Bị can Lê Xuân Giang mặc quân phục mạo danh doanh nghiệp Bộ Quốc phòng tại một sự kiện do Liên kết Việt tổ chức - Ảnh tư liệu |
Ngày 13-4, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã có kết luận điều tra vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần Liên kết sản xuất thương mại Việt Nam (Công ty Liên kết Việt). Cơ quan điều tra đã chuyển hồ sơ sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố: Lê Xuân Giang (chủ tịch HĐQT Công ty Liên kết Việt), Lê Văn Tú (tổng giám đốc), Nguyễn Thị Thủy (phó tổng giám đốc) và 4 đồng phạm khác về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Mạo danh doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng
Theo kết luận điều tra, bị can Lê Xuân Giang là người “sáng lập” Công ty Liên kết Việt, đồng thời là chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thiết bị y tế BQP.
Để tạo lòng tin và thu hút sự đầu tư của khách hàng, Công ty Liên kết Việt đã tổ chức nhiều sự kiện và mời nhiều sĩ quan, tướng, tá quân đội nghỉ hưu tham dự. Thậm chí Giang còn bố trí cho các sĩ quan quân đội về hưu trao bằng khen giả, trực tiếp quảng cáo sản phẩm mà công ty bán để khách hàng nhầm tưởng hai công ty trên là công ty của Bộ Quốc phòng.
Khách hàng khi đến tham gia sự kiện được nhân viên của công ty tuyên truyền Công ty Liên kết Việt và Công ty BQP là công ty trực thuộc Bộ Quốc phòng, còn ông Lê Xuân Giang - chủ tịch HĐQT của công ty - là đại tá quân đội.
Các sản phẩm của công ty như máy vật lý trị liệu, máy khử độc ozone, các loại thực phẩm chức năng là sản phẩm được liên doanh, liên kết với các đơn vị của Bộ Quốc phòng...
Cuối năm 2014, Giang vào Sài Gòn gặp một người để nhờ “chạy” 12 bằng khen của Thủ tướng Chính phủ để tặng cho Công ty BQP, Liên kết Việt, Lê Xuân Giang và một số lãnh đạo của Công ty Liên kết Việt. Tuy nhiên, tất cả các quyết định và bằng khen này đều được làm giả. Sau đó, Công ty Liên kết Việt đã rầm rộ tổ chức các lễ đón bằng khen (giả) để tạo uy tín đánh lừa khách hàng.
Chiêu trả hoa hồng cực cao
Cơ quan điều tra xác định từ tháng 3-2014 đến tháng 11-2015, Lê Xuân Giang và đồng phạm đã mở 34 chi nhánh, văn phòng, đại lý tại 27 tỉnh thành, lôi kéo gần 67.000 người tham gia ký hợp đồng với tổng số tiền gần 2.100 tỉ đồng.
Giang ký hợp đồng bán hàng và yêu cầu khách hàng nộp tiền, ban hành các chương trình trả thưởng, khuyến mãi theo tỉ lệ 65% (cao hơn so với mức quy định 40% của Chính phủ tại nghị định về quản lý kinh doanh đa cấp) trên tổng doanh thu, kinh doanh theo mô hình kim tự tháp...
Theo lời khai của các nạn nhân, sau khi chứng kiến công ty trả tiền cho các khách hàng, nhiều người dân đã hoa mắt và được mời gọi mua các sản phẩm như máy vật lý trị liệu, máy khử độc ozone, các loại thực phẩm chức năng... Nếu mua một mã sản phẩm có giá 8,6 triệu đồng, khách hàng sẽ được trả các loại hoa hồng trực tiếp, gián tiếp; khi tham gia mạng lưới đa cấp sẽ được trả hoa hồng lương tháng, hoa hồng lãnh đạo.
Bên cạnh đó, Liên kết Việt còn đưa ra các chiêu trò như khi trở thành thành viên của mạng lưới đa cấp này khách hàng sẽ được tham gia các chương trình khuyến mãi như bốc thăm trúng nhà chung cư, ôtô, xe máy, đi du lịch... Nhiều người dân mắc bẫy đổ tiền vào đa cấp hi vọng mình sẽ may mắn mà không biết đã bị lừa.
Sau một thời gian tung hoành ở Hà Nội, Liên kết Việt còn “vươn vòi bạch tuộc” mở chi nhánh ở các tỉnh, thành và cả các vùng quê. Thời gian đầu những người tham gia mạng lưới đa cấp của Liên kết Việt được trả hoa hồng đầy đủ nhưng càng về sau càng ít đi. Đến tháng 11-2015 khách hàng không nhận được hoa hồng nữa, sau khi trừ tiền hoa hồng, khuyến mãi và giá trị hàng hóa họ vẫn thấy mình bị mất tiền thì mới tá hỏa nhận ra đã bị lừa.
Trong số tiền thu được, các bị can đã chi hơn 1.100 tỉ đồng cho các hoạt động của công ty, riêng tiền chi hoa hồng chiếm tới gần 870 tỉ đồng. Cá nhân Lê Xuân Giang đã sử dụng hơn 871 tỉ đồng, Nguyễn Thị Thủy hưởng lợi cá nhân 36,4 tỉ đồng, Lê Văn Tú hưởng lợi 61,9 tỉ đồng, các bị can còn lại hưởng từ 4 - 15 tỉ đồng. |
Xử lý hình sự doanh nghiệp đa cấp vi phạm Gần như tất cả những người tham gia hệ thống bán hàng đa cấp đều không hề có hoạt động bán hàng, chỉ đơn giản trao tiền cho người khác và hi vọng nhận được tiền lời với lãi suất cao. Nhận định này được Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công thương) đưa ra khi đánh giá về các khó khăn trong quá trình quản lý hoạt động bán hàng đa cấp năm 2016, công bố ngày 13-4. Trong năm 2016, VCA đã xử phạt 35 doanh nghiệp bán hàng đa cấp có hành vi vi phạm pháp luật về bán hàng đa cấp với tổng số tiền phạt hơn 8 tỉ đồng. Phần lớn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán hàng đa cấp đều sử dụng mô hình đa cấp trong những lĩnh vực đã bị pháp luật nghiêm cấm, đặc biệt là hình thức huy động tài chính, mời gọi đầu tư để tiếp thị các sản phẩm vô hình (tiền ảo) nhằm thu hút người tham gia. Để giải quyết dứt điểm tình trạng này, VCA cho biết Bộ Công thương đã phối hợp với các cơ quan hữu quan đề nghị bổ sung tội danh “kinh doanh trái phép theo phương thức đa cấp” vào Bộ luật hình sự 2015 nhằm tăng tính chất răn đe đối với các doanh nghiệp cố tình vi phạm. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận