05/05/2022 07:46 GMT+7

Gần đây, trẻ đuối nước nhiều quá, ngăn chặn quá khó

NHÓM PHÓNG VIÊN
NHÓM PHÓNG VIÊN

TTO - Cuối tháng 3 đến nay, Đắk Lắk xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Vùng ĐBSCL, An Giang năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1-2022 có bốn trường hợp trẻ đuối nước. Tiền Giang từ năm 2021 đến nay có 13 trẻ em đuối nước...

Gần đây, trẻ đuối nước nhiều quá, ngăn chặn quá khó - Ảnh 1.

Một cách “phổ cập” bơi lội sáng tạo: người dân tự tổ chức tập bơi cho trẻ trên sông Hồng (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Gần đây có quá nhiều trẻ em bị đuối nước, tử vong. Các địa phương đã có chương trình phòng ngừa ra sao để các em không gặp nguy hiểm trước sông, suối?

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo đối với các bộ ngành, tỉnh thành về phòng chống tai nạn, thương tích, đuối nước với trẻ em, học sinh. Ngày 4-5, Bộ GD-ĐT cũng có công điện gửi giám đốc sở GD-ĐT các tỉnh thành về vấn đề này, nhất là khi mùa hè đang đến gần.

Vậy đâu là nguyên nhân khi gần đây có quá nhiều trẻ em bị đuối nước, tử vong? Các địa phương đã có chương trình phòng ngừa ra sao để các em không gặp nguy hiểm trước sông, suối?

Mất mát đau lòng

Chỉ tính từ cuối tháng 3 đến nay, tỉnh Đắk Lắk đã xảy ra 7 vụ đuối nước khiến 16 trẻ em thiệt mạng. Phần lớn các trường hợp đuối nước đều xảy ra gần khu vực sinh sống, gia đình hết sức khó khăn nên rất thương tâm... Như ngày 10-4, ba em học sinh tại Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Đliê Ya, huyện Krông Năng) rủ nhau ra một hồ nước trong buôn để bắt ốc nhưng không may rơi vào vùng nước sâu, cả ba em tử vong.

Ngày 18-4 tại xã Hòa An (huyện Krông Pắk) cũng xảy ra vụ đuối nước khiến ba em học sinh lớp 4 tử vong. Cả ba em đều có hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, trong đó một em từ nhỏ đã sống cùng bà nội. Cụ thể, một nhóm năm học sinh rủ nhau ra đập Bà Tỵ (huyện Krông Pắk) chơi. Trong lúc vui đùa tại khu vực tràn nước, không may ba em bị trượt chân ngã xuống hố nước sâu. Thấy vậy hai em còn lại ở trên bờ chạy đi gọi người đến cứu. Tuy nhiên khu vực đập vắng vẻ, ít người qua lại nên khi đến nơi cả ba em đã tử vong.

Gần đây nhất, ngày 1-5 nhân dịp nghỉ lễ, hai học sinh tiểu học tại xã Hòa Thuận, TP Buôn Ma Thuột xin gia đình đi chơi nhưng đến chiều thì phát hiện chết đuối thương tâm tại hồ nước gần nhà. Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk, trong hai năm 2020 và 2021 tỉnh Đắk Lắk xảy ra 102 vụ đuối nước khiến 121 trẻ tử vong.

Còn tại các tỉnh miền Tây, do đặc điểm sông ngòi chằng chịt nên cũng thường xuyên xảy ra tình trạng trẻ bị đuối nước. Theo thống kê của Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh Đồng Tháp, từ đầu năm 2022 đến nay đã xảy ra bảy trường hợp trẻ đuối nước. Còn năm 2021 tỉnh xảy ra 18 trường hợp trẻ em đuối nước. 

Riêng tại tỉnh An Giang, năm 2021 có 12 trường hợp và quý 1-2022 có bốn trường hợp trẻ đuối nước. Theo thống kê tại tỉnh Tiền Giang từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 13 trường hợp đuối nước ở trẻ em.

Gần đây, trẻ đuối nước nhiều quá, ngăn chặn quá khó - Ảnh 2.

Du khách chèo thuyền ở hồ Trị An, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai chiều 1-5 - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà trường cũng... đuối

Chỉ riêng việc dạy bơi cho trẻ cũng là bài toán khó cho ngành giáo dục và nhà trường, đó chính là kinh phí xây và vận hành hồ bơi, dù nhiều địa phương đã nỗ lực đầu tư nhưng chỉ như muối bỏ biển.

Ông Lê Bá Cường - trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông - cho biết hiện tỉnh có 18 hồ bơi trong trường học theo kế hoạch do UBND tỉnh bố trí kinh phí. Các hồ được bàn giao nhưng không đủ kinh phí vận hành. Hiện Nhà nước chỉ chi tiền xây, chủ yếu ở các vùng khó khăn, vùng sâu nhưng lại không có đủ kinh phí để vận hành.

"Kinh phí gồm tiền vệ sinh, thuê giáo viên dạy, điện nước... Vùng sâu vùng xa, gia đình các em không mấy khá giả nên việc thu kinh phí cũng là một vấn đề khó", ông Cường nói.

Tại Trường tiểu học Hoàng Hoa Thám (xã Đắk N’Drot, Đắk Mil) có một hồ bơi di động được đưa vào vận hành từ năm 2019. Tuy nhiên, thầy Phạm Lý Dương - hiệu trưởng nhà trường - cho hay mỗi tháng việc vận hành hồ bơi hết khoảng 10 triệu đồng nhưng nhà trường chỉ đáp ứng được từ 2 - 2,5 triệu đồng. Do là địa bàn khó khăn nên mỗi quý nhà trường chỉ thu mỗi học sinh 50.000 đồng chi phí vận hành hồ bơi nhưng vẫn không đủ. Giáo viên hướng dẫn mỗi tháng chỉ nhận được một chút thù lao "xăng xe", còn chủ yếu phải động viên các thầy "vì học sinh". "Hiện nhà trường đã đề xuất xin thêm kinh phí để vận hành hồ bơi này, tuy nhiên cũng chưa rõ khi nào được cấp", thầy Dương bộc bạch.

Còn tại Quảng Trị, Trường THPT và THCS Bến Hải, huyện Vĩnh Linh là một trong số ít trường đã xây dựng được hồ bơi ngay trong trường để dạy bơi cho học sinh. Thầy Hồ Ngọc Sức, hiệu trưởng nhà trường, cho biết hồ bơi này có diện tích hơn 200m2 là cả một sự cố gắng, chuẩn bị của trường trong mấy năm trời.

Bà Lê Thị Hương, giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cũng cho biết: "Xây hồ bơi hết 500 - 600 triệu đồng, phải có đề án trình lên hội đồng nhân dân tỉnh thì việc phổ cập bơi mới có khả năng thành hiện thực".

Gần đây, trẻ đuối nước nhiều quá, ngăn chặn quá khó - Ảnh 3.

Nguồn: Cục Trẻ em, Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Đồ họa: TUẤN ANH

Địa phương đồng loạt chỉ đạo chống đuối nước!

Dự báo nguy cơ trẻ đuối nước có thể tăng trong mùa hè, ngày 25-4 ông Trần Anh Tuấn - phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - đã yêu cầu huy động sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể, cộng đồng xã hội trong phát hiện, giám sát, cảnh giới, đồng thời gia cố, cải tạo các khu vực có nguy cơ gây tai nạn cho trẻ em, đặc biệt là khu vực có nguy cơ gây đuối nước.

Bà Trần Thị Ngọc Diễm - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh An Giang - thông tin ngành giáo dục tiếp tục triển khai và lồng ghép chủ trương, hướng dẫn của trung ương và địa phương vào giảng dạy tự chọn bơi và cứu đuối, phổ cập bơi... 

Trong khi đó, để phòng chống đuối nước có hiệu quả ở trẻ em, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện chương trình bơi an toàn, phòng chống đuối nước trẻ em trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2021-2030.

Riêng tại Cần Thơ, ông Trần Thanh Bình - giám đốc Sở GD-ĐT TP Cần Thơ - cho biết hằng năm tất cả đội ngũ giáo viên đều được tập huấn thường xuyên về phòng chống đuối nước cho học sinh các cấp. Cụ thể, đưa ra các nguy cơ và tình huống xảy ra do đuối nước như tắm ao hồ, vui chơi tại các khu vực đang xây dựng có lấp cát, tuyệt đối không tụ tập đi chơi khi không có người lớn giám sát... 

Ngoài ra, sở phối hợp với chính quyền tại địa phương tổ chức công tác bàn giao trẻ em, học sinh trước khi nghỉ hè và tổ chức các lớp học bơi, lớp học kỹ năng an toàn, phòng chống đuối nước cho học sinh tham gia.

Còn theo ông Phan Thanh Hải - phó giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Đắk Nông, việc tuyên truyền về an toàn, phòng chống đuối nước được tỉnh thực hiện hằng năm thông qua nhiều chương trình. Với tình trạng trẻ em tử vong do đuối nước phức tạp, ngày 8-4 UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công văn về việc tăng cường các biện pháp phòng chống đuối nước cho trẻ em.

Tình trạng trẻ em bị đuối nước tử vong diễn ra thời gian dài, nhất là dịp lễ, nghỉ hè làm mọi người sửng sốt. Liệu các địa phương đồng loạt có chỉ đạo về chống đuối nước cho trẻ mà thiếu những hành động thiết thực sẽ khó làm thay đổi thực trạng trẻ tử vong do đuối nước.

Trẻ chưa quen nhận biết "vùng nguy hiểm"

Theo ghi nhận và thống kê từ các tỉnh thành, những trường hợp chết đuối thường có nhiều nguyên nhân như: trẻ không biết bơi hoặc bơi yếu, các em chưa được trang bị kỹ năng cứu người, sự chểnh mảng của cha mẹ, các khu vực nguy hiểm chưa được cảnh báo, trẻ em chưa có được các kỹ năng đánh giá môi trường nguy hiểm để tránh... Việc sơ cấp cứu khi trẻ bị đuối nước chưa phổ biến rộng rãi.

Gần đây, trẻ đuối nước nhiều quá, ngăn chặn quá khó - Ảnh 5.

Ngoài dạy bơi, cũng cần dạy cho trẻ các kỹ năng như nhận biết vùng nguy hiểm cần tránh xa - Ảnh: Đ.NHẠN

Cần có bản đồ điểm nóng tai nạn đuối nước

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đặng Hoa Nam - cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) - cho biết cơ quan này sẽ đôn đốc, nhắc nhở địa phương thực hiện phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước kỳ nghỉ hè đang đến gần.

Cụ thể như địa phương phải tăng cường thanh tra, kiểm tra, lập bản đồ cảnh báo điểm nóng về tai nạn đuối nước và có giải pháp khắc phục kịp thời. "Các điểm, địa bàn thường xuyên xảy ra tai nạn cần có cảnh báo, biển báo, đánh dấu đỏ...", ông Nam nói.

Các tỉnh thành cần có trách nhiệm chỉ đạo các cấp chú trọng bàn giao, phối hợp quản lý học sinh trong thời gian không đến trường, đặc biệt là dịp nghỉ hè, và các thời điểm bão, lũ, thiên tai; vận động các gia đình chủ động đưa con đi học bơi và học kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

Tiếp nữa, địa phương cần đầu tư ngân sách và vận động xã hội hóa xây dựng các thiết chế thể dục thể thao, hệ thống bể bơi thông minh để dạy bơi an toàn cho trẻ, bám sát quyết định 1248 của Thủ tướng về Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. "Giải pháp và chính sách đã có, nhưng vấn đề là địa phương không thực hiện. Bộ LĐ-TB&XH đã có tài liệu tập huấn, mô hình triển khai, chỉ tiêu, cảnh báo rõ ràng nhưng nhiều địa phương lại không đầu tư ngân sách thực hiện", ông Nam nêu thực trạng.

HÀ QUÂN

Nhà trường tranh thủ dạy bơi trước khi nghỉ hè

TienGiang-Hocboi 2(Read-Only)

Tiền Giang đặt mục tiêu giảm 10% số trẻ em tử vong do đuối nước vào năm 2025 và 20% vào năm 2030 so với năm 2020. Trong ảnh: giờ học bơi của các em học sinh tại TP Mỹ Tho - Ảnh: M.TRƯỜNG

Ngày 4-5, Bộ GD-ĐT có công điện gửi giám đốc các sở GD-ĐT về tăng cường phòng chống đuối nước sau khi có một loạt trẻ em, học sinh đuối nước vào đầu mùa hè này.

Trong đó, các sở GD-ĐT cần mở đợt cao điểm tuyên truyền, giáo dục ý thức cho học sinh trong việc tuân thủ quy định đảm bảo an toàn khi hoạt động trong môi trường nước, nhận biết các địa điểm tiềm ẩn nguy cơ đuối nước.

Riêng với nhà trường, cần tận dụng thời gian cuối năm học để tổ chức các hoạt động dạy bơi, dạy kỹ năng phòng chống đuối nước, kỹ năng đảm bảo an toàn cho học sinh trước khi học sinh nghỉ hè. Nhà trường cần tăng cường phối hợp với gia đình, chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát học sinh trong thời gian nghỉ học, nghỉ hè, đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước.

Bộ GD-ĐT cũng đề nghị các sở GD-ĐT tham mưu cho UBND các tỉnh, TP ban hành chương trình, kế hoạch tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đảm bảo điều kiện dạy - học bơi trong các cơ sở giáo dục; có chính sách hỗ trợ, giảm giá vé, chi phí học bơi, rèn luyện kỹ năng bơi an toàn và các dịch vụ liên quan cho học sinh...

Trước đó, vào cuối tháng 4-2020, Bộ GD-ĐT cũng có văn bản gửi các sở GD-ĐT yêu cầu tăng cường các biện pháp phòng chống tai nạn, thương tích và đuối nước cho trẻ em, học sinh. Trong đó, lãnh đạo bộ yêu cầu các sở GD-ĐT chú trọng một số nội dung: phổ cập bơi cho học sinh bằng nhiều nguồn kinh phí, kể cả nguồn xã hội hóa; có kế hoạch tập huấn cho giáo viên, nhân viên y tế trong các nhà trường về kỹ năng sơ cứu; xây dựng tiêu chí an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các nhà trường chủ động xây dựng các chuyên đề đa dạng, thiết thực, gắn với điều kiện và đặc thù của từng vùng miền. Ví dụ xây dựng các chuyên đề phòng chống đuối nước khi tham quan, tắm biển, khi đi bơi hay vui chơi trong cộng đồng ở nơi có nguồn nước mở...

Chương trình phòng chống tai nạn, thương tích trẻ em, học sinh giai đoạn 2021 - 2025 được Bộ GD-ĐT ban hành tháng 11-2021 đã đặt ra nhiều mục tiêu liên quan tới việc đảm bảo an toàn cho trẻ em, học sinh. Cụ thể, đến năm 2025, phấn đấu giảm 5 - 10% số học sinh bị tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông.

Chương trình đặt ra mục tiêu tối thiểu có 80% học sinh phổ thông được trang bị kiến thức và kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, trong đó 60% trở lên học sinh nắm vững kiến thức, kỹ năng và biết vận dụng trong thực tiễn. Phấn đấu 50% trở lên học sinh biết bơi an toàn, có kỹ năng an toàn trong môi trường nước.

VĨNH HÀ

TP.HCM phổ cập bơi cũng quá gian nan!

Gian nan hoc boi-NH-BOI2

Học sinh Trường tiểu học Kỳ Đồng trong giờ học bơi - Ảnh: NHƯ HÙNG

Tại TP.HCM, chương trình phổ cập bơi an toàn và phòng chống đuối nước đã được triển khai tại các trường tiểu học, THCS từ nhiều năm nay. Trong đó, học sinh được học về kiến thức an toàn nước, chương trình bơi cơ bản (bơi được 25m theo kiểu bơi tự do), chương trình bơi an toàn (bơi được 25m theo kiểu bơi tự do, 25m bơi ngửa, 25m bơi ếch, 25m bơi ngửa sinh tồn và đứng nước trong 30 giây).

Thế nhưng, theo một cán bộ Sở GD-ĐT TP.HCM, khó nhất là cơ sở vật chất: "Phần lớn các đơn vị đều không có hồ bơi trong khuôn viên trường, phải đưa học sinh đến các hồ bơi bên ngoài để học. Khi đó, nhà trường phải cử giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên thể dục của trường đi theo học sinh để trông coi".

Còn ông Ngô Văn Tuyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận Bình Tân (TP.HCM), chia sẻ: quận Bình Tân đã phổ cập bơi cho học sinh từ năm 2014. Đây là quá trình gian nan chứ không đơn giản. Thứ nhất, do không có hồ bơi nên các trường phải liên kết với các hồ bơi bên ngoài, phụ huynh phải đóng phí gồm chi phí hồ bơi và dạy bơi, phí xe đưa đón từ trường đến hồ bơi. Có một số em thi không đạt phải học lại, tổ chức học rất khó khăn.

"Quận Bình Tân có 60% học sinh là con em công nhân nên không phải phụ huynh nào cũng đồng tình cho con em phổ cập bơi. Các trường không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt chuyên đề, sinh hoạt chủ nhiệm, hội thi, bảng tin, tờ rơi mà còn phải thuyết phục phụ huynh để họ hiểu tầm quan trọng của vấn đề. Nếu ta không biết chạy xe thì có thể đón xe để đi, nhưng nếu không biết bơi thì khó có người khác giúp ta được", ông Tuyên bộc bạch.

HOÀNG HƯƠNG

Châu Á - Thái Bình Dương: "rốn" đuối nước

Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) được công bố vào tháng 7-2021, hơn 144.000 người đã chết đuối ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương vào năm 2019, chiếm gần 2/3 tổng số người thiệt mạng do đuối nước trên toàn cầu. Tại khu vực Đông và Nam châu Á, trong số 70.000 ca tử vong do đuối nước vào năm 2019, hơn 33% là trẻ em dưới 15 tuổi.

Để đối phó tai nạn đuối nước, các nước ở Đông và Nam châu Á đã đưa ra nhiều giải pháp, đặc biệt nhắm vào các nhóm có nguy cơ đuối nước cao chẳng hạn trẻ em như: đào tạo kỹ năng bơi và kỹ năng sinh tồn ở Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka và Thái Lan; biện pháp chăm sóc dựa vào cộng đồng lúc ban ngày/nhà trẻ trông coi trẻ nhỏ trong lúc cha mẹ đi làm ở Bangladesh, Ấn Độ và Thái Lan; cải thiện hệ thống thông tin và các chiến dịch nâng cao nhận thức cộng đồng tập trung vào việc thay đổi hành vi ở Thái Lan.

Vào năm 2015, Bangladesh còn đưa ra chính sách bắt buộc trẻ em phải học bơi. Trong khi đó, theo báo Pattaya Mail, Thái Lan đã thành công trong việc giảm thiểu tử vong do đuối nước ở trẻ em với số trẻ em chết đuối giảm 56% vào năm 2021. Thái Lan đặt ra mục tiêu mới là đưa số trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước xuống còn 2,5/100.000 trẻ vào năm 2027.

Bộ Y tế công cộng Thái Lan tập trung vào 3 vấn đề đáng quan tâm để giải quyết tai nạn đuối nước gồm: trẻ em dưới 2 tuổi được cung cấp các khu vực vui chơi an toàn và ít xảy ra thương tích hơn; trẻ em từ 6 tuổi trở lên được các đội phòng chống đuối nước tại mỗi địa phương dạy bơi; những trẻ từ 12 tuổi trở lên được dạy cách hô hấp nhân tạo.

Tại khu vực Tây Thái Bình Dương, theo WHO, các nước đã đưa ra một loạt biện pháp can thiệp nhằm phòng chống đuối nước như: 14 quốc gia cung cấp các chương trình chăm sóc/giám sát trẻ em để giữ an toàn cho trẻ em khi tiếp xúc với nước, 17 quốc gia dạy trẻ em kỹ năng an toàn dưới nước, 19 quốc gia dạy các cá nhân kỹ năng cứu hộ và hồi sức an toàn...

BẢO ANH

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em Thủ tướng chỉ đạo tăng cường phòng chống đuối nước cho trẻ em

TTO - Thủ tướng Chính phủ gửi công điện yêu cầu phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước đến từng trường học, lớp học, từng học sinh, đặc biệt trước mỗi kỳ nghỉ hè; đẩy mạnh phong trào dạy bơi an toàn cho học sinh trong trường học.

NHÓM PHÓNG VIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên