26/05/2025 13:33 GMT+7

Gần 600.000 thanh niên Hàn Quốc không tìm việc, cũng chẳng muốn đi làm

Hàn Quốc ghi nhận gần 600.000 thanh niên “rút lui” khỏi thị trường lao động trong năm 2024 - con số cao kỷ lục, phản ánh tình trạng mất động lực, lệch pha kỳ vọng và gia tăng mệt mỏi trong giới trẻ.

Hàn Quốc - Ảnh 1.

Nguyên nhân chính khiến giới trẻ Hàn Quốc không muốn đi làm đến từ việc không có động lực kiếm việc - Ảnh: AFP

Theo báo cáo mới công bố của Cơ quan Thông tin việc làm Hàn Quốc (KEIS), số thanh niên từ 15 - 34 tuổi không tham gia vào các hoạt động kinh tế - tức không đi làm, cũng không tìm việc - ở quốc gia này đã đạt mức 590.000 người trong năm 2024, tăng thêm 197.000 người so với năm 2019.

Báo cáo được thực hiện dựa trên khảo sát đối với 3.189 người trẻ cho biết họ đã "nghỉ ngơi" trong năm vừa qua.

Những người này được phân loại là không hoạt động về mặt kinh tế, tức là đã ngừng tìm việc trong vòng 1-3 năm sau khi hoàn tất đào tạo nghề hoặc sau khi nhận trợ cấp tìm việc.

Tính đến tháng 12-2024, thời gian nghỉ trung bình của nhóm này đã lên tới 22,7 tháng. Lý do phổ biến nhất khiến họ quyết định rút khỏi thị trường lao động là do thiếu động lực tìm việc (38,1%), do tập trung học hành hoặc phát triển bản thân (35%), kiệt sức (27,2%) và vấn đề tâm lý (25%).

Dù tổng số nam giới không tham gia thị trường lao động vẫn cao hơn nữ giới, tỉ lệ nữ giới rơi vào nhóm này lại gia tăng đều đặn trong vòng 10 năm qua, theo báo Korea Herald.

Ở nhóm tuổi 15-24, tỉ lệ nữ giới không hoạt động kinh tế tăng từ 40% vào năm 2015 lên 42,3% vào năm 2024. Ở nhóm tuổi 25-34, tỉ lệ này tăng từ 35% lên 40,9%.

Về trình độ học vấn, tỉ lệ sinh viên đại học ra trường nhưng chọn không tìm việc cũng tăng lên đáng kể. Ở nhóm tuổi trẻ hơn, tỉ lệ này tăng từ 19,4% vào năm 2015 lên 23,7% vào năm 2024; trong khi nhóm lớn tuổi tăng từ 54,3% lên 58,8%.

Báo cáo cho biết tình trạng "lệch pha" giữa kỳ vọng nghề nghiệp và thực tế việc làm ngày càng nghiêm trọng, khi thiếu hụt công việc phù hợp với trình độ học vấn của người trẻ.

Số người chưa từng thử tìm việc cũng đang tăng mạnh. Tỉ lệ người từng cố gắng tìm việc trước khi quyết định "nghỉ ngơi" từ 41,8% vào năm 2015, nay chỉ còn 29,1%.

Đáng chú ý, khi được hỏi liệu họ có sẵn sàng đi làm nếu có cơ hội không, tỉ lệ trả lời "không" đã gia tăng.

Nếu năm 2015, 99,9% thanh niên 15-24 tuổi sẵn sàng làm việc thì đến năm 2024, có đến 24% nhóm này và 20,1% nhóm tuổi 25-34 cho biết họ không muốn bắt đầu công việc mới.

"Khả năng tìm việc suy giảm so với trước khiến thời gian 'nghỉ ngơi' có thể kéo dài hơn. Đồng thời, sự suy giảm trong mong muốn làm việc cũng góp phần khiến tình trạng này trở nên đáng lo ngại hơn", báo cáo kết luận.

Tính đến tháng trước, có 415.000 người trẻ từ 15 - 29 tuổi đang không tham gia vào thị trường lao động, tăng 15.000 người so với cùng kỳ năm 2023.

Đây cũng là tháng thứ 12 liên tiếp số lượng người trẻ "tạm nghỉ" gia tăng, đánh dấu chuỗi tăng dài nhất kể từ giai đoạn 26 tháng liên tiếp từ tháng 1-2019 đến tháng 2-2021.

Gần 600.000 thanh niên Hàn Quốc không tìm việc, cũng chẳng muốn đi làm - Ảnh 3.Hàn Quốc: Cứ 10 tiến sĩ thì có 3 người... thất nghiệp!

Tỉ lệ thất nghiệp của tiến sĩ Hàn Quốc đạt mức kỷ lục với gần 30% chưa có việc làm, cho thấy ngay cả lao động trình độ cao cũng khó kiếm việc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên