13/04/2022 11:00 GMT+7

Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc COVID-19 ít nhất 1 lần

TTXVN
TTXVN

TTO - Nghiên cứu ước tính đến giữa tháng 11-2021, có 3,39 tỉ người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần. Đáng chú ý, con số này được đưa ra vào thời điểm trước khi biến thể Omicron xuất hiện.

Gần 50% dân số thế giới có thể đã mắc COVID-19 ít nhất 1 lần - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc trong bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 ở Nga - Ảnh: TASS

Kết quả nghiên cứu mới này do Viện Đo lường và đánh giá sức khỏe (IHME) thuộc Đại học Washington (Mỹ) công bố trên tạp chí The Lancet.

Do sự xuất hiện của biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh, số ca mắc COVID-19 đã tăng vọt trong vài tháng qua. Vào đầu năm 2022, thế giới chính thức ghi nhận gần 300 triệu ca mắc COVID-19. Nhưng chỉ một tháng sau khi bước sang năm mới, tổng số ca mắc trên thế giới đã vượt 400 triệu. 

Hiện số liệu của Đại học Johns Hopkins cho thấy đã có hơn 500 triệu ca mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát đầu năm 2020. Tuy nhiên, con số này được cho là chưa thực sự phản ánh đúng mức độ lây lan thực sự của virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu.

Nghiên cứu của IHME đưa ra báo cáo toàn diện về số ca mắc COVID-19 khi phân tích dữ liệu của 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Báo cáo đưa ra số ca mắc mà các nhà nghiên cứu gọi đây là phát hiện "gây sửng sốt". 

Cụ thể, đến giữa tháng 11-2021, ước tính có 3,39 tỉ người đã nhiễm virus SARS-CoV-2 ít nhất một lần, tương đương với khoảng 44% dân số thế giới. Đáng chú ý, con số ước tính này chỉ được đưa ra vào thời điểm trước khi biến thể Omicron có khả năng lây lan mạnh xuất hiện.

Các nhà nghiên cứu IHME đã tính toán và phát hiện tính đến ngày 14-11-2021, thế giới có 400 triệu ca mắc COVID-19. Dù nghiên cứu mới này không đưa tác động của biến thể Omicron vào mô hình tính toán, nhưng các tác giả cho rằng vào đầu năm 2022 có thêm hàng tỉ ca mắc nữa, trong đó có những ca mắc dù đã tiêm vắc xin và ca tái nhiễm.

Các tác giả nghiên cứu nêu rõ các mô hình tính toán cho thấy hơn 50% dân số thế giới có thể đã nhiễm biến thể Omicron. Tuy nhiên, các nhà khoa học sẽ phải chờ dữ liệu mới về huyết thanh học trong những tháng tới để đưa ra bản phân tích chi tiết. Theo đó, số ca mắc COVID-19 tính đến tháng 3-2022 có thể tăng gần gấp đôi số ca mắc tính đến ngày 14-11-2021, tức khoảng 800 triệu ca.

Số liệu cũng cho thấy những khu vực có tỉ lệ nhiễm cao không đạt được miễn dịch cộng đồng. Thậm chí, nghiên cứu phát hiện tỉ lệ mắc COVID-19 giảm không đáng kể ở khu vực đã có 80% dân số mắc bệnh.

Kể từ đầu dịch, nhiều nhà nghiên cứu nhấn mạnh số ca mắc COVID-19 được công bố chính thức thấp hơn nhiều so với số ca mắc thực tế. Hàng loạt công trình nghiên cứu theo dõi số ca mắc tại nhiều nơi trên thế giới và phát hiện rất nhiều ca mắc chưa được ghi nhận. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ước tính gần 25% số ca mắc chưa được báo cáo chính thức.

Tuần trước, một báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phân tích hơn 150 nghiên cứu và cho rằng tính đến cuối năm 2021, khoảng 65% dân số ở châu Phi có thể đã mắc COVID-19, cao hơn khoảng 97 lần so với con số công bố chính thức.

Trẻ bị sốt sau khi khỏi COVID-19: Cha mẹ cảnh giác, coi chừng bệnh nguy hiểm Trẻ bị sốt sau khi khỏi COVID-19: Cha mẹ cảnh giác, coi chừng bệnh nguy hiểm

TTO - Gần đây số ca mắc hội chứng viêm đa hệ thống có chiều hướng gia tăng, cho thấy việc chăm sóc trẻ hậu COVID-19 vô cùng quan trọng. Đặc biệt, khi hội chứng này không có dấu hiệu xác định cụ thể, phụ huynh dễ nhầm lẫn với bệnh lý thông thường.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên