20/03/2015 08:16 GMT+7

Gần 500 cây xanh bị đốn hạ, Hà Nội nói dân ủng hộ

LÂM HOÀI
LÂM HOÀI

TT - Gần 500 cây xanh đã bị đốn hạ. Đại diện thành phố Hà Nội cho rằng “hầu hết nhân dân các khu vực có cây thay thế đồng thuận, ủng hộ”.

Cây xanh bị đốn hạ trên đường Nguyễn Chí Thanh (Hà Nội) - Ảnh: Việt Dũng

Trong khi dư luận tiếp tục phản đối đề án chặt hạ, thay thế trên 6.700 cây xanh tại Hà Nội thì gần 500 cây xanh đã bị đốn hạ, còn đại diện thành phố cho rằng “hầu hết nhân dân các khu vực có cây thay thế đồng thuận, ủng hộ”.

Theo UBND TP Hà Nội, hiện toàn TP có khoảng 120.000 cây xanh bóng mát thuộc 70 loài, được trồng trên đường đô thị, tỉnh lộ, quốc lộ.

Trong số này các cây cổ thụ được trồng từ thời Pháp thuộc và sau ngày giải phóng thủ đô đã xuất hiện dấu hiệu sâu mục ở thân, gốc, rễ bị thối dễ đổ gãy trong mùa mưa bão, đặc biệt là cây xà cừ.

Bên cạnh đó nhiều cây cong, nghiêng, phát triển không đều ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị, an toàn giao thông, gây nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của nhân dân.

Thêm nữa, trên một số tuyến đường tồn tại nhiều cây lâm nghiệp, cây do người dân tự ý trồng không phải cây đô thị như dâu da, vông, bông gòn, trứng cá...

Cư dân mạng phản đối

Mấy ngày nay tại địa chỉ facebook.com/manfortree đã ra đời trang vận động “6.700 người vì 6.700 cây xanh”, với mục tiêu thu thập 6.700 chữ ký vào bức thư ngỏ gửi lãnh đạo TP Hà Nội. Thư ngỏ đưa ra ba yêu cầu cụ thể, trong đó có việc dừng ngay việc chặt cây để hỏi ý kiến người dân và các chuyên gia, đồng thời công khai lộ trình và lý do chặt cây. Đã có 1.000 người ký vào thư ngỏ này, hơn 20.400 người bấm thích (like) trang này và con số này vẫn không ngừng tăng lên.

Cùng với đó, nhà báo Trần Đăng Tuấn (nguyên phó tổng giám đốc Đài truyền hình VN) và GS Ngô Bảo Châu đã có thư ngỏ gửi lãnh đạo TP bày tỏ không ủng hộ chủ trương chặt hạ cây xanh này.

Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường phố Hà Nội sẽ thay thế hơn 6.700 cây trên 190 tuyến phố thuộc 10 quận nội thành Hà Nội.

Trong đó có 4.500 cây không đúng chủng loại cây đô thị (cây cấm trồng), 2.208 cây cong, nghiêng, nguy hiểm, cản trở giao thông, ảnh hưởng mỹ quan đô thị cần thay thế. Kinh phí thực hiện xấp xỉ 60 tỉ đồng.

Theo ông Nguyễn Thịnh Thành - phó chánh văn phòng UBND TP Hà Nội, Sở Xây dựng đã đề xuất thời gian thực hiện đề án từ năm 2015-2017.

Trong năm 2015 TP chưa bố trí kinh phí để cải tạo, thay thế cây xanh. Tuy nhiên, tranh thủ thời tiết thuận lợi cho việc thay thế cây và tránh mùa mưa bão, UBND TP Hà Nội có chủ trương kêu gọi các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ thay thế cây xanh trên các tuyến phố.

Đến nay đã có một số đơn vị, cá nhân hưởng ứng tham gia thực hiện trên 17 tuyến phố. Ông Thành cũng khẳng định: “Hầu hết nhân dân tại các khu vực thay thế cây đồng thuận, ủng hộ”...

Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Lê Văn Dục cho biết số cây chặt hạ đã được các tổ chuyên gia gồm ban dự án duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật của Công ty Công viên cây xanh, của UBND các quận khảo sát và báo cáo.

“Hiện việc thay thế đã triển khai trên chín tuyến phố. Số cây đã và đang thực hiện thay thế hơn 500 cây” - ông Dục cho hay.

Tại buổi họp của UBND TP diễn ra sáng 19-3, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: “Việc thực hiện thay thế các cây này là chủ trương đúng đắn, hoàn toàn không phải là vụ đấu thầu, chặt hạ cây để kiếm chác hay có nhóm lợi ích”.

Ông Thảo cho rằng việc thông tin không đầy đủ khiến người dân hiểu TP có một đề án, một chiến dịch chặt hạ hơn 6.000 cây xanh. Trong khi đó đây là đề án từng bước thay thế những cây già cỗi, sâu mọt, cong nghiêng, không đúng chủng loại...

Theo ông Nguyễn Thế Thảo, đề án chặt hạ, thay thế cây đã được các đơn vị, doanh nghiệp, tư nhân ủng hộ và đóng góp những cây rất có giá trị, đúng chủng loại theo quy hoạch thay thế. Ngân sách không phải bố trí một đồng kinh phí nào cho việc thay thế cây xanh này.

Đề cập về cơ sở pháp lý cho đề án này, ông Thảo cho hay nằm trong quy hoạch chuyên ngành về hệ thống công viên và cây xanh được HĐND TP thông qua. Chủ tịch UBND TP cũng khẳng định sẽ tiếp thu những ý kiến góp ý đúng về việc thay thế cây xanh này để khắc phục, điều chỉnh.

* Chị Lê Thị Bích (Q.Cầu Giấy, Hà Nội):

Tiếc lắm!

Tại sao lại có thể chặt một lúc nhiều cây trên một tuyến đường đến như vậy? Mới đầu tôi xem qua thông tin trên báo đài nói là chặt những cây già, sâu mọt, bị nghiêng để thay cây mới. Bây giờ nhìn nhiều cây đang khỏe mạnh cũng bị chặt thấy tiếc lắm! Đây mới là đầu mùa nóng, những lúc nhiệt độ ngoài trời gần 40OC mới thấy sự quý giá của cây xanh.

* Ông Trần Xuân Bách (Q.Lê Chân, Hải Phòng):

Đừng đốn hàng loạt

Gần 20 năm nay, hầu như năm nào tôi cũng lên Hà Nội công tác khoảng 10 lần. Thủ đô có một nét đặc trưng mà các TP khác không có được đó là cây xanh. Cây xanh Hà Nội đã mang một nét riêng. Tôi đồng ý với việc trồng cây mới cho đẹp đô thị nhưng chỉ nên cưa những cây bị chết hay nghiêng ra đường chứ đốn hạ hàng loạt làm người dân thấy nuối tiếc, hụt hẫng lắm...

* Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính:

Phải tạm dừng ngay

Vai trò của cây xanh bất cứ ở đâu đã quá rõ, riêng Hà Nội đó còn là biểu tượng của thành phố xanh, là ký ức bao giai đoạn thăng trầm của lịch sử, là kỷ niệm của bao nhiêu thế hệ, đi vào văn học, thơ ca, điện ảnh... Nên chặt cây tức là đụng tới điều gì đó thiêng liêng, trân quý của người dân khiến ai cũng xót.

Cái thiếu sót của Hà Nội là chưa minh bạch hoàn toàn thông tin, chưa đưa ra được lý do thuyết phục. Tại sao cứ phải chặt hạ mà không di chuyển, tại sao chặt hạ đồng loạt trên hàng loạt tuyến phố, tại sao rầm rập chặt trong cùng một thời điểm ngắn?... Theo tôi, phải tạm dừng lại đã, phải chờ sự đồng thuận của người dân, phải mời các nhà khoa học, chuyên gia về đô thị, về thực vật, về khoa học, lịch sử... Khi có sự đồng thuận cơ bản rồi mới tính tới chuyện triển khai tiếp.

L.H. - Q.THẾ

 

LÂM HOÀI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên