chiều chỉ có một làn thu phí tự động - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Liên quan đến vấn đề này, Tuổi Trẻ đã trao đổi với ông Tô Nam Toàn - vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế của Tổng cục Đường bộ Việt Nam. 

Ông Toàn cho biết: Kế hoạch của Bộ GTVT là đến 31-12-2019, tất cả các trạm thu phí do bộ quản lý đều sử dụng ETC, mỗi trạm chỉ để lại 1 làn hỗn hợp (ETC + MTC) trên mỗi chiều đường. Trước đây Bộ GTVT yêu cầu triển khai ETC tất cả các làn tại trạm thu phí. 

Nhưng thực tiễn các nước không triển khai tất cả các làn ETC nên Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng cho phép mỗi làn mỗi chiều đường để thu phí hỗn hợp.

* Vẫn còn nhiều trạm thu phí chưa hoàn thành lắp ETC trong giai đoạn 1. Do đâu, thưa ông?

- Nếu so với mục tiêu ban đầu của dự án ETC trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14 là đưa vào khai thác 28 trạm có 2 làn ETC vào cuối năm 2018 là thành công. Nhưng so với số trạm bổ sung và mong muốn đưa hết các làn thu phí của những trạm trên vào thu phí ETC thì chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân là năng lực của nhà cung cấp dịch vụ ETC chưa đáp ứng được do phương án tài chính chưa đảm bảo. Dẫn đến giải ngân của ngân hàng cho nhà cung cấp dịch vụ ETC không theo được phương án tài chính dự án khiến họ không đủ kinh phí nhập vật tư thiết bị về lắp cho các trạm thu phí.

Nguyên nhân thứ hai là một số nhà đầu tư BOT tìm cách gián tiếp cản trở việc triển khai ETC. Hoặc có dự án cho rằng tỉ lệ sử dụng ETC chưa cao nên chưa bàn giao mặt bằng để triển khai các làn ETC còn lại.

* Vậy lộ trình thu phí tự động đến 31-12-2019 toàn bộ trạm thu phí phải thực hiện ETC có đảm bảo thực hiện được?

- Chắc sẽ đảm bảo được tất cả các trạm BOT thu phí ETC trước 31-12-2019. Nhưng để đảm bảo triển khai ETC tất cả các làn của mọi trạm thu phí đều ETC thì chưa chắc chắn. Bởi vì còn phải xem xét hiệu quả của việc làm tất cả các làn ETC. 

Hiện nay một số trạm BOT đề nghị chỉ làm số làn ETC bằng số làn đường. Như trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có 14 làn thu phí trong khi chỉ có 6 làn đường. Nếu làm tất cả 16 làn ETC thì có thể lãng phí đầu tư.

Gần đến hạn chót, thu phí không dừng vẫn ì ạch, dang dở - Ảnh 2.

Trạm thu phí TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây sáng mùng 3 tết hiếm xe chạy bên làn thu phí tự động - Ảnh: T.T.D.

* Hiện nay cả nước có hơn 3,88 triệu ôtô nhưng chỉ mới có 680.000 xe dán thẻ để trả phí tự động. Theo ông, vì sao ETC chưa thu hút được chủ xe?

- Nguyên nhân là số trạm có làn ETC chưa nhiều nên xe dùng ETC chưa tiện. Trong khi có những xe gia đình chủ yếu đi chặng ngắn mà khu vực đó chưa có trạm thu phí ETC nên họ không sử dụng. 

Hầu hết xe kinh doanh vận tải liên tỉnh đã dùng ETC vì chủ xe thấy tiện lợi hơn việc giao tiền mặt cho lái xe trả phí, tránh được việc lái xe né trạm thu phí nhưng vẫn xin vé về để thanh toán với chủ xe.

* Có cần bắt buộc chủ xe dán thẻ ETC để sử dụng phí không dừng, theo ông?

- Vấn đề này hiện vẫn đang còn tranh luận. Vì việc sử dụng đường có trả phí không phải là dịch vụ bắt buộc. Tổng cục Đường bộ VN từng đề xuất với Bộ GTVT nghiên cứu bắt buộc một số xe như xe kinh doanh vận tải phải dán thẻ ETC nhưng như vậy làm tăng điều kiện về kinh doanh vận tải nên phải cân nhắc.

* Chủ xe đòi tính lãi suất số dư trong tài khoản ETC. Việc này có thực hiện được không?

- Việc trả lãi cho số dư trong tài khoản ETC phải tuân theo các quy định pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng. Tổng cục Đường bộ VN đã làm việc với Ngân hàng BIDV để làm rõ vấn đề này, tuy nhiên đến nay BIDV vẫn chưa có câu trả lời chính thức. 

Tham khảo ở Đài Loan, họ cho phép kết nối với tài khoản ngân hàng để duy trì hạn mức tối thiểu trong tài khoản ETC. Ví dụ xe đi qua trạm chỉ hết 35.000 đồng/lượt thì chỉ duy trì mức đó trong tài khoản ETC. Khi xe đi qua trạm, tài khoản ngân hàng lại tự động chuyển 35.000 đồng vào tài khoản ETC để đi trạm tiếp theo như cơ chế bình thông nhau.

Còn thêm hình thức trả phí như quẹt thẻ tín dụng cũng không phải dễ. Bởi vì hiện nay thẻ tín dụng đều thu phí giao dịch. Trong khi quy định nhà đầu tư BOT thu trọn 35.000 đồng/xe thì họ không được trích lại phần trăm trả phí giao dịch nên không ngân hàng nào đặt thiết bị quẹt thẻ để thu phí ở đó.

* Vậy có thể cho phép liên kết thẻ ngân hàng với tài khoản ETC để trả phí BOT sau khi xe qua trạm?

- Vừa rồi Tổng cục Đường bộ đề nghị ngân hàng cho thực hiện việc này. Bởi vì tốc độ xử lý của ngân hàng từ 0,9 đến 2 giây mới hoàn thành giao dịch, báo tín hiệu mở barie trạm thu phí. 

Trong khi xe qua trạm thu phí với vận tốc 40km/h không phải dừng thì thời gian nhận diện xe đến mở barie cần 0,6 giây. Nếu chậm hơn thì gây ùn tắc hoặc tai nạn vì xe đâm vào barie. Vì vậy, cần kết nối tài khoản khác hoặc chuyển sang trả sau.

Hiện nay quyết định 07 của Thủ tướng cho ghi nợ nếu tài khoản ETC không còn tiền, trong vòng 10 ngày phải trả tiền. Nếu không trả thì nhà cung cấp dịch vụ ETC khởi kiện. Nhưng nhà đầu tư ETC nói thu 1 xe 35.000 đồng mà phải đi khởi kiện thì chi phí khởi kiện còn tốn kém hơn nhiều lần.

Gần đến hạn chót, thu phí không dừng vẫn ì ạch, dang dở - Ảnh 3.

Đồ họa: V.CƯỜNG

* Việc nhà đầu tư BOT chây ì thực hiện ETC hay người dân chưa hào hứng tham gia là có cả trách nhiệm của quản lý nhà nước khi dự án BOT giai đoạn đầu chưa quy định phải thu phí tự động, thưa ông?

- Đúng là hành lang pháp lý có độ trễ. Việc khắc phục chỉ bằng cách hoàn thiện hành lang pháp lý vì ETC là vấn đề mới mà ngay từ đầu chưa lường trước được nên cần phải điều chỉnh. 

Quyết định 07 của Thủ tướng quy định nạp tiền trả trước vào tài khoản ETC nhưng để thuận tiện thì cần có hình thức trả sau. Việc này liên quan đến nhiều vấn đề pháp lý cần bổ sung.

Chưa được dùng tiền thu phí để đầu tư hệ thống ETC

Với việc đầu tư ETC trên 4 tuyến đường cao tốc của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam - VEC, ông Toàn cho biết VEC có báo cáo với Bộ GTVT cho phép tự đầu tư hệ thống ETC tại trạm thu phí. Nhưng đến nay mới có tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình có tiền đầu tư.

Còn các tuyến khác chưa có tiền đầu tư 220 làn thu phí ECT. VEC muốn trích tiền thu phí ra để đầu tư nhưng cơ chế chưa cho phép nên Bộ GTVT đề nghị VEC báo cáo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại các doanh nghiệp xin ý kiến về việc này.

Thu phí tự động tại trạm BOT: làm đi, hứa hoài! Thu phí tự động tại trạm BOT: làm đi, hứa hoài!

TTO - Hai đối tượng nổ súng ở trạm thu phí BOT Dầu Giây (Đồng Nai) cướp số tiền hơn 2,2 tỉ đồng vào ngày mùng 3 tết. Sự việc khiến mọi người nghĩ đến việc quản lý khoản tiền mặt rất lớn ở các trạm thu phí và cách thu phí hiện nay.

TUẤN PHÙNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên